Thứ Hai, 08/04/2013 10:57

Bình ổn cái gì?

Sau “tái cấu trúc”, “bình ổn giá” có lẽ là cụm từ đang nóng nhất trên mọi diễn đàn kinh tế và trong cộng đồng DN hiện nay.

Bình ổn giá, bình ổn cung – cầu hay bình ổn thị trường nào chăng nữa, người dân vẫn chỉ mong sao cho có một tâm lý bình ổn để làm ăn.

Xem trên Google tại thời điểm 31/3/2013, từ “tái cấu trúc” cho 3.620 kết quả nhưng từ “bình ổn giá” lại cho con số xấp xỉ gấp đôi, đạt 5.790 kết quả.

Xăng

Theo điều 5 Pháp lệnh Giá số 40 quy định: “Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển.” Và danh mục thực hiện bình ổn giá gồm 15 mặt hàng cơ bản, là: Xăng, dầu; Xi măng; Thép xây dựng; Khí hóa lỏng; Phân bón hóa học; Thuốc bảo vệ thực vật; Một số thuốc thú y và các loại kháng sinh; Muối do diêm dân sản xuất; Sữa; Đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); Thóc, gạo; Thuốc phòng, chữa bệnh cho người bao gồm các loại thuốc thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế;...

Như vậy, xăng dầu là mặt hàng đầu tiên nằm trong danh mục được bình ổn đã nêu. Song, thực tế bình ổn xăng dầu những năm qua luôn trở thành điểm nóng và là đầu mối gây nhiều sức ép lên nền kinh tế, thị trường, DN và người tiêu dùng. Theo PGS.TS Ngô Trí Long (Nguyên Viện trưởng Viện NC Giá cả Bộ Tài Chính) thì một trong những lý do chính là tính phức tạp của quá trình hạch toán, kinh doanh của xăng dầu, đồng thời do hạn chế về nghiệp vụ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ quan chức năng khiến sự nghi ngờ của người tiêu dùng đối với các thông tin công bố của các DN xăng dầu là có cơ sở. TS Long đưa minh chứng: “Lâu nay điệp khúc của các DN kinh doanh xăng dầu luôn là “lỗ”, thậm chí không ít thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” cả ngân sách nhà nước và người tiêu dùng đều phải bỏ tiền vào Quỹ bình ổn để hỗ trợ, bù lỗ cho DN nếu không muốn để họ tăng giá. Nhưng khi đưa lên sàn, DN kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất có bản cáo bạch, cho thấy năm 2008 lãi hơn 913 tỉ đồng, năm 2009 lãi 2.880 tỉ đồng, năm 2010 lãi 81 tỉ đồng, năm 2011 dự kiến lãi khoảng 598 tỉ đồng, đã thu hút sự quan tâm của dư luận (Trường hợp Petrolimex-PV). Qua đây cũng là một dấu hỏi về “Bảng tính giá cơ sở của DN kinh doanh xăng dầu” đã công bố có đáng tin cậy hay không?”.

Vì lẽ đó, đợt tăng giá xăng dầu kỷ lục mới đây đã lại làm dấy sóng dư luận về các quyết sách điều hành bình ổn mà lẽ ra, việc bình ổn một mặt hàng quyết định giá đầu vào nguyên liệu và vận tải hàng hóa của cả nền kinh tế, phải vô cùng cân nhắc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi các tổn thương do khó khăn của năm 2012 còn để lại. Vì sao giá xăng dầu trong nước lại điều chỉnh, bình ổn ngược với xu thế giá xăng dầu thế giới vẫn là một câu hỏi chưa ai thực sự đứng ra nhận trách nhiệm.

Vàng

Một điều dễ nhận thấy là trong số danh mục này, không thấy có quy định về bình ổn giá cho các mặt hàng như đất đai, nhà cửa, chứng khoán, càng không có quy định nào cho thấy Nhà nước phải can thiệp bình ổn giá đối với các mặt hàng đặc biệt vừa là hàng hóa vừa là tiền tệ như vàng. Do đó, điều dễ hiểu thứ nhất là tại sao Nhà nước đã không vội vàng thực thi các động thái “cứu” thị trường BĐS hay chứng khoán như các DN ở hai thị trường này đang mong đợi. Và điều dễ hiểu thứ hai là tại sao NHNN đã không nhiệt tình đáp ứng mong đợi bình ổn giá, ngược lại chỉ đề cao vai trò “bình ổn thị trường”, đối với thị trường vàng.

Với thị trường vàng, các chuyên gia và DN đã phân tích khá nhiều về phiên đấu thấu vàng miếng đầu tiên của NHNN, khi kết quả chỉ bán được 2.000/26.000 lượng vàng miếng do giá chào quá cao và chênh lệch tới trên 400.000 đồng/ lượng so với giá thị trường.

Thực tế, dư luận không chỉ băn khoăn về cung cách đấu thầu mà NHNN đưa ra, còn băn khoăn về mục tiêu bình ổn thị trường của các nhà quản lý. Giá, chỉ là một phần của bất kỳ thị trường nào và để hình thành thị trường, ngoài giá cả, phải có người mua, người bán, tức có cung – cầu. Rất khó để can thiệp cung-cầu mà không sử dụng biện pháp quản lý giá, trừ phi cung – cầu đó còn bị chi phối bởi một loạt các yếu tố khác như hệ thống phân phối, hàng tồn kho, kho dự trữ quốc gia, các biện pháp tài chính, tiền tệ…

Riêng trong lĩnh vực vàng thì các yếu tố này, theo tình cảnh hiện nay, tất cả đều nằm ở một tay NHNN, do đó, điều chỉnh đó phải bắt nguồn từ giá? NHNN trở thành một nhà kinh doanh độc quyền mua thấp bán cao mà qua đó thị trường sẽ… mua cao và bán thấp, liệu có thể thực sự bình ổn thị trường?

TS Phạm Đỗ Chí - cựu chuyên gia Kinh tế Tài chính tại IMF nói với DĐDN, ông hoàn toàn không hiểu tại sao NHNN lại phải đi lo lắng chuyện bình ổn thị trường vàng. “Trong khi đó, trọng tâm của nền kinh tế và trọng trách của NHNN hiện nay không phải là chuyện vàng. Nợ xấu vẫn chưa có phương án giải quyết, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm và các DN vẫn đang khát vốn mà không có khả năng để tiếp cận vốn. Hơn nữa, trên thế giới, chưa từng nghe có NHNN, Trung ương nào lại đi can thiệp thị trường vàng, theo cách độc quyền phân phối, mua bán như VN!”, ông Chí nói.

Bất động sản

Với thị trường BĐS, đây rõ ràng cũng không phải là loại hàng hóa nằm trong danh mục cần được bình ổn giá. Phải chăng đây cũng là căn nguyên khiến thị trường BĐS, mua bán các loại tài sản có giá nhất của hầu hết người dân và cả nền kinh tế - đã thoải mái tăng trưởng bong bóng - mà không có bất kỳ động thái can thiệp nào từ phía Nhà nước trong thời gian trước đây. Tuy nhiên, khi giá BĐS đã bị đẩy lên quá cao và nguồn cung ở một số phân khúc cũng tới mức dư thừa, thị trường đóng băng, nhiều người lại đề cập đến một Quỹ bình ổn nhà quốc gia, qua đó, điều tiết thị trường sao cho sớm trở về mức cân bằng. Hiện tại, Nhà nước chưa làm chuyện đó. Song, vẫn có những chính sách ưu ái cho thị trường BĐS với lý do đây là thị trường nền để các thị trường khác phát triển. BĐS đóng băng sẽ khiến mọi lĩnh vực kinh tế cũng khó khăn, quan trọng hơn, hình thành nợ xấu trong hệ thống ngân hàng...

Và... tâm lý

Như vậy, một khi đã không nhất thiết phải bình ổn mà vẫn bình ổn theo những quan điểm mơ hồ nào đó ắt sẽ dẫn đến những kết quả mơ hồ. Chưa kể những vấn đề khác không kém gay cấn như nguồn lực nào để lập quỹ bình ổn và các danh mục ưu tiên được lập ra dưới tiêu chí ra sao để tránh áp lực của các nhóm lợi ích và tránh được những phản ứng gay gắt từ chính những thị trường có liên quan.

Chẳng hạn, với lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy mà khó khăn đang đến từ nhiều phía, cả tín dụng với nông dân nuôi đánh bắt thủy sản vì ngân hàng hễ nghe đến “thế chấp bè cá” là… hoảng, cả khó khăn cho DN xuất khẩu trước những hàng rào kỹ thuật bảo hộ thương mại từ các thị trường chủ lực…, thì một gói tín dụng ước chừng 30.000 tỉ đồng vẫn đang là điều mơ tưởng! Nếu ai đó định so sánh giữa BĐS và thủy sản có thể sẽ khập khiễng. Vì nếu hàng loạt DN BĐS phá sản, làm sao khơi thông khối nợ xấu trong khi dư nợ tín dụng có đến 70% là tài sản thế chấp BĐS? Nhưng nợ xấu tăng thì tài sản thế chấp vẫn còn, không mấy. Còn nếu hàng loạt DN thủy sản phá sản, điêu đứng (không kể những DN đầu tư hoành tráng theo kiểu Bình An), thì kéo theo sẽ là hàng trăm ngàn hộ nông dân, hàng trăm ngàn bè cá đối mặt với số phận lắt lay, phiêu dạt. Hơn nữa, nếu như BĐS đóng góp mỗi năm 11% vào tăng trưởng GDP ở khu vực dịch vụ (trong giai đoạn 2007-2008) , qua đó đóng góp tăng trưởng GDP, thì ngành thủy sản kể từ năm 1986 đến nay, mỗi năm trung bình đều đóng góp từ 3-4% cho tăng trưởng GDP. Bên nào nặng, bên nào nhẹ? Bên nào trọng hơn?

Với nỗ lực bình ổn các thị trường như hiện tại, có thể hình dung cách sử dụng và phân bổ nguồn lực của các nhà quản lý, đôi khi, cũng giống như trường hợp của một đội cứu hỏa. Làm thế nào để đừng rơi vào tình cảnh trớ trêu, cố huy động mọi nguồn nước mang đi chữa cháy ở một nơi đang… tập sự báo động trong khi lại bỏ quên mất những địa bàn đang có nguy cơ cháy lan bùng phát. Thậm chí, đối với chỗ đã cháy, có khi đội cứu hỏa lại vẫn đang ngồi bàn chuyện… phòng cháy. Rốt cục, bàn đi bàn lại, bình ổn giá, bình ổn cung –cầu hay bình ổn thị trường nào chăng nữa, người dân vẫn chỉ mong sao cho có một tâm lý bình ổn để làm ăn. Nhà quản lý có nên tính chuyện bình ổn tâm lý người dân - một yếu tố quan trọng trong nỗ lực bình ổn thị trường như dự liệu?

Lê Mỹ

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Kiểm tra vốn Nhà nước tại ba công ty cổ phần (08/04/2013)

>   13.011 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý I (08/04/2013)

>   Chật vật với các 'phí bôi trơn' (08/04/2013)

>   PVN tăng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỉ USD sang Nga (07/04/2013)

>   Tái cơ cấu (07/04/2013)

>   Gần 280 triệu USD xây dựng Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (07/04/2013)

>   Đề xuất vô lý của Hiệp hội Điều (07/04/2013)

>   Petro Vietnam nhộn nhịp tái cấu trúc trong quý 1 (07/04/2013)

>   2,65 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài trong quý một (06/04/2013)

>   34 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu (05/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật