Kỷ nguyên chính sách tiền tệ “siêu lỏng” lên ngôi?
Trong bốn năm qua, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế chủ chốt trên thế
giới nhìn chung đã rất nỗ lực để hồi sinh kinh tế nước nhà thông qua các chính
sách thông thường và cả không ít chính sách “khác thường”.
Các biện pháp “bất thường” như hạ lãi suất xuống gần bằng 0% và mua trái
phiếu để giảm lãi suất dài hạn được áp dụng từ năm 2008-2009 (những giải pháp
mang tính chất tình thế tưởng chừng sẽ kết thúc khi kinh tế thoát khỏi khủng
hoảng) giờ đang trở thành những biện pháp thông thường.
Các quyết sách gần đây của ngân hàng trung ương các nền kinh tế chủ chốt
truyền đi một thông điệp khá rõ: Kỷ nguyên chính sách tiền tệ “siêu lỏng” sẽ vẫn
tiếp diễn.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang in thêm tiền để mua trái phiếu và chủ
trương không tăng lãi suất ngắn hạn ít nhất cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm
từ mức 8% hiện nay xuống còn 6,5%.
Nhằm tiếp thêm đà hồi phục tăng trưởng, Fed ngày 20/3 quyết định tiếp tục
chính sách tiền tệ “lỏng lẻo” với việc duy trì gói nới lỏng định lượng lần ba
(QE3) được thực hiện từ cuối năm ngoái, theo đó mỗi tháng chi trung bình 85 tỷ
USD mua lại những trái phiếu được đảm bảo bởi tài sản thế chấp, nhằm giữ lãi
suất cho vay ở mức “siêu thấp” 0-0,25% và cải thiện dòng tín dụng chảy vào thị
trường nhà đất.
Tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda tuần trước
công bố việc bước sang giai đoạn mới của chính sách tiền tệ “lỏng” nhằm đạt mục
tiêu lạm phát 2%: tăng mua trái phiếu của chính phủ để có thể tăng gấp đôi cơ sở
tiền tệ trong hai năm.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục
0,5% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua gói QE và triển khai chương trình
mua tài sản để đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp.
Bất chấp kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dự báo giảm 0,5% trong
năm nay, tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục 12% và lạm phát hàng năm hiện đã
xuống mức 1,7%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại cuộc họp ngày 4/4 giữ
nguyên lãi suất ở mức 0,75% (từ tháng 7/2012), cao hơn so với hầu hết các nền
kinh tế chủ chốt khác.
ECB cũng chưa “sờ tới” chương trình mua tài sản không giới hạn. Tuy nhiên,
ECB có thể đang “mạnh dạn” dần lên và ngân hàng này đang cân nhắc các công cụ
tài chính mới để tiếp sinh lực cho kinh tế khu vực.
Liệu những chính sách “khác thường” có phát huy hiệu quả?
Những biện pháp trên đã gây tác động lớn đến các thị trường tài chính. Chỉ số
chứng khoán Nikkei đã tăng 40% kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng
11/2012 cam kết tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế “mạnh bạo”, trong khi
chỉ số S & P 500 và chỉ số Dow Jones đều chạm các mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, tác động lên GDP thì tương đối nhẹ nhàng. GDP của Mỹ đang có dấu
hiệu mạnh lên, song các nền kinh tế châu Âu đang chững lại hoặc giảm. Xét tổng
thể, tăng trưởng kinh tế tại các nước giàu có thể đạt trên 1% trong năm 2013,
cao hơn chút ít so với năm 2012.
Theo các chuyên gia, dòng tiền “rẻ” sẽ phát huy hiệu lực nếu nó được quản lý một
cách hợp lý và song hành cùng với những thay đổi khác. Dù rằng dòng vốn “rẻ” có
ảnh hưởng lớn nhất đối với tài chính, nhưng những ảnh hưởng đối với các bộ phận
khác của nền kinh tế cũng không tồi, đặc biệt là ở Mỹ, nơi các hộ gia đình đã có
những phản ứng tích cực trước việc lãi suất đi vay giảm.
Giá nhà đất bắt đầu tăng, trong khi tín dụng tiêu dùng cũng đang mạnh lên,
thể hiện qua việc các khoản cho vay mua ô tô mới đạt mức cao nhất trong 6 năm
qua.
Tại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng đang tăng tốc, trong khi triển vọng này tại châu
Âu vẫn ảm đạm, không chỉ vì họ lo ngại về đồng euro và tăng trưởng, mà còn vì
không phải nước nào ở châu Âu cũng tiếp cận được dòng vốn “rẻ”.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp ở Nam
Âu cao hơn 4 điểm % so với ở Bắc Âu.
Châu Âu cần học Mỹ
Trong khi thế giới hồi phục từ khủng hoảng tài chính, ECB lại kém mạnh tay hơn
so với ngân hàng trung ương Nhật Bản, Mỹ và Anh trong việc tung ra các chương
trình mua tài sản quy mô lớn, các gói QE và hạ lãi suất xuống 0% để hỗ trợ kinh
tế khu vực.
Chủ tịch ECB, Mario Draghi, thừa nhận ECB chưa sẵn sàng thực hiện một số biện
pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế quyết liệt kiểu này.
Trong khi đó, Fed đang đặt
nhiệm vụ tạo việc làm lên trước mục tiêu lạm phát thấp, đồng nghĩa với việc tiếp
tục chương trình QE không giới hạn và chỉ cân nhắc tăng lãi suất khi thị trường
việc làm cải thiện đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp xuống 6,5%.
Để dòng tiền “rẻ” phát huy tác dụng, châu Âu cần học Mỹ ở ba điểm. Thứ nhất, cần
chi mạnh tay.
Cho đến nay Fed - ngân hàng thực hiện các biện pháp kích thích
kinh tế “mạnh tay” nhất - đã gặt hái nhiều thành quả về chi tiêu của các hộ gia
đình và của các công ty, trong khi ECB - ngân hàng dè dặt nhất về mặt này -
chứng kiến kinh tế khu vực trải qua giai đoạn tăng trưởng yếu kém.
Thứ hai, không phải tất cả chính sách “khác thường” đều cho kết quả như nhau.
Thứ ba - và là điểm quan trọng nhất: nếu một nước cùng lúc thắt chặt chính
sách tài chính (như châu Âu đã làm và Mỹ bắt đầu thực hiện), nó sẽ làm giảm tác
động của dòng tiền “rẻ”.
Nới lỏng tiền tệ có hiệu quả ra sao với Nhật Bản và Đông Nam Á ?
Kinh tế Nhật Bản đã không tăng trưởng về mặt danh nghĩa trong suốt hai thập niên,
nhưng tình trạng này hứa hẹn có nhiều biến chuyển khi BoJ tại cuộc họp đầu tháng
4/2013 đưa ra những thay đổi lớn về lượng và chất trong chính sách tiền tệ.
BoJ
đã quyết định tăng lượng tiền mặt trong lưu thông thêm 60.000 tỷ yen (632 tỷ USD)
lên 70.000 tỷ yen/năm để đẩy giá cả lên và tăng lượng mua trái phiếu chính phủ
lên 50.000 tỷ yen (520 tỷ USD)/năm…
Ngày 8/4, BoJ đã khởi động quy trình mua lượng trái phiếu chính phủ dài hạn
trị giá 1.200 tỷ yen, theo chương trình nới lỏng tiền tệ mới.
Giới phân tích nhận định rằng đây là thời điểm tốt để các nền kinh tế mới nổi ở
Đông Nam Á hút vốn đầu tư từ “đất nước Mặt Trời mọc”.
Thái Lan, Malaysia và
Indonesia sẽ thu hút thêm đầu tư trong những quý tới. Việt Nam và Philippines
cũng đứng trước cơ hội tiếp nhận luồng vốn mới khi các nhà đầu tư Nhật tìm kiếm
cơ hội làm ăn.
Kể từ khi đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe giành được 2/3 ghế tại Hạ viện
ngày 16/12/2012, giá chứng khoán tăng mạnh trong khi đồng yen biến động ngược
chiều, do thị trường tin tưởng ông Abe sẽ chèo lái BoJ thành công trong việc
phục hồi kinh tế.
Cộng thêm việc chỉ số Nikkei có tỷ lệ sinh lời cao gấp đôi chỉ số S&P 500,
giới đầu tư Mỹ rất có thể sẽ rót vốn vào thị trường chứng khoán Nhật qua các quỹ
trao đổi hàng hóa và quỹ đầu tư tương hỗ./.
Như Mai
Vietnam+
|