Đề xuất vô lý của Hiệp hội Điều
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hiệp hội Điều VN thu phí các hội viên 1 USD/tấn điều xuất khẩu để đóng niên liễm hằng năm cho Hiệp hội Điều thế giới mà VN là thành viên. Thế nhưng, mới đây hiệp hội này lại đưa ra kiến nghị sẽ thu phí đối với cả các doanh nghiệp không phải hội viên.
Kiến nghị thu phí 1 USD/tấn điều xuất khẩu bất kể đối tượng bị doanh nghiệp phản ứng
|
Theo quyết nghị được Ban Chấp hành (BCH) Hiệp hội Điều VN (Vinacas) công bố ngày 23.3 vừa qua, 100% ủy viên BCH Vinacas đã thông qua quyết định sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thu 1 USD/tấn điều nhân xuất khẩu của doanh nghiệp (DN), không phân biệt là hội viên hay không phải hội viên Vinacas; giao Chủ tịch hiệp hội lập kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian gần nhất.
Hiện nay, số lượng DN hội viên của Vinacas chỉ chiếm khoảng 30% tổng số DN xuất khẩu điều. Vì thế, kiến nghị trên của Vinacas đã khiến nhiều DN bức xúc.
Ông Đỗ Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đa Kao (TP.HCM), gửi thư kiến nghị đến Vinacas, trong đó nêu rõ: “Các thành viên BCH Vinacas hiện nay không có tên trong danh sách 20 công ty xuất khẩu điều lớn nhất, 80% những người trong số này đều là lãnh đạo công ty đã phá sản, thua lỗ, nợ quá hạn và đang gia công cho nước ngoài. Như vậy việc thu 1 USD/tấn của các công ty xuất khẩu điều đóng cho hiệp hội là nhằm mục đích gì? Của chung cho ngành điều hay chỉ để chi tiêu cá nhân trong hiệp hội? Những DN lớn nằm ngoài Vinacas trước nay không được quyền lợi gì từ Vinacas nên chúng tôi nhận thấy việc thu 1 USD/tấn đối với tất cả các công ty xuất khẩu điều là vô lý”. Ông Trương Mậu Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hà (Bình Dương), đặt vấn đề: “Tôi không tham gia hiệp hội, không được lợi gì từ hiệp hội thì tại sao phải đóng phí?”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thời gian qua, ngoài việc thu phí để đóng niên liễm hằng năm cho Hiệp hội Điều thế giới, Vinacas còn tự ý ban hành quy chế sử dụng phí cho các hoạt động khác như chi tham gia các kỳ họp, chi cho cơ quan Hải quan nhờ thu hộ loại phí 1 USD/tấn điều xuất khẩu, chi tiền điện, tiền nước, văn phòng phẩm, tổ chức sự kiện... Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Long Sơn, nói thẳng: “Nhiều hiệp hội trên thế giới hoạt động tốt dựa trên hội phí đóng tự nguyện và các khoản tài trợ quảng cáo. Còn ngành điều VN mấy năm gần đây bị liệt vào ngành kinh doanh rủi ro vì quá nhiều DN phá sản và nợ xấu, trong đó có một phần trách nhiệm của Vinacas khi không nắm rõ và tư vấn cho hội viên về thị trường điều (cả đầu vào và đầu ra). Hiện nay, nếu xét các DN chế biến điều thì thị phần của các DN hội viên Vinacas chỉ vào khoảng 30%, còn 70% là các DN đứng ngoài hiệp hội. Do vậy Vinacas phải làm sao nâng cao uy tín, nâng cao chất lượng dịch vụ để họ tự nguyện gia nhập, tự nguyện đóng phí chứ không thể bắt ép như vậy được.
Vừa qua Công ty Long Sơn rút ra khỏi hiệp hội chủ yếu do chúng tôi là DN xuất khẩu lớn, nếu tính đóng 1 USD/tấn thì hằng năm Long Sơn sẽ phải đóng khoảng 12.000 USD hội phí, quá cao so với lợi ích có được và thủ tục quá rườm rà. Mỗi container xuất khẩu là lại phải đóng 1 lần, như vậy một năm sẽ có trên 600 lần đóng, rất mất công sức thời gian”.
Vinacas sẽ xem xét lại
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, giải trình: “Mục đích của quyết nghị này nhằm có thêm nguồn thu cho công tác khuyến nông, hỗ trợ các tỉnh có trồng điều. Tuy nhiên khi thông tin này xuất hiện thì đã gặp phản ứng của nhiều DN ngoài hiệp hội. Chúng tôi tham khảo thêm ý kiến thì thấy khó khả thi nên sẽ xem xét lại. Trong kỳ họp BCH sắp tới tôi sẽ đưa ra ý kiến này”.
|
Quang Thuần
thanh niên
|