Mỹ gây sức ép với châu Âu nhằm thúc đẩy nhu cầu
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, trọng tâm thảo luận tại các hội nghị mùa Xuân của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bắt đầu từ ngày 18/4 tại Washington là việc thúc đẩy nhu cầu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu cải thiện không đáng kể trong năm ngoái.
Quan chức trên cho biết, tại các hội nghị trên, Mỹ sẽ gây sức ép đối với châu Âu trong việc thúc đẩy nhu cầu khi suy thoái kinh tế tại đây đã ngăn trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nhu cầu yếu và kéo dài tại châu Âu vẫn là mối lo ngại lớn khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của kinh tế châu Âu. Nhu cầu tại châu Âu giảm 2%/năm và không có dấu hiệu cho thấy tốc độ suy giảm sẽ chậm hơn.
Châu Âu được cho là "dư sức" để có thể làm gia tăng nhu cầu, đặc biệt là khi các nền kinh tế có thặng dư thương mại tăng nhu cầu trong nước.
Vấn đề chủ chốt thứ hai tại các hội nghị đang diễn ra là mối đe dọa đến từ việc đồng tiền của các nước xuống giá, sau các nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng việc bơm tiền.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều nằm trong "tầm ngắm" của Mỹ, trong đó Mỹ cho rằng Trung Quốc từ lâu đã giữ giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp, còn Nhật Bản mới thông báo các biện pháp mạnh mẽ nhằm kéo đồng yen xuống giá.
Quan chức trên cho rằng điều quan trọng là tất cả các nước trong G20 phải thực hiện cam kết không phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu như cam kết tại cuộc họp lần trước vào tháng Hai tại Mátxcơva, Nga.
Chính sách tiền tệ và tài khóa cần được định hướng vào các mục tiêu trong nước, coi đó là cách tốt nhất để đảm bảo rằng việc thúc đẩy tăng trưởng ở mỗi nước sẽ làm lợi cho tất cả các nước.
Mỹ trông chờ bộ máy lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ cho phép gia tăng tính linh hoạt trong tỷ giá đồng Nhân dân tệ hơn nữa, trong khi sẽ theo dõi sát sao những sáng kiến chính sách của Nhật Bản nhằm hỗ trợ nhu cầu trong nước./.
Lê Minh
Vietnam+
|