Bộ trưởng tài chính EU yêu cầu tăng cường “thắt lưng buộc bụng”
Mặc dù dữ liệu mới cho thấy suy thoái kinh tế châu Âu sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa cuối năm nay nhưng hội nghị các bộ trưởng tài chính châu Âu tại Dublin vào cuối tuần trước đã đồng ý tăng cường các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” - động thái có thể khiến cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội tại khu vực ngày càng trầm trọng.
Tại các cuộc họp riêng, bộ trưởng tài chính 17 quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cung cấp gói cứu trợ cho Síp nhưng yêu cầu nước này cắt giảm ngân sách mạnh hơn so với thỏa thuận ban đầu. Theo thỏa thuận trước đó, bộ ba Ủy ban châu Âu (EC)-NHTW châu Âu (ECB)-Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết bơm 10 tỷ EUR (tương đương 13 tỷ USD) để trang trải các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng Síp. Đổi lại, Síp sẽ huy động 7 tỷ EUR thông qua các biện pháp cắt giảm ngân sách sâu rộng và tư nhân hóa.
Thỏa thuận này có thể phát huy hiệu quả trong việc hạ thấp các khoản lãng phí trong hệ thống ngân hàng Síp và cắt giảm GDP 2013 của hòn đảo này tới 15%. Lần đầu tiên trong lịch sử, EU yêu cầu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Theo đó, những người gửi tiền trên 100,000 EUR có thể bị mất đến 60% giá trị khoản tiền gửi của mình.
Vào đêm trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của EC, ECB và IMF đã đột ngột để lộ thông tin cho biết Síp sẽ phải huy động thêm 5.5 tỷ USD. Đây là chi phí để trang trải các khoản nợ xấu bị phát giác tại các ngân hàng Síp.
Điều này có nghĩa là Síp phải huy động gần gấp đôi số tiền mà bộ ba EC-ECB-IMF yêu cầu, thông qua việc cắt giảm ngân sách mạnh tay hơn, bán tháo vàng dự trữ, và tư nhân hóa tài sản quốc gia. Tổng chi phí của gói cứu trợ cho khoảng hơn 1 triệu người dân Síp giờ tương đương với 27,000 EUR/người.
Trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo Süddeutsche Zeitung, Ủy viên bộ trưởng EU Michael Barnier khẳng định thỏa thuận đạt được tại Cộng hòa Síp sẽ tạo thành một chuẩn mực cho các chính sách của EU trên khắp lục địa.
Barnier cho biết ông đang chuẩn bị một dự thảo và dự kiến giới thiệu vào tháng 6 tới nhằm chính thức hóa sự tham gia của chủ tài khoản ngân hàng trong các gói giải cứu ngân hàng tương lai. Trong trường hợp của Síp, việc thanh lý một phần tài sản chỉ giới hạn ở những người gửi tiền tiền tiết kiệm ít nhất 100,000 EUR, nhưng không có gì đảm bảo rằng ngưỡng này sẽ không bị hạ thấp.
Những người gửi tiền nhỏ ở Tây Ban Nha đã mất tiền do hoạt động tái cơ cấu của các ngân hàng quốc doanh Tây Ban Nha.
Từ sự sụp đổ của nền kinh tế Síp, các quan chức EU ở Dublin cũng nhấn mạnh sẽ không chuyện nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng đối với Hy Lạp. Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem yêu cầu Hy Lạp “tăng cường nỗ lực” để đáp ứng yêu cầu cắt giảm chi tiêu và việc làm của bộ ba EC-ECB-IMF.
Một quyết định quan trọng khác được các bộ trưởng tài chính tại Dublin đưa ra là kéo dài thời hạn thanh toán nợ đối với Bồ Đào Nha và Ireland. EC-ECB-IMF đưa ra quyết định trên vì nhận thấy thực tế rằng các khó khăn về mặt kinh tế sẽ khiến hai quốc gia này khó có thể thanh toán nợ đúng hạn.
Nền kinh tế Bồ Đào Nha suy giảm 6.4% trong năm ngoái và được dự báo giảm tiếp 2.3% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cao thứ ba trong khu vực đồng EUR khi đứng ở mức 17.5% trong tháng 2, và mức nợ (nợ công và tổng nợ) tiếp tục tăng vọt, hậu quả trực tiếp của các biện pháp cắt giảm mang tính trừng phạt của bộ ba EC-ECB-IMF.
Đã xuất hiện làn sóng phản đối của công chúng đối với các biện pháp cắt giảm của Chính phủ Lisbon, và chỉ hai tuần trước tòa án hiến pháp của Bồ Đào Nha đã công bố một phán quyết cho rằng nhiều biện pháp cắt giảm ngân sách của EU vi phạm hiến pháp của nước này. Để được gia hạn thời gian trả nợ, Thủ tướng Bồ Đào Nha, Pedro Passos Coelho, cam kết áp dụng đầy đủ các chương trình cắt giảm của EU.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Ireland. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng 1.8 triệu người Ireland, tương đương 1/3 dân số nước này, còn chưa tới 100 EUR/tháng sau khi thanh toán hết các hóa đơn cần thiết. Động thái cắt giảm tiền lương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, việc áp dụng một số loại thuế mới và các khoản thu để trả cho các gói cứu trợ ngân hàng Ireland, tình trạng hàng ngàn người mất công ăn việc làm và tỷ lệ thất nghiệp trên 14% là các yếu tố dẫn đến tình trạng đối nghèo trên diện rộng.
Trong khi khẳng định rằng Bồ Đào Nha cần phải “tiếp tục duy trì đà cải cách bất chấp các điều kiện kinh tế và trong nước khó khăn,” Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem lại hoan nghênh Chính phủ Ireland trong việc thực hiện chính sách cắt giảm của EU. Ông cho rằng Ireland là một “ví dụ sống động về hiệu quả của các biện pháp điều chỉnh với các chương trình cải cách mạnh mẽ và cam kết thực hiện cải cách”.
Vấn đề quan trọng cuối cùng của cuộc tranh luận tại hội nghị Dublin là biện pháp để đối phó với lỗ hổng thuế ở châu Âu. Các biện pháp này sẽ củng cố sức mạnh của các ngân hàng Bắc Âu, đặc biệt là Đức, so với các đối thủ của châu Âu và quốc tế. Đức là nước luôn dẫn đầu trong việc ủng hộ các chính sách thắt lưng buộc bụng trên toàn EU.
Mục đích chính của việc kéo dài thời hạn áp dụng các khoản cứu trợ cho Ireland và Bồ Đào Nha là ngăn chặn hai quốc gia này xin thêm gói giải cứu thứ hai. Sau Síp, quốc gia có nguy cơ xin cứu trợ tiếp theo là Slovenia. Các ngân hàng nước này đang ngập trong các khoản nợ xấu với quy mô tương đương với 1/5 GDP cả nước.
Tại hội nghị, Ủy viên về các vấn đề kinh tế và tiền tệ châu Âu, Oli Rehn, cũng chỉ trích Ý và Pháp cho đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách thị trường lao động.
Nguyễn Xuân Hồng (Vietstock)
FFN
|