Bình ổn giá vàng?
Theo số liệu của một số hãng tin uy tín thế giới như Reuters hay Business Insider, Việt Nam nhập khẩu tới 95% lượng vàng tiêu thụ trong nước.
Theo lý thuyết, việc phụ thuộc gần như toàn bộ vào nguồn cung từ bên ngoài sẽ khiến giá giao dịch của mặt hàng này “song hành” cùng diễn biến trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như xăng dầu, một mặt hàng có tỉ trọng nhập khẩu lớn, giá vàng trong nước đang “một mình một hướng” và không ăn nhập với thị trường quốc tế.
Trên thực tế, tình trạng giá vàng trong nước “lệch pha” so với thế giới đã diễn ra từ năm 2012, khi thương hiệu vàng miếng SJC được Nhà nước quốc hữu hóa và độc quyền sản xuất. Có thời điểm, mức chênh lệch này lên đến gần 5 triệu đồng/lượng khiến thị trường trong nước “sốt xình xịch”.
Trước sự bất bình của người dân khi bị “móc túi” tới 4-5 triệu đồng khi mua một lượng vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cơ quan quản lý mặt hàng này - quyết định tổ chức các cuộc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Nếu không tính phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra hôm 28-3, có thể coi NHNN đã thành công bước đầu với hai phiên đấu thầu liên tiếp (ngày 4 và 5-4) cùng ba phiên vừa diễn ra trong tuần này (các ngày 9, 10 và 12-4).
Một số chuyên gia tài chính ngân hàng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng thành công của các phiên đấu thầu kể trên đã phần nào tác động đến thị trường trong nước, đồng thời kỳ vọng sự tác động tích cực hơn ở các phiên đấu thầu tiếp theo.
Tuy nhiên, hiệu quả của kế hoạch bình ổn giá vàng miếng trong nước của NHNN đến đâu và liệu NHNN có bình ổn được thị trường vàng miếng hay không vẫn là câu hỏi lớn chưa có hồi kết.
Thực tế cho thấy trong một thị trường mang tính chất độc quyền thì người “cầm đằng chuôi” là kẻ bán chứ không phải người mua. Bởi thế, nếu NHNN vẫn duy trì vai trò độc tôn thương hiệu vàng miếng thì những hành động như tích cực tổ chức đấu thầu để tăng nguồn cung cho thị trường, đưa ra nhiều quy định cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng “vàng hóa”… không thể phát huy tác dụng như kỳ vọng của người dân.
Và như vậy, tình hình này không chỉ sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu của chính NHNN mà còn đi ngược với xu hướng chung của thế giới, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập thị trường kinh tế toàn cầu.
Đỗ Hà
pháp luật tphcm
|