Đấu thầu vàng: Lợi “ông lớn”
Những quy định trong việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước đang khiến nguồn cung vàng “rơi” vào tay các đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh
Ngày 9-4, Ngân hàng (NH) Nhà nước tiếp tục phiên đấu thầu vàng miếng thứ 4. Kết quả có 25.600/26.000 lượng vàng được mua.
Qua 4 phiên đấu thầu nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới 3,5 triệu đồng/lượng
|
Giá chỉ giảm nhỏ giọt
Ngày 9-4, giá vàng trong nước biến động với biên độ hẹp. Đầu ngày, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp (DN), NH thương mại niêm yết mua vào 43,3 triệu đồng/lượng, bán ra 43,8 triệu đồng/lượng. Cuối ngày, giá vàng về mức 43,34 triệu đồng/lượng (bán ra), chỉ giảm 110.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước. Ngay từ buổi sáng, giới kinh doanh vàng tỏ ra khá thận trọng khi niêm yết giá do chờ đợi phiên đấu thầu vàng miếng thứ 4 của NH Nhà nước. Mức giá sàn cơ quan này đưa ra là 43,3 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm khoảng 40.000 đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất là 43,3 triệu đồng/lượng, cao nhất chỉ 43,35 triệu đồng/lượng.
Qua 4 phiên đấu thầu kể từ ngày 28-3, tổng khối lượng trúng thầu của các đơn vị là 79.000 lượng trong tổng số 104.000 lượng vàng được NH Nhà nước chào bán. Con số này là không nhỏ nếu so với khối lượng giao dịch vàng miếng mỗi ngày của các đơn vị kinh doanh vàng thời gian qua. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn rất cao so với giá thế giới. Phiên giao dịch ngày 9-4, giá vàng thế giới dao động quanh mức 1.575 USD/ounce, tương đương 39,8 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng nội - ngoại dù được thu hẹp nhưng vẫn ở mức 3,5 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều so với mức dưới 3 triệu đồng/lượng trước khi các phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra.
Giới kinh doanh vàng cho rằng từ khi NH Nhà nước tiến hành đấu thầu, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng mạnh bởi mức giá sàn cơ quan này đưa ra thay vì biến động cùng nhịp với giá thế giới. Điều này khiến nhiều phiên giá vàng thế giới rớt mạnh nhưng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt. “Dù NH Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tiến hành thêm 2 phiên đấu thầu vàng nữa ngay trong tuần này (trong đó, phiên hôm nay, 10-4, sẽ đưa ra 40.000 lượng vàng) nhằm tăng cung cho thị trường nhưng nếu giá NH Nhà nước đưa ra chỉ sát giá thị trường thì khó hy vọng giá trong nước về sát giá thế giới” - một DN vàng nhận định.
Cuộc chơi có sòng phẳng?
Theo quy định đấu thầu vàng miếng của NH Nhà nước, khối lượng vàng miếng mỗi lô đấu thầu là 100 lượng. Mỗi thành viên tham gia đấu thầu được phép đặt tối thiểu là 10 lô, tương đương 1.000 lượng và tối đa 50 lô (tương đương 5.000 lượng). Quy định này đang dần loại bỏ các thành viên yếu thế về vốn ra khỏi “cuộc chơi”. Bởi với 1.000 lượng vàng đặt thầu tối thiểu, một đơn vị tham gia đấu thầu phải cần lượng vốn hơn 40 tỉ đồng trong khi phần lớn DN kinh doanh vàng phải đi vay. “Với quy định này, DN kinh doanh vàng yếu thế sẽ khó cạnh tranh để trúng thầu, ưu thế thuộc về đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh. Trong khi đó, chỉ cần “ôm” 500 lượng vàng mà không bán được ngay, khi giá vàng biến động sẽ gây rủi ro lớn cho DN” - một thành viên tham gia đấu thầu than phiền.
Chưa hết, ban đầu quy định đưa ra gồm đặt thầu theo giá trần và giá sàn. Nhưng qua 4 phiên, NH Nhà nước chỉ đưa ra mức giá sàn, mỗi thành viên dự thầu chỉ đăng ký một mức giá không thấp hơn giá sàn. Kết quả, đơn vị nào đặt thầu cùng mức giá, có khối lượng đặt thầu lớn hơn sẽ trúng thầu. Trong khi đó, hiện các NH thương mại có nhu cầu tất toán trạng thái vàng thường đặt mua với khối lượng lớn…
“Nguồn cung vàng từ NH Nhà nước ra thị trường lẽ ra phải là cơ hội cho người dân mua được vàng giá rẻ khi giá thế giới xuống thấp nhưng lại chủ yếu cung cho các NH thương mại để đóng trạng thái” - một người am hiểu thị trường phân tích.
Chênh lệch quá cao là nghịch lý
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đại Lai, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục bị nới rộng quá mức đến nghịch lý. Trong đó, giá vàng SJC được duy trì cao hơn vài triệu đồng/lượng, còn các thương hiệu vàng khác lại ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá thế giới. Cầu tăng bất thường gây hiệu ứng đẩy giá vàng lên như hiện nay là do sự tăng nhu cầu vàng SJC từ các NH thương mại, chứ không phải vàng miếng nói chung. Do đó, cần xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng và tôn trọng quy luật thị trường.
|
Thái Phương
người lao động
|