Ngành ngân hàng: Lương và thù lao vẫn “khủng”
Tại nhiều ngân hàng, số lượng nhân viên vẫn tăng khá mạnh trong năm 2012 vừa qua. Tuy mức thu nhập bình quân tại ngân hàng có giảm nhưng có thể thấy đây vẫn là niềm mơ ước của nhiều ngành kinh tế khác.
Từ mức lương đáng mơ ước...
Dẫn đầu trong số các ngân hàng có thu nhập cao vẫn là Ngân hàng Công thương – Vietinbank (HOSE: CTG). Trong năm 2011, thu nhập bình quân năm của nhân viên ngân hàng này lên đến gần 260 triệu đồng. Đến năm 2012, dù khoản thu nhập của nhân viên có giảm sút nhưng vẫn đứng đầu với 243 triệu đồng. Như vậy, thu nhập bình quân tháng của nhân viên CTG là 20.22 triệu đồng, trong đó 19.7 triệu từ lương và phần còn lại đến từ thu nhập khác. Đặc biệt, số lượng nhân viên của CTG tính đến cuối năm 2012 hơn 19,800 người, tăng hơn 1,200 nhân viên so với cuối năm 2011.
Nằm trong top nhân viên ngân hàng có thu nhập “khủng” còn có Ngân hàng Quân Đội (HOSE: MBB) và Eximbank (HOSE: EIB) xấp xỉ nhau với 209 triệu đồng/năm, tương đương 17.5 triệu/tháng. Đối với nhân viên của MBB, tiền lương bình quân chiếm hơn 11 triệu đồng, hơn 6 triệu còn lại là tiền thưởng và thu nhập khác. Trong khi đó, tiền lương tháng bình quân của nhân viên EIB là 14.8 triệu và tiền thưởng, thu nhập khác chiếm 2.5 triệu đồng. Đây cũng là hai ngân hàng có số lượng nhân viên tăng trong năm qua với mức tăng lần lượt 700 và 370 người.
Cũng như CTG, trong năm 2012 số nhân viên của ngân hàng Vietcombank (HOSE: VCB) đã tăng mạnh hơn 1,000 người lên 13,251 nhân viên. Đồng thời, thu nhập tại VCB trong một năm cũng giảm từ 220 triệu xuống còn gần 200 triệu đồng. Như vậy, thu nhập bình quân tháng của nhân viên VCB còn 16.6 triệu đồng.
Ông lớn khác là BIDV cũng có thu nhập 179 triệu đồng/năm mà mỗi nhân viên nhận được, tương đương gần 15 triệu đồng/tháng. Trong đó 12.3 triệu thu từ lương, phần còn lại là các khoản phụ cấp và thu nhập khác.
Đặc biệt, trong năm 2012 đã từng có thông tin Ngân hàng Á Châu (HNX: ACB) cắt giảm hàng loạt nhân sự nhưng tính đến cuối năm số lượng nhân viên AVB vẫn đạt gần 10,300 nhân viên, tăng gần 1,700 người so với cuối năm 2011. Thu nhập của nhân viên tại ACB giảm nhẹ từ 163 triệu đồng/năm xuống 160 triệu đồng/năm, tương đương 13.3 triệu/tháng. Con số này là riêng thu nhập từ lương của nhân viên ACB, các khoản thưởng và thu nhập khác ACB chưa công bố trong báo cáo tài chính năm 2012.
Đi ngược với xu hướng giảm trong năm 2012, có hai ngân hàng vẫn tăng thu nhập dành cho nhân viên là Sacombank (HOSE: STB) và Techcombank. Trong đó, mức tăng của STB khá nhẹ từ 169 triệu/năm lên 172 triệu đồng/năm, tương đương 14.3 triệu/tháng. Số lượng nhân viên tại STB cũng tăng từ gần 9,600 người lên 10,310 người.
Mức tăng thu nhập của nhân viên tại Techcombank tăng mạnh từ 149 triệu/năm lên 179 triệu đồng/năm, tương đương mức thu nhập tại BIDV với gần 15 triệu đồng/tháng. Trong khi tổng thu nhập dành cho nhân viên chỉ tăng thêm 200 tỷ đồng thì việc tăng mạnh thu nhập của nhân viên Techcombank chủ yếu do ngân hàng giảm mạnh số lượng nhân viên từ 8,335 người xuống còn 7,168 nhân viên.
... đến thù lao khủng của HĐQT
Trong các ngân hàng, thù lao nằm dành cho HĐQT và Ban kiểm soát thuộc nhóm khủng nhất thuộc về Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank, lên đến 45 tỷ đồng trong năm 2012. Như vậy, với 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS thì bình quân mỗi thành viên sẽ nhận được hơn 4 tỷ đồng tiền thù lao.
Eximbank cũng có mức chi trả khủng, ngân hàng trích cả 1.5% lợi nhuận sau thuế cho khoản này từ năm 2012, trong khi trước đó ấn định ở mức 1% lợi nhuận sau thuế. Mức chi trả này tương đương với khoảng 32 tỷ đồng tiền thù lao mà HĐQT và Ban kiểm soát EIB nhận được trong năm 2012. Như vậy, bình quân mỗi thành viên sẽ được nhận gần 3 tỷ đồng tiền thù lao (11 thành viên HĐQT và Ban kiểm soát).
Ngoài ra, HĐQT EIB dự kiến tiếp tục giữ nguyên mức thù lao, lương, phụ cấp trách nhiệm chuyên trách là 1.5% lợi nhuận sau thuế (3,200 tỷ đồng), tương đương 36 tỷ đồng tiền thù lao trong năm 2013.
Nhiều ngân hàng khác cũng trả thù lao hơn 1 tỷ đồng cho mỗi cá nhân thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Điển hình như mức thù lao trong năm 2012 dành cho HĐQT và Ban kiểm soát của CTG với 14.2 tỷ đồng, tức bình quân một thành viên sẽ được nhận thù lao 1.29 tỷ đồng khi CTG có 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát. Tuy nhiên, với quy mô của một ngân hàng lớn như CTG thì con số này hoàn toàn xứng đáng, chỉ chiếm 0.23% lợi nhuận sau thuế. Đây là mức chi trả thực tế mà HĐQT ngân hàng sẽ trình đại hội thường niên 2013 trong khi mức thù lao được thông qua tại đại hội năm trước là 0.3%.
Tại MBB, HĐQT và Ban kiểm soát sẽ được nhận 0.5% lợi nhuận sau thuế tiền thù lao và các khoản lợi ích, tương đương 11.6 tỷ đồng. Hiện MBB đang có 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên Ban kiểm soát, với số lượng này, bình quân một thành viên sẽ nhận hơn 1 tỷ đồng cho năm 2012.
Đan Thanh (Vietstock)
Ffn
|