Đằng sau gói cứu trợ Síp: Những toan tính của EU
Trước khi phải xin cứu trợ, Cộng hòa Síp được coi là một trong những “thiên đường tài chính” và là nơi “cất giữ tiền an toàn nhất” đối với nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài, nhất là giới đầu tư của Nga.
Người dân xếp hàng bên ngoài Ngân hàng Nhân dân Síp, một trong hai ngân hàng nợ lớn nhất hiện nay ở Síp, tại thủ đô Nicosia ngày 28/3.
|
Tuy nhiên, “thiên đường” đó dường như đã biến mất sau khi quốc đảo này chấp nhận các điều kiện của bộ ba chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro.
Với gói cứu trợ này, châu Âu đã trở thành người chiến thắng khi giúp Síp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và giữ Nicosia ở lại với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời hạn chế ảnh hưởng của Mátxcơva đối với quốc đảo này.
Sân sau của người Nga
Với thuế suất thấp, quy định thông thoáng và là một nước thành viên của Eurozone, trong một thập kỷ qua, Síp đã nổi lên như một “thiên đường tài chính” cho giới kinh doanh nước ngoài, đặc biệt là Nga.
Các cá nhân và doanh nghiệp Nga sử dụng Síp như một cửa ngõ để thâm nhập thị trường EU, trong khi giới tài phiệt “xứ sở Bạch Dương” lại sử dụng quốc đảo này như một nơi cất tiền.
Mặc dù giới chức Síp bác bỏ cáo buộc rằng quốc đảo này đã trở thành một trung tâm rửa tiền của nhiều nhà tài phiệt Nga nhưng họ không thể phủ nhận một sự thật rằng số tiền gửi của các khách hàng Nga ở đây rất lớn.
Theo ước tính của Moody’s Investors Service (MCO), tổng giá trị tiền gửi của các khách hàng Nga trong các ngân hàng Síp ít nhất là 30 tỷ USD và tổng dư nợ của các ngân hàng Nga đối với các công ty có trụ sở ở Síp lên tới 40 tỷ USD.
Không chỉ là “thiên đường tài chính,” Síp cũng là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và người lao động của “xứ Bạch Dương.” Trong vòng một thập kỷ qua, khoảng 40.000 người Nga đã tới Síp, chiếm khoảng 5% dân số quốc đảo này.
Vì vậy, ảnh hưởng của Mátxcơva đối với quốc đảo này rất lớn, nhất là trước khi Nicosia gia nhập Eurozone. Và ngay cả khi đã gia nhập khu vực đồng tiền chung này, lúc lâm vào khủng hoảng, vào năm 2011, Nicosia từng phải cầu cứu Mátxcơva để vay 2,5 tỷ euro để thanh toán nợ đáo hạn.
Những toan tính của châu Âu
Theo thỏa thuận mà Síp và bộ ba chủ nợ (gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)) ký kết hôm 25/3, tất cả các khoản tiền gửi có trị giá dưới 100.000 euro trong các ngân hàng Síp sẽ được bảo đảm bởi Nhà nước.
Ngân hàng Nhân dân Síp (hay còn gọi là Laiki) sẽ bị đóng cửa ngay lập tức. Ngân hàng Cyprus (BoC) sẽ tiếp quản các tài sản lành mạnh từ Laiki để trở thành "ngân hàng tốt."
Đáng chú ý, các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại Laiki sẽ bị phong tỏa và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki và tái cơ cấu BoC thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi thành cổ phần.
Ngân hàng Trung ương Síp (CBC) cho biết 37,5% giá trị của các khoản tiền gửi trên 100.000 euro ở hai ngân hàng này sẽ được chuyển hóa thành cổ phiếu tại BoC; 22,5% sẽ được chuyển vào một quỹ không được hưởng lãi và có thể sẽ bị tiếp tục dùng để xử lý nợ.
Khoảng 40% còn lại sẽ được hưởng lãi nhưng số tiền này sẽ chưa được hoàn lại chừng nào BoC chưa hoạt động tốt trở lại. Như vậy, khách hàng có số tiền gửi hơn 100.000 euro ở hai ngân hàng này có thể bị thiệt hại tới 60%. Cũng có nguồn tin nói mức thiệt hại có thể tới 80%.
Với gói cứu trợ này, EU muốn giúp Síp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và giữ quốc đảo này ở lại Eurozone. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, động thái này của EU còn hướng tới các mục tiêu khác sâu xa hơn.
Hiện nay, EU lo ngại Nicosia có thể sử dụng các mỏ khí đốt thiên nhiên ở ngoài khơi phía Nam của quốc đảo này để đổi lấy tiền cứu trợ của Mátxcơva, ở dạng tiền đầu tư của Nga.
Ông Athanios Orphanides, nguyên Thống đốc CBC, nói châu Âu hiện đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga và nếu Nga lại kiểm soát các nguồn khí đốt tiềm năng này, giá khí đốt ở “lục địa già” có thể sẽ tăng. Ông nói: “Đấy sẽ là một mất mát lớn về kinh tế.”
Cùng với việc ngăn chặn Nga chiếm nguồn khí đốt tiềm năng ở ngoài khơi của Síp, châu Âu cũng muốn hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga đối với quốc đảo này.
Điều này lý giải tại sao Brussels đã không tham vấn trước với Mátxcơva hoặc mời nước này tham gia các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Síp cho dù giá trị tiền gửi của các khách hàng đến từ Nga chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số tiền gửi ở Síp.
Trong bài viết trên tờ Vedemosti của Nga, ông Dmitry Afanasiev, một luật sư ở Mátxcơva, nói một cách đầy chua chát rằng “Nga chỉ có một người bạn còn lại ở EU, đó là Síp, và người bạn này có thể đã mất”.
Mặt khác, thông qua việc triệt phá “thiên đường tài chính” của giới tài phiệt Nga, châu Âu đã gián tiếp gây thiệt hại cho nền kinh tế của “xứ sở Bạch Dương” và chặn một cửa ngõ vào EU của Nga.
Theo ước tính của chuyên gia Neil Shearing thuộc tổ chức Capital Economics, với các điều kiện mà EU đã đưa ra cho Síp để đổi lấy việc cấp gói cứu trợ 10 tỷ euro, các nhà đầu tư Nga có thể sẽ bị thiệt hại tới 5 tỷ euro.
Tuy nhiên, con số này đã thấp hơn nhiều so với thiệt hại mà thỏa thuận ban đầu có thể gây ra cho Nga bởi vì, trong thỏa thuận mới, thay vì đánh thuế 10% đối với tất cả các khoản tiền gửi ở tất cả các ngân hàng của Síp, mức thuế sẽ tăng lên nhưng chỉ giới hạn đối với hai ngân hàng BoC và Laiki.
Ngân hàng Thương mại Nga (RCB) - một chi nhánh của ngân hàng quốc doanh VTB của Nga - cũng như các doanh nghiệp khác thuộc sở hữu của Nga đều không bị động tới.
Hãng Standard and Poor’s cho rằng cuối cùng, các điều kiện của gói cứu trợ này sẽ “chỉ có ảnh hưởng cận biên tương đối đối với tình hình tài chính hợp nhất của các ngân hàng Nga đang có mặt ở Síp.”
Tuy nhiên, những người gửi tiền của Nga chắc chắn sẽ bị thiệt hại và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát mà Síp đang áp dụng.
Nga đang bất lực?
Trong các nhiệm kỳ trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xây dựng được các mối quan hệ cá nhân mật thiết với nhiều nhà lãnh đạo của châu Âu như Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi và Tổng thống Pháp Jacques Chirac.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ ba của mình, theo đánh giá của giới quan sát phương Tây, ông Putin chưa xây dựng được một mối quan hệ cá nhân thân thiết đáng kể nào với các nhà lãnh đạo ở Tây Âu, một phần do trong những năm qua, lãnh đạo ở những nước này đã thay đổi.
Do vậy, khi cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra ở Síp, Tổng thống Putin không có người bạn có quyền lực nào ở châu Âu để dựa dẫm nhằm đối phó với các toan tính của châu Âu.
Phản ứng trước thỏa thuận mới giữa Síp và EU, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov nói các thiệt hại như vậy sẽ là “nỗi nhục lớn” nhưng “Chính phủ Nga sẽ không có bất cứ hành động nào trong tình huống này.”
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, chắc chắn Nga sẽ không ngồi để chịu trận trước “hành động thù địch” này. Mátxcơva sẽ có các biện pháp trả đũa.
Các biện pháp này có thể bao gồm từ việc đánh thuế trả đũa đối với các hoạt động tài chính và kinh doanh của các doanh nghiệp EU (chủ yếu là của Đức) ở Nga, xây dựng các dự luật tăng cường giám sát các hoạt động tài chính trên lãnh thổ nước này hay thực thi chính sách “sung công” mà EU đã áp dụng.
Mặt khác, các chuyên gia phân tích cho rằng Mátxcơva có thể sẽ thúc đẩy nỗ lực đưa đồng rúp của Nga hoặc đồng NDT của Trung Quốc thành đồng tiền dự trữ.
Nỗ lực này của Nga có thể sẽ được trợ giúp từ phía các nền kinh tế mới nổi bởi vì, cách châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng của Síp cũng đang đe dọa các lợi ích của Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoài ra, Nga sẽ tìm cách kéo lại những “người bạn” ở Nicosia. Điều này thể hiện qua việc Tổng thống Putin đã chỉ thị cho chính phủ xem xét nới lỏng gói tín dụng trị giá 2,5 tỷ euro mà nước này cấp cho Síp năm 2011 và dự kiến sẽ đáo hạn vào năm 2016./.
Thanh Tùng
Vietnam+
|