Thứ Năm, 14/03/2013 13:56

Xuất khẩu đường chờ… cơ chế

Tình hình đường tồn kho tăng cao, giá giảm mạnh và khó tiêu thụ đang đẩy các nhà máy đường vào cảnh khốn đốn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã kiến nghị đến các bộ, ngành chức năng xin cơ chế xuất khẩu linh hoạt mặt hàng đường để cứu nhà máy và nông dân trồng mía.

Báo động đường tồn kho

Theo báo cáo mới nhất của VSSA, từ đầu vụ đến nay các nhà máy đường trong cả nước sản xuất được 818.360 tấn đường các loại, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 58.235 tấn. Nếu như thời điểm đầu vụ (tháng 8-2012) giá đường dao động ở mức 16.000-16.700 đồng/kg, nay sụt xuống còn 13.300-13.500 đồng/kg, thấp nhất trong những năm gần đây.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, giá thành sản xuất đường 13.500-14.000 đồng/kg, so với giá bán hiện nay xem như nhà máy lỗ nặng. Không chỉ giá thấp, vấn đề lo ngại là tình trạng tiêu thụ đường rất khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của đường cát nhập lậu qua biên giới Tây Nam vào khu vực ĐBSCL bán giá rẻ hơn đường nội địa.

Đường tồn kho tăng cao khiến các nhà máy ở ĐBSCL khốn đốn

VSSA thừa nhận, hiện tại các nhà máy trong nước đang ôm lượng tồn kho khoảng 348.000 tấn, cao nhất trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco), lo lắng từ đầu vụ đến nay 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh thuộc Casuco sản xuất hơn 80.000 tấn, trong đó lượng tồn kho hơn 23.000 tấn.

Để sớm giải phóng đường tồn kho, công ty áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, ưu đãi cho khách hàng nhằm đẩy mạnh lượng bán ra, nhưng tiến độ rất yếu. Tồn kho kéo dài, ngoài việc vốn bị giam, các nhà máy còn tốn chi phí lưu kho, lãi ngân hàng và thiếu nguồn tiền để mua mía nguyên liệu trong dân. Do khó khăn, một số nhà máy đường ngưng hoạt động, số khác chạy cầm chừng, dự kiến kết thúc sớm vì thiếu vốn, cộng với kinh doanh không hiệu quả.

Trong khi doanh nghiệp mệt mỏi, nông dân trồng mía cũng chẳng khá hơn. Ông Phạm Văn Mẫn, ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cho biết giá mía năm nay quá thấp, chỉ 700-750 đồng/kg, nên nông dân gần như trắng tay sau 1 năm vất vả trồng mía.

Nhiều hộ thua lỗ, không trả được nợ vật tư, ngân hàng… buộc lòng phải cho thuê đất hoặc bỏ mía đi làm thuê kiếm sống. Theo VSSA, cái khó cơ bản của ngành mía đường là sự mâu thuẫn giữa nhà máy, nông dân với người tiêu dùng.

Trong lúc người tiêu dùng muốn sử dụng đường giá thấp, nhà máy và nông dân trồng mía thua lỗ. Ngược lại giá đường cao để có lợi cho nhà máy và nông dân, người tiêu dùng kêu ca. Vấn đề này cần có lời giải ổn thỏa để ngành đường phát triển bền vững.

Chưa thể xuất khẩu đường?

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, lượng đường sản xuất vụ 2012-2013 hơn 1,53 triệu tấn, cộng với đường vụ trước chuyển sang 178.100 tấn, đường nhập khẩu theo cam kết WTO 73.500 tấn, nâng tổng sản lượng đường lên hơn 1,79 triệu tấn.

Sau khi tính toán cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước, lượng đường dư thừa khoảng 450.000 tấn, đó là chưa tính đường Thái Lan nhập lậu. Thừa đường đã kéo giá xuống thấp, tồn kho tăng cao… Trước tình hình này, VSSA đề xuất ngành chức năng cho cơ chế xuất khẩu linh hoạt mặt hàng đường để giải phóng hàng tồn kho, cứu nhà máy và nông dân trồng mía nguyên liệu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn rà soát, nắm tình hình sản xuất, tiêu thụ đường để giải quyết xuất khẩu, đảm bảo cung cầu trong nước và kịp thời giải phóng lượng đường tồn kho, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay các bộ, ngành chức năng vẫn chưa cho ý kiến. Trong khi đó, đường lậu đang thao túng thị trường khiến tình trạng nhiều nhà máy càng bi đát và thua lỗ là điều thấy rõ.

VSSA cho rằng trong lúc chờ cơ chế xuất khẩu đường, các ngành chức năng cần có biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu ào ạt qua biên giới Tây Nam bán giá thấp, gây khó cho đường nội địa.

Về việc này, Ban Chỉ đạo 127/TW vừa có công văn yêu cầu VSSA cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại đường nhập lậu trong thời gian 3 năm (2010, 2011, 2012), đánh giá mức độ tăng giảm từng năm; đối tượng tham gia buôn lậu đường, phương thức, thủ đoạn, phương tiện và thời gian vận chuyển hàng lậu; sơ đồ tuyến đường vận chuyển từ biên giới vào nội địa; dự báo tình hình thời gian tới và đề xuất giải pháp ngăn đường nhập lậu… Dự kiến giữa tháng 3 này, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW sẽ làm việc với VSSA, xây dựng phương án chống buôn lậu mặt hàng đường.

Ngành mía đường đang đối mặt với muôn vàn khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong lúc cơ chế xuất khẩu chưa được giải quyết, yêu cầu của Ban Chỉ đạo 127/TW đang khiến VSSA lúng túng, bởi hiệp hội không có chức năng điều tra về buôn lậu. Dù vậy, VSSA cũng cố gắng hợp tác để ngăn chặn đường lậu, bảo vệ ngành mía đường trong nước.

Phương Uyên

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   “Khúc xương” của cải cách! (14/03/2013)

>   Khi EVN được trao quyền quyết định giá: Điều gì sẽ xảy ra? (14/03/2013)

>   Tịch thu hàng gian lận tại Gucci-Milano Hà Nội (14/03/2013)

>   Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012: Xáo trộn bất ngờ (14/03/2013)

>   Lập DN mới, “của rẻ - của ôi” (14/03/2013)

>   Giá cả tháng 3 được dự báo có xu hướng tăng (13/03/2013)

>   Vinalines, Vinacomin không được tài trợ để tái cơ cấu (13/03/2013)

>   75% chủ nợ nước ngoài chấp thuận đề xuất tái cấu trúc khoản vay của Vinashin (13/03/2013)

>   Tôm xuất khẩu: “Nghi án” vẫn lơ lửng trên đầu (13/03/2013)

>   TPHCM: 92% doanh nghiệp kiến nghị về thuế (13/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật