CJ: Anh là ai?
Đối với người Việt Nam, cái tên CJ vẫn còn lạ lẫm. Và mối duyên nợ của nó với Samsung càng ít được biết đến hơn.
Samsung có lẽ là thương hiệu Hàn Quốc được nhắc đến nhiều nhất tại Việt Nam bên cạnh những thương hiệu như LG, Hyundai. Một doanh nghiệp khác của Hàn Quốc cũng đã đầu tư rất mạnh vào Việt Nam nhưng lại ít được nhắc đến. Đó là CJ, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm, truyền thông giải trí, dược phẩm. Điều ít được biết đến hơn, CJ là doanh nghiệp được tách ra từ Samsung.
Ít ai biết rằng CJ là doanh nghiệp được tách ra từ Samsung
|
“Người anh” của Samsung
Đối với người Việt Nam, có lẽ cái tên CJ vẫn còn lạ lẫm. Và mối duyên nợ của nó với Samsung càng ít được biết đến hơn. Nhưng tại Hàn Quốc, Samsung và CJ là một phần lịch sử kinh doanh của quốc gia này.
Câu chuyện của hai doanh nghiệp này càng thu hút sự chú ý khi giữa tháng 2 vừa qua, cựu Chủ tịch của CJ, ông Lee Maeng-hee đã gửi đơn lên Tòa án Sơ thẩm Seoul tại Hàn Quốc, nhờ can thiệp chuyển các cổ phiếu của Công ty Samsung Life và Samsung Electronics (đang thuộc quyền sở hữu của ông Lee Kun-hee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung) về tay mình.
Ông Lee Kun-hee là em ruột của ông Lee Maeng-hee. Tại Việt Nam, một số người vẫn biết rằng cổ đông chính của CJ cũng là cổ đông chính của Samsung nhưng ít ai biết các lãnh đạo cao nhất của hai tập đoàn này là người một nhà. Chủ tịch hiện nay của CJ, ông Lee Jay-hyun là con ông Lee Maeng-hee.
Sự ra riêng của CJ cũng như những kiện cáo về cổ phần bắt nguồn từ năm 1987, khi người sáng lập Samsung, ông Lee Byung-chull, đã chọn con trai thứ Lee Kun-hee làm người kế vị, thay vì chọn con trai cả Lee Maeng-hee. Quyết định của ông Lee Byung-chull đã đi ngược với truyền thống Khổng giáo, thường giao lại gia sản và công việc kinh doanh của gia đình cho con cả.
Ông Lee Maeng-hee, trước đó từng ngồi ghế Chủ tịch nhiều công ty nhỏ thuộc Tập đoàn, đã nắm tới 17 vị trí lãnh đạo cao cấp khác nhau. Nhưng rốt cục, ông Lee Byung-chull vẫn không tin tưởng vào khả năng quản lý của người con cả, cho rằng ông không đủ sự khôn ngoan để lãnh đạo Tập đoàn. Không được trọng dụng, ông Lee Maeng-hee đã thành lập Công ty Cheil Jedang (hiện là Tập đoàn CJ) và rời khỏi Samsung vào năm 1993.
Bước chân CJ
Tập đoàn CJ đã có mặt ở Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Năm 1999, Tập đoàn Cheil Jedang, tên trước đây của CJ, đã thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản. Hiện nay, CJ Vina Agri là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam với 3 nhà máy ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên và một trang trại nuôi heo giống ở Bình Dương.
Xuất hiện muộn hơn, năm 2007, Tous Les Jours, 1 trong 13 thương hiệu nhà hàng của CJ Foodville (thuộc CJ) cũng đã được khai trương tại TP.HCM. Tính đến nay, Tous Les Jours đã mở rộng mạng lưới lên 19 cửa hàng tại TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội.
Một thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm khác của CJ là CJ Freshway cũng đã vào Việt Nam thông qua liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm hồi tháng 12 năm ngoái để phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng.
Trong lĩnh vực truyền thông - giải trí, CJ cũng đã đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài Envoy Media Partners (quần đảo Virgin) trong liên doanh Công ty Cổ phần Truyền thông Megastar với giá 73,6 triệu USD năm 2011, chiếm gần 80% vốn trong liên doanh. 20% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Công ty Văn hóa Phương Nam.
Hồi cuối năm 2012, Tập đoàn CJ cũng đã ký hợp đồng hợp tác với C.T Group của Việt Nam. Theo đó, công ty con của C.T Group là C.T Land sẽ cùng CJ xây dựng và khai thác hệ thống hậu cần gồm nhà xưởng và kho bãi tại Bình Dương, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Chỉ riêng dự án Khu trung tâm hậu cần Sóng Thần tại tỉnh Bình Dương, phần vốn đầu tư của CJ ước tính lên đến 20 triệu USD, còn của C.T Group là khoảng 12 triệu USD.
Nguyễn Hùng
nhịp cầu đầu tư
|