Thứ Sáu, 12/04/2013 10:10

Giảm thêm lãi suất tín dụng: Khó nhưng sẽ làm được

Đa số ý kiến nhìn nhận, tháo gỡ khó khăn ở đây không có nghĩa là nới lỏng các điều kiện cho vay, mà là việc ngân hàng thay đổi tư duy cũng như cần điều chỉnh, tinh giản các thủ tục đằng sau việc cấp tín dụng.

Lãi suất có thể giảm thêm bao nhiêu?

Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành giảm lãi suất tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và hỗ trợ các DN. Đây có thể xem là một áp lực đối với ngành Ngân hàng. Bởi muốn giảm lãi suất cho vay (LSCV) cần giảm tiếp lãi suất huy động, trong khi không lâu trước đó, trần lãi suất huy động đã được đưa về mức 7,5%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, do mục tiêu giữ ổn định của tiền đồng vẫn luôn là một ưu tiên hàng đầu.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, giả thiết lạm phát năm nay (trên cơ sở diễn biến của 3 tháng vừa qua) chỉ ở mức 6,5%. Khi đó có thể giảm tiếp trần lãi suất huy động về 7%/năm và LSCV bình quân về 10%/năm. Đây là mức lãi suất được nhìn nhận hợp lý với bối cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay.

“Không thể nào bắt buộc các ngân hàng phải chịu lỗ mà phải cho họ một biên độ lợi nhuận (NIM) khoảng 3% là vừa vặn”, TS. Hiếu nói. Mức giảm như vậy tuy không lớn nhưng vẫn giúp tác động tích cực đến thị trường; đồng thời giúp cho NHNN thực hiện được các mục tiêu của CSTT, phù hợp với diễn biến lạm phát vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá.

Tin tưởng lẫn nhau, ngân hàng – DN sẽ cùng vượt qua khó khăn

Quan trọng hơn, điều này được xem là thông điệp về quỹ đạo giảm - ổn định của lãi suất và sẽ được thị trường và DN đón nhận một cách tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo, lạm phát năm nay có thể sẽ ở mức cao hơn, ví dụ 7 - 8% và trong trường hợp đó liệu có thể chấp nhận mức lãi suất thực âm để kéo lãi suất cho vay về 10%/năm?

Cũng chính bởi áp lực lạm phát còn rất lớn nên NHNN tỏ ra rất thận trọng trong việc điều hành lãi suất. Sự thận trọng này cũng được nhiều chuyên gia tán đồng cho rằng “rất cần thiết” trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mức NIM 3% là phù hợp với những ngân hàng lành mạnh, có chi phí hoạt động, chi phí vốn, dự phòng rủi ro... ở mức hợp lý. Riêng đối với các ngân hàng yếu kém, có chi phí và nợ xấu cao thì mức NIM 3% khó có thể áp dụng được ngay.

Tuy nhiên, từ nay đến giữa năm các ngân hàng này cũng buộc phải đạt để có thể tồn tại được. Đồng thời với đó, quá trình tái cơ cấu hoạt động và tổ chức, thúc đẩy xử lý nợ xấu ở những ngân hàng này cần được thúc đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đề xuất, NHNN có thể giảm thêm các lãi suất chủ chốt để hỗ trợ NHTM trong giảm chi phí vốn. Đồng thời NHNN có thể dùng các công cụ như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn... để điều tiết khi cần thiết.

Không nới lỏng điều kiện cho vay

Chỉ đạo của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc hiểu “thông điệp” trên của Chính phủ thế nào cho đúng.

Ví dụ, nếu nới lỏng về điều kiện tín dụng để DN tiếp cận vốn dễ hơn, tình trạng cho vay “thiếu chuẩn” có thể xảy ra, dẫn đến hậu quả khó lường hơn về sau... Tuy nhiên, đa số ý kiến nhìn nhận, tháo gỡ khó khăn ở đây không có nghĩa là nới lỏng các điều kiện cho vay, mà là việc ngân hàng thay đổi tư duy cũng như cần điều chỉnh, tinh giản các thủ tục đằng sau việc cấp tín dụng.

“Ngân hàng cần là bạn đồng hành thực sự của DN, giúp DN chứ không phải là cho vay xong thì đứng cầm “cái gậy” tín dụng đó để sẵn sàng “gõ đầu” DN thì không nên”, một chuyên gia bình luận.

TS. Hiếu cho rằng: “Các ngân hàng không nên tháo lỏng các chỉ tiêu về cấp tín dụng. Tất cả các tiêu chuẩn cần được tuân thủ một cách chặt chẽ để chất lượng tín dụng tốt lên. Vấn đề ở đây là cần điều chỉnh các thủ tục để giảm bớt những rườm rà, phức tạp, tốn thời gian không cần thiết cho khách hàng”.

Chuyên gia này dẫn chứng, chẳng hạn ngân hàng quyết định cấp một gói tín dụng cho khách hàng. Khoản tín dụng ấy được giải ngân nhiều lần, nhưng mỗi lần giải ngân thì lại phải kiểm tra xem vốn được đưa cho ai, mua những loại hàng hóa nào, hợp đồng đầu vào – đầu ra...

“Tất cả những cái đó gây ra một sự phiền phức, làm chậm tiến trình giải ngân và thực sự không cần thiết. Bởi một khi đã có quyết định cấp tín dụng, tức là ngân hàng đã phải phải xem xét, phân tích, thẩm định rất kỹ khả năng vay và trả của khách hàng rồi”, chuyên gia này lý giải.

Như vậy, những thủ tục phía sau trong quá trình thực hiện cấp tín dụng như vậy có thể tinh giản đi. Ngược lại, về phía các DN cũng phải có trách nhiệm đồng hành cùng với các ngân hàng trong tháo gỡ khó khăn, bằng cách thông tin tài chính minh bạch, sổ sách rõ ràng. Khi DN chứng tỏ được mình là khách hàng tin tưởng được thì chắc chắn ngân hàng cũng rất muốn giúp để giải quyết vì lợi ích chung.

Cán bộ tín dụng của một số ngân hàng cho biết, vẫn còn tình trạng có DN trên sổ sách cung cấp những số liệu “ngon lành”, nhưng khi ngân hàng đi thực tế kiểm tra thì lại khác. Đây là ví dụ cho thấy sự tin tưởng nhau giữa ngân hàng và DN còn có vấn đề và dẫn đến tình trạng các bên đều ở trong “thế thủ”, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và nợ xấu cao.

“Tình trạng một DN có tới 3 loại sổ (một sổ để đối phó với ngân hàng, một sổ đối phó với cơ quan thuế và một sổ cho ông chủ DN) cần được loại bỏ hoàn toàn. Có như vậy thì các bên mới tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau”, TS. Hiếu nhìn nhận.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng: Sức ép lớn nhất đến từ thị trường

Mới đây, tại buổi làm việc với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, OCB đã cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất như chỉ đạo của NHNN. Trước đó, trong tháng 3/2013, OCB đã đồng loạt giảm LSCV thêm 1%/năm. Hiện nay, LSCV thấp nhất tại OCB là 11,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn ngắn, thậm chí có khoản vay theo tuần lãi suất chỉ 7 – 8%/năm. Còn LSCV trung dài hạn cao hơn, dao động quanh mức 13%/năm.

Trước yêu cầu tiếp tục giảm LSCV hỗ trợ DN, tôi nghĩ OCB cũng như các NHTM đều đã chủ động đưa ra giải pháp thực hiện. Và việc giảm lãi suất là thuận theo thị trường, chứ không phải chịu sức ép từ cơ quan quản lý, Chính phủ. Vì dù không có sức ép nào thì ngân hàng cũng tự phải hạ lãi suất hỗ trợ DN. Bởi DN có phục hồi sản xuất thì ngân hàng mới có đất sống. Hay nói cách khác, nước lên thuyền mới lên. Hiện tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục ì ạch, ngân hàng giảm LSCV để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Do đó, trong thời gian tới để đảm bảo sức cạnh tranh, việc giảm LSCV thêm 1%/năm là hoàn toàn khả thi. Tùy mỗi ngân hàng có chiến lược khác nhau trong cân đối nguồn vốn để đưa ra mức giảm LSCV như: giảm lãi suất huy động, hay tiết giảm các loại chi phí… tại OCB cũng vậy. Nhưng dù có giảm lãi suất nhưng ngân hàng vẫn sẽ đảm bảo cân bằng quyền lợi của khách hàng, cổ đông, cán bộ nhân viên...

Quyền Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung: Quan trọng là cầu tín dụng phải tăng

Đa số các DN hoạt động, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DNNVV; công nghiệp phụ trợ… đều đang được VIB áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, không phải tất cả các đối tượng thuộc lĩnh vực trên đều được ưu đãi lãi suất, mà tùy tình hình sức khỏe tài chính của mỗi DN.

LSCV ngắn hạn của VIB hiện khá cạnh tranh, chỉ 8% – 9%/năm; trung, dài hạn vẫn trên 10%/năm chứ chưa thể thấp hơn như mong muốn của DN. Bởi hiện tại, đầu vào giá vốn trung, dài hạn mà ngân hàng phải trả vẫn dao động quanh 10,5%/năm.

Do đó, nếu giảm xuống nữa thì ngân hàng có thể lỗ. Đó là chưa kể chênh lệch giữa tài sản Có với tài sản Nợ trung, dài hạn của ngân hàng luôn cao, do người gửi tiền chỉ ưa thích gửi kỳ hạn ngắn. Để lãi suất giảm thêm nữa thì cần cho ngân hàng thêm thời gian để đưa ra lộ trình giảm lãi suất hợp lý, cân bằng tài sản...

Bởi khi ngân hàng huy động nhiều mà không cho vay ra được thì tự khắc phải hạ lãi suất. Vì ngân hàng không thể để tiền chết với lãi suất 0% khi vẫn phải trả lãi suất tiền gửi cao. Giải pháp để các ngân hàng có thể đẩy nhanh giảm LSCV là giảm lãi suất huy động. Vì NHNN chỉ đưa ra mức trần lãi suất huy động chứ không ép các ngân hàng phải dùng hết “room”.

Theo tôi được biết, nguồn vốn cho vay các của ngân hàng đang khá dư dả. Như tại VIB tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) dưới 80%, còn thừa 20% - tương đương khoảng 8 – 10 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ. Cung đã sẵn sàng, chỉ chờ “cầu” tín dụng tăng.


Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   BIDV: Kéo dài kế hoạch niêm yết trong năm nay và 2014 (12/04/2013)

>   Lãi vay như… thuốc độc (12/04/2013)

>   TrustBank vào Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (11/04/2013)

>   Eximbank dự kiến chi trả 36 tỷ đồng thù lao cho HĐQT và BKS trong năm 2013 (12/04/2013)

>   Có VAMC mới xử lý được nợ xấu (11/04/2013)

>   12/04, NHNN đấu thầu thêm 52,000 lượng vàng miếng (11/04/2013)

>   Đôla tự do mất mốc 21.000 đồng (11/04/2013)

>   50.000 tỷ đồng từ ngân hàng đổ vào trái phiếu Chính phủ (11/04/2013)

>   Trần tăng trưởng tín dụng, giao cho có (11/04/2013)

>   USD giảm mạnh do cầu giảm (11/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật