Khách sạn 5 sao sẽ chiếm lĩnh thị trường Hà Nội
Với lượng khách du lịch có thu nhập cao đến Hà Nội được dự báo ngày càng tăng nhờ hoạt động hội nghị, triển lãm…, các công ty nghiên cứu thị trường nhận định, phân khúc khách sạn 5 sao sẽ chiếm lĩnh thị trường Hà Nội vào năm 2015.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2013 đạt xấp xỉ 1,8 triệu lượt, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo số liệu được ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE công bố mới đây, trong 3 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách quốc tế đến Hà Nội đạt 425.000 lượt, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Điều này có tác động tốt đến hoạt động của các khách sạn trên địa bàn Thủ đô trong điều kiện kinh tế suy thoái và khách hàng cắt giảm chi phí”, ông Richard Leech đánh giá và nhận định, nhìn chung, công suất thuê được cải thiện nhẹ so với cùng kỳ, tăng 0,65 điểm phần trăm, đạt 58%. Theo từng phân khúc, trong khi khách sạn 5 sao tăng 1,29 điểm phần trăm theo năm, đạt 61%, thì công suất thuê phân khúc khách sạn 4 sao giảm 1 điểm phần trăm theo năm, đạt 52%.
Công suất thuê phòng khách sạn 5 sao tại Hà Nội đang có xu hướng tăng lên
|
Công suất thuê của khách sạn 5 sao tăng chủ yếu là bởi giá thuê trung bình giảm 4,8% theo năm, đạt khoảng 103 USD/phòng/đêm. Giá thuê trung bình của cả khách sạn 4 sao và 3 sao giảm 4,16% và 0,74%, đạt lần lượt khoảng 62,3 USD và 34,47 USD/phòng/đêm. Điều này dẫn đến việc RevPar (chỉ số chuẩn đo lường hiệu quả sử dụng phòng và doanh số của khách sạn) của khách sạn 3 sao tăng, trong khi RevPar của khách sạn 4 sao và 5 sao giảm.
Theo thống kê của Savills, tổng cung trong quý I/2013 của thị trường khách sạn Hà Nội gồm khoảng 7.750 phòng từ 53 khách sạn. Ba khách sạn là Golden Silk Boutique, Lan Viên và Tản Đà Spa & Resort chính thức được xếp hạng 3 sao trong quý này. Doanh thu bình quân cho mỗi phòng toàn thị trường đạt 930.000 đồng trong quý I/2013, giảm 5% so với quý trước, tuy nhiên tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công suất trung bình toàn thị trường không đổi theo năm, ở mức 57%. Giá thuê trung bình toàn thị trường đạt 1,64 triệu đồng/phòng/đêm, tăng nhẹ 0,2% so với quý trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, phân khúc thị trường khách sạn tại Hà Nội vẫn khá ổn định và có dấu hiệu gia tăng về số lượng, cũng như nâng cấp về chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhận định về thị trường khách sạn Hà Nội trong tương lai, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, khách sạn 5 sao sẽ chiếm lĩnh thị trường Hà Nội vào năm 2015.
Theo bà Hằng, sẽ có 8 dự án, với khoảng 1.400 phòng mới dự kiến gia nhập thị trường vào năm 2013. Nhiều khách sạn sẽ được quản lý bởi những nhà điều hành quốc tế như Intercontinental, Tập đoàn Marriott, Hilton Hotels & Resorts và Candeo. Đến năm 2015, thị trường khách sạn Hà Nội dự kiến có 1.765 phòng từ 10 trong số 13 dự án mới gia nhập, trong đó, các khách sạn 5 sao chiếm 54%.
Ông Richard Leech cho rằng, về nguồn cầu, thị trường Hà Nội sẽ ít chịu biến động hơn so với các thị trường khác trong nước nhờ các hoạt động hội nghị, vui chơi, triển lãm. Theo Hiệp hội Hàng không Quốc tế, đến năm 2014, Việt Nam dự kiến sẽ trở thành thị trường vận chuyển hành khách và hàng hóa có mức tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới và có thị trường nội địa tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của ngành khách sạn.
Trong khi đó, theo UBND TP. Hà Nội, lượng khách đến Hà Nội năm 2015 kỳ vọng đạt 16,7 triệu lượt, tăng 16% so với năm 2012, năm 2020 là 23,2 triệu lượt và năm 2030 là 31,3 triệu lượt. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,5 triệu lượt trong năm 2015, tăng 19% so với năm 2012, đạt 3,2 triệu lượt trong năm 2020 và 4,5 triệu lượt trong năm 2030.
Minh Nhật
đầu tư chứng khoán
|