Quản trị rủi ro công ty quản lý quỹ: Những quan điểm trái chiều
Một số nội dung tại dự thảo hướng dẫn thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho công ty quản lý quỹ (QLQ), theo các công ty QLQ là thiếu phù hợp, khó khả thi, nhưng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thì không hẳn như vậy.
Phân vai thiếu hợp lý?
Tán thành quan điểm cần sớm có quy định quản trị rủi ro (QTRR) áp dụng đối với công ty QLQ, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, an toàn trong hoạt động của các đối tượng này. Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo Quy chế hướng dẫn thiết lập và vận hành hệ thống QTRR cho công ty QLQ mà UBCK vừa công bố nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định chưa hợp lý.
Điều 4 của Dự thảo quy định, ban đại diện quỹ, khách hàng ủy thác quyết định chính sách QTRR của quỹ, danh mục của khách hàng ủy thác..., theo một thành viên Câu lạc bộ QLQ Việt Nam là chưa phù hợp, khó khả thi. Vẫn biết UBCK đưa ra quy định này nhằm phát huy tính tự chịu trách nhiệm của ban đại diện quỹ, khách hàng ủy thác trong việc đảm bảo an toàn và tính hiệu quả của quỹ, nhưng đặt quy định này trong mối tương quan với trình độ phát triển của ngành quản lý quỹ Việt Nam, là chưa phù hợp. Thực tế, ban đại diện quỹ, cũng như khách hàng ủy thác không có đủ nguồn lực về con người, thời gian, thậm chí cả sự am hiểu sâu về QTRR, để quyết định chính sách QTRR của quỹ và danh mục của khách hàng ủy thác.
Ngành quản lý quỹ tại Việt Nam hiện có 47 công ty quản lý quỹ
|
“Do đó, để đảm bảo tính khả thi, quy định này nên được xem xét điều chỉnh theo hướng, HĐQT/HĐTV hoặc chủ sở hữu công ty QLQ quyết định chính sách QTRR của quỹ và danh mục của khách hàng ủy thác trên cơ sở yêu cầu, đề xuất của ban đại diện quỹ và khách hàng ủy thác...”, vị chuyên gia trên khuyến nghị, đồng thời phân tích thêm, nếu UBCK e ngại công ty QLQ lạm dụng sự am hiểu của mình để đưa ra chính sách QTRR có lợi cho họ, dễ làm phương hại đến khách hàng ủy thác, thì nên đưa ra các chế tài xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK cho rằng, HĐQT/HĐTV hay chủ sở hữu công ty QLQ về nguyên tắc họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận và phần vốn sở hữu, vốn của chính họ. Còn liên quan tới vốn khách hàng ủy thác, vốn của quỹ, thì trách nhiệm về QTRR của HĐQT/HĐTV của công ty QLQ được nhìn nhận thấp hơn so với ban đại diện quỹ. Cần lưu ý, ban đại diện quỹ theo quy định pháp luật, bên cạnh đại hội NĐT, là cơ quan cao nhất, đại diện cho quyền lợi NĐT của quỹ, chứ không phải là HĐTQ/HĐTV của công ty QLQ. Xét về cấu trúc của DN, ban đại diện quỹ vận hành không khác gì HĐQT/HĐTV của một công ty. Việc để cho HĐQT/HĐTV công ty quyết định chính sách QTRR sẽ tiềm ẩn xung đột lợi ích, không đúng vai.
Ngoài ra, UBCK cũng lường trước được khả năng của ban đại diện quỹ trong công tác QTRR, nên trong dự thảo quy chế đã có cơ chế cho phép ban đại diện quỹ ủy quyền cho hội đồng đầu tư quyết định công tác QTRR. Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng đang cân nhắc bổ sung thêm cơ chế cho phép ban đại diện quỹ đại chúng ủy quyền cho công ty QLQ tự quyết định chiến lược và chính sách QTRR. Nếu như vậy thì vai trò, trách nhiệm giải trình của công ty QLQ, không loại trừ cả trách nhiệm tài chính về các rủi ro, thiệt hại phát sinh sẽ tới đâu, nếu có xung đột lợi ích hoặc nếu công tác QTRR không phù hợp với mục tiêu và chính sách đầu tư của quỹ? Để tránh những lỗi do con người gây ra, rất có thể trong trường hợp đó, công ty phải có hạ tầng công nghệ thông tin có trang bị các phần mềm QTRR chuyên dụng.
Một điểm chưa ổn khác được quy định tại Điều 5 của Dự thảo, là tiểu ban QTRR có trách nhiệm rà soát trước khi trình HĐQT/HĐTV hoặc chủ sở hữu công ty QLQ phê duyệt chiến lược và chính sách
QTRR do ban điều hành soạn thảo... Quy định này, theo Phó tổng giám đốc một công ty QLQ, dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong triển khai chính sách QTRR, vì ban điều hành vừa là người soạn thảo, vừa là người thực hiện chiến lược và chính sách QTRR. Để đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập của tiểu ban QTRR, nên trao trách nhiệm soạn thảo chiến lược QTRR cho tiểu ban QTRR, với tư cách là những người chuyên trách, am hiểu sâu về QTTT, chứ không nên là ban điều hành như dự thảo.
Ông Long lưu ý, trong HĐQT tại công ty QLQ, theo thông lệ quốc tế có nhiều tiểu ban, chẳng hạn tiểu ban tiền lương, tiểu ban về kiểm toán, tiểu ban về QTRR… Đây là các bộ phận tham mưu, tư vấn giúp HĐQT quyết định các chiến lược và chính sách rủi ro. Theo thông lệ quốc tế, tuy việc dự thảo và tổ chức thực hiện chiến lược và chính sách QTRR do ban điều hành thực hiện, nhưng chính HĐQT mới là người quyết. Do vậy, không thể có tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Thuê QTRR: khó khả thi
QTRR là công việc chạm đến những ngóc ngách sâu nhất của mọi hoạt động tại công ty QLQ. Bởi vậy, khoản 4, Điều 4 của dự thảo quy định, công ty QLQ được ủy quyền (thuê ngoài) tổ chức kiểm toán thực hiện công tác QTRR cho công ty... là khó khả thi. Ngay cả người của công ty QLQ còn khó am hiểu tường tận mọi hoạt động của công ty, để lượng hóa các hạn mức rủi ro, trên cơ sở đó định ra giải pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro, huống gì là người ngoài như công ty kiểm toán. Hơn nữa, liệu có công ty QLQ nào sẵn sàng phơi bày tất cả chiến lược, thậm chí bí quyết kinh doanh của mình, để làm cơ sở cho tổ chức kiểm toán triển khai hoạt động QTRR tại công ty? Trong trường hợp ngay cả khi đơn vị kiểm toán có thể đáp ứng được đòi hỏi QTRR của công ty QLQ, thì việc phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để thuê QTRR là gánh nặng không phải công ty QLQ nào cũng có thể đáp ứng…
Theo ông Long, việc thuê ngoài dịch vụ QTRR là chuyện bình thường theo thông lệ quốc tế. Các công ty kiểm toán lớn thường cung cấp dịch vụ này, chưa kể còn có những tổ chức khác chuyên cung cấp dịch vụ QTRR. Tuy nhiên, việc thuê ngoài có rất nhiều mức độ, thông thường có thể chỉ hạn chế tới việc hoạch định chiến lược, chính sách QTRR. Còn việc thực hiện các công tác QTRR hàng ngày, thì công ty QLQ vẫn phải thực hiện. Cần lưu ý, việc thuê ngoài dịch vụ QTRR, hay mức độ thực hiện QTRR mà công ty thực hiện là hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô vốn chủ sở hữu, quy mô và phạm vi đầu tư của công ty.
Một quy định khó khả thi khác tại Điều 4 của dự thảo là yêu cầu thành viên chuyên trách QTRR của HĐQT/HĐQT hoặc chủ sở hữu; thành viên ban điều hành chuyên trách công tác QTRR... có chứng chỉ quốc tế về QTRR như: Financial Risk Manager, Professional Risk Manager, Quantitative Risk Manager... Theo một số ý kiến, việc đưa ra các loại bằng cấp này là quá cao so với khả năng đáp ứng của các công ty QLQ hiện nay. Hơn nữa, tại Việt Nam số lượng nhân sự có các loại bằng cấp này không nhiều, nên nếu quy định này được áp dụng, các công ty QLQ sẽ gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân sự cho công tác QTRR theo yêu cầu của UBCK.
Ông Long cho rằng, dự thảo đã đưa ra hai phương án là quy định rõ những người có chứng chỉ như đã nêu, hoặc đáp ứng yêu cầu về QTRR do công ty QLQ quy định, chứ không bắt buộc các công ty phải có đội ngũ nhân sự có các loại chứng chỉ trên. Việc đưa ra những chứng chỉ nhằm định hướng cho các công ty biết trong lĩnh vực QTRR có những loại chứng chỉ gì là phù hợp.
“UBCK sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các thành viên thị trường, để hoàn thiện dự thảo trước khi chính thức được áp dụng. Cần lưu ý đây là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, nên các công ty tùy thuộc vào quy mô, phạm vi hoạt động, năng lực tài chính và nghiệp vụ mà thiết kế hệ thống QTRR sao cho phù hợp với điều kiện của mình…”, ông Long nhấn mạnh.
Hữu Hòe
Đầu Tư Chứng Khoán
|