Chuyên gia Lê Trọng Nhi: Ngân hàng và doanh nghiệp phải cùng giải bài toán sợ và tin
Lý giải về mức lãi suất cho vay vẫn cao, tiền chưa tới tay DN, chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi cho rằng: Việc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố "không để ngân hàng nào đổ vỡ trong giai đoạn này” trong khi hàng nghìn DN các ngành nghề khác phải lâm vào cảnh đổ vỡ và phá sản, đã khiến các ngân hàng không giảm hoặc giảm lãi suất chậm theo tình hình lạm phát bởi vì họ có được sự bảo lãnh.
Ông Lê Trọng Nhi
|
Thưa ông, thực tế hiện nay tăng trưởng tín dụng đang rất thấp, nếu không nói là quá thấp, có nghĩa là tiền chưa vào được sản xuất. Theo ông, nguyên nhân là gì?
- Thứ nhất, "sợ - lo sợ” là nguyên nhân của những nguyên nhân khác. Sợ - lo sợ này là sự phản ứng hai chiều; phía ngân hàng sợ rủi ro chất lượng tín dụng vì những chứng tật và hệ quả tồi tệ trong ngành nghề của chính họ trong thời gian 4 năm vừa qua; phía người vay (doanh nghiệp) sợ - lo sợ nền kinh tế vẩn loay hoay chưa có lối thoát và mức lãi suất vay chắc sẽ ăn hết lợi nhuận. Thứ hai, "tin - mất niềm tin” là nguyên nhân nối tiếp. Sự khập khểnh và bất cập trong việc quản lý - điều hành chính sách kinh tế kéo dài quá lâu. Nói không làm. Làm không đúng. Đúng chỉ với nhóm lợi ích. Sợ và tin là những yếu tố khiến thị trường tín dụng phải hoạt động với trạng thái hé mở chứ không mở rộng đủ thích ứng với sức sống của toàn nền kinh tế.
Ngân hàng cho biết đã hạ lãi suất, DN thì cho rằng lãi 12-15% vẫn là cao. Ngân hàng trách DN chưa muốn vay, DN cho rằng không có động lực vay vốn trong bối cảnh sức mua không tăng. Theo ông để giải quyết vấn đề này cần phải làm gì?
- 12-15% là sao? Ngay cả 10-8% thì vẫn là cao nếu so sánh với các nền kinh tế trong ASEAN. Để giải quyết vấn đề này thì phải giải quyết vấn đề "Sợ - Lo sợ và niềm tin” của cả phía ngân hàng và DN lẫn người tiêu dùng. Oái ăm và bi hài kịch ở đây là chính các phía không tự họ vứt bỏ hoặc tống khứ nổi Sợ - Lo sợ và tự tái niềm tin đó được.
Không ai khác, Nhà nước và Chính phủ phải là chủ thể tạo mọi điều kiện tốt nhất và nhanh nhất để nền kinh tế - xã hội vứt bỏ và tống khứ nỗi Sợ - Lo sợ đó và đem lại sự Tin – Niềm tin.
Một trong những lý do cản trở tăng trưởng tín dụng là do cả nền kinh tế tìm cách xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải thận trọng trong việc cho vay, vậy theo ông đến khi nào tín dụng sẽ được "nới”?
- Câu hỏi này cũng sẽ chính là câu trả lời nếu Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cùng chấp nhận một sự minh bạch (tương đối) nào đó trong sổ sách và một sự ứng xử đàng hoàng (tối thiểu) trong chính sách-kế hoạch giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Tóm lại, nếu không giải quyết nợ xấu (nợ xấu thật và nợ xấu giả) rốt ráo và đàng hoàng thì bất cứ mức độ tăng trưởng tín dụng hiện nay và trong năm nay đều là những cách tăng trưởng giả tạo và tai hại
Ngân hàng ứ vốn nhưng bản thân các ngân hàng cũng kêu rằng, muốn giảm lãi suất cho vay cũng là điều không dễ?
Với những gì chúng ta được biết trên và qua công luận trong tuần qua về các khoản lợi nhuận bị giảm và khối lượng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng cũng giảm lớn, nhanh trong năm 2012 và tháng đầu năm 2013 đã khiến đại đa số người dân bình thường và người bên ngoài lĩnh vực ngân hàng có thể cho rằng đó là điều bình thường.
Nhưng đúng ra phải nghĩ và cho rằng đó là điều bất bình thường. Suốt hơn 4 năm, kể từ năm 2007-2011, hầu hết các ngân hàng đều công bố lời - ít nhất là lời trên mức gởi tiết kiệm trong khi hầu hết DN từ hòa hoặc lỗ. Như vậy, các ngân hàng thương mại được và có những đặc quyền hợp thức hóa những điều bất hợp lý trở thành hợp lý. Như Thống đốc NHNN đã tuyến bố: "Không để ngân hàng nào đổ vỡ trong giai đoạn này” trong khi hàng nghìn DN các ngành nghề khác phải lâm vào cảnh đổ vỡ và phá sản. Rõ ràng, lãi suất không giảm hoặc giảm chậm theo tình hình lạm phát vẫn tồn tại bởi vì họ có được sự bảo lãnh "không đổ vỡ”.
Hồ Hương
Đại đoàn kết
|