Lực cầu yếu thách thức tăng trưởng tín dụng
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, vốn tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện so với cuối năm ngoái phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu khiến mục tiêu tăng trưởng 12% của năm nay trở thành một thách thức.
Kinh doanh BĐS đã tăng trưởng dương
Sau gần 3 tháng thực hiện, Nghị quyết 02 đã tạo hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế, củng cố lòng tin của thị trường. Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục xu thế ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cán cân thương mại thặng dư. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối được cải thiện rõ rệt. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm. Sản xuất bước đầu có dấu hiệu chuyển biến.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân xây dựng cơ sở hạ tầng để kích cầu nền kinh tế
|
Chuyển biến rõ nhất được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS) chỉ ra là: Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực bất động sản (BĐS) theo tinh thần của Nghị quyết 02 đã bắt đầu có tác dụng, đóng góp vào tăng trưởng GDP quý I/2013.
Trong đó tăng trưởng của ngành kinh doanh BĐS đạt mức 1,72%, so với mức tăng trưởng âm 1% của quý I/2012. Tăng trưởng của ngành xây dựng cũng đạt mức 4,79%, so với mức âm 3,18% của quý I năm ngoái. Với diễn biến này cùng với xu hướng 4 năm gần đây là tăng trưởng quý sau tăng cao hơn quý trước, UBGS dự báo tăng trưởng GDP của cả năm 2013 khả năng sẽ cao hơn năm 2012, nhiều khả năng sẽ đạt mức 5,3%.
Nhưng UBGS cũng thẳng thắn nhận xét: việc triển khai Nghị quyết 02 còn chậm, khiến cầu nội địa vẫn thấp, khu vực công nghiệp và nông nghiệp đều tăng thấp, tình hình DN vẫn còn rất nhiều khó khăn. Những hạn chế này đã ảnh hưởng ngược lại đến hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Nếu tăng giá xăng, điện sẽ đẩy lạm phát tăng 0,4%
Theo đánh giá của UBGS, thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định và mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm theo sát diễn biến của lạm phát. Lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp và giảm nhẹ so với đầu năm, các lãi suất chủ chốt cũng giảm (lãi suất tái cấp vốn giảm còn 8%/năm, lãi suất tái chiết khấu còn 6%/năm) và trần lãi suất tiền gửi giảm còn 7,5%/năm.
Tuy nhiên, vốn tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện so với cuối năm ngoái phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu khiến mục tiêu tăng trưởng 12% của năm nay trở thành một thách thức.
Tổng cầu yếu còn được phản ánh ở chỉ số giá tiêu dùng âm; doanh số bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng, khối lượng hàng hóa vận chuyển… chỉ tăng không tới 5%, trong khi quý I/2012 các chỉ số này ở quanh mốc 10%. Số DN đăng ký thành lập mới cũng giảm 6,8% so cùng kỳ năm trước.
Với mức giảm 0,19% của CPI tháng 3 so với tháng 2, lạm phát quý I/2013 tăng 2,39% so với đầu năm và tăng 6,91% so với quý I/2013. Theo UBGS, đây là mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ năm 2009.
Phân tích cụ thể các nguyên nhân chính tác động đến lạm phát từ nay đến cuối năm, theo UBGS: tổng cầu của nền kinh tế hiện vẫn rất thấp nên áp lực lạm phát cầu kéo sẽ không lớn. Yếu tố lạm phát nhập khẩu và lạm phát nhóm lương thực năng lượng không tác động đáng kể khi giá cả quốc tế ít biến động và đặc biệt là giá gạo vẫn trong xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát do yếu tố chi phí đẩy đang có những dấu hiệu gia tăng kể từ cuối năm 2012. Do đó, những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá sẽ là nhân tố chính chi phối việc thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm. Những biện pháp xử lý nợ xấu và hỗ trợ DN (đặc biệt là lĩnh vực BĐS) cũng cần phải chủ động tính toán lượng cung tiền hợp lý nhằm hạn chế sự gia tăng áp lực lạm phát.
UBGS dẫn ra kết quả nghiên cứu của Trung tâm Phân tích – Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội): nếu giá xăng và giá điện đều tăng 20% thì lạm phát có thể tăng thêm 1,73%. Còn nếu tỷ giá tăng 4% và sự điều chỉnh này được chuyển hết vào giá hàng nhập khẩu và giá điện, xăng dầu thì lạm phát tăng khoảng 2%, trong đó 1,6% tăng là do tăng giá hàng nhập khẩu và 0,4% tăng do tăng giá điện và xăng.
Ủy ban kiến nghị: Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 01 & 02/NQ-CP đang là một yêu cầu cấp thiết. Cần có cơ chế giám sát việc thực hiện để Nghị quyết thực sự được triển khai một cách sâu rộng, nhất là đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Cần tiếp tục và tăng cường tập trung ưu tiên hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất. Nên giảm thuế suất thuế thu nhập DN xuống 20% để khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. |
Lương Linh
thời báo ngân hàng
|