Lập DN mới, “của rẻ - của ôi”
Thời gian gần đây, xuất hiện tràn lan trên mạng và cả các tờ rơi quảng cáo dịch vụ thành lập DN mới với giá từ vài triệu đến vài trăm ngàn đồng. Chân tướng câu chuyện này ra sao?
Theo công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết ngày 31/12/2012, tổng số DN thành lập mới của cả nước là 69.874 DN với số vốn đăng ký là 467.265 tỷ đồng, giảm 9,9% về số DN và giảm 9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2011. Số DN còn hoạt động trên cả nước còn 475.776 DN trong tổng số 694.500 DN đã được thành lập, 19.104 DN đăng ký ngừng hoạt động, 111.145 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký, 88.475 DN đã giải thể. Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 28/2, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Số DN ngừng hoạt động trong 2 tháng qua là hơn 8.600 DN, trong khi số DN thành lập mới là 8.000 DN.
Mê hồn trận giá cả...
Không khó để tìm kiếm thông tin về dịch vụ thành lập mới DN trên mạng hiện nay. Nhiều tổ chức, công ty, cá nhân đăng quảng cáo làm dịch vụ thành lập DN chỉ với giá 1 triệu đồng, kèm theo khuyến mại tặng phí làm con dấu, in hóa đơn hoặc miễn phí báo cáo thuế trong 3 tháng… Thậm chí, một số nơi còn tuyên bố, họ chỉ thu phí khắc dấu, nộp lệ phí thành lập DN cho cơ quan đăng ký kinh doanh (khoảng 200.000 đồng) và phí bôi trơn (phổ biến khoảng 100 - 500.000 đồng), mà không thu thêm phí dịch vụ của khách hàng.
Vậy làm thế nào mà các đơn vị này lại có thể cung cấp được dịch vụ với giá rẻ như vậy? Trước hết phải nhấn mạnh rằng, các tổ chức, cá nhân quảng cáo trên mạng cung cấp dịch vụ thành lập DN với giá rẻ như cho nói trên không phải là những công ty/văn phòng tư vấn luật chuyên nghiệp. Họ đơn thuần chỉ là nhân viên của các công ty khắc dấu, hay nhân viên các công ty in hóa đơn thuế hoặc đội ngũ cò mồi hàng ngày bám trụ tại các phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp cận khách hàng đến đây làm thủ tục thành lập DN. Cách thức để cung cấp dịch vụ của các đơn vị này cũng thật đơn giản, chỉ là lên mạng lấy về bộ hồ sơ, mẫu điều lệ của một vài công ty, thay tên, đổi họ, điền thông tin của khách hàng mới vào và nộp cho phòng ĐKKD là xong việc. Cái họ bán không phải là chi phí thành lập DN, mà là tiền khắc dấu, in hóa đơn hoặc đơn giản là giới thiệu dịch vụ kê khai thuế hàng tháng cho DN mới.
Không khó để tìm kiếm thông tin về dịch vụ thành lập mới DN trên mạng với giá rẻ như cho
|
... và những rủi ro tiềm ẩn
Việc các nhà đầu tư/người đi thành lập mới DN, để tiết kiệm chi phí, mà vội vã lựa chọn dịch vụ thành lập DN với chi phí “rẻ” như cho này có thể mang lại cho họ và cổ đông những rủi ro lớn trong tương lai khi DN đi vào hoạt động.
Theo các chuyên gia tư vấn luật, mỗi công ty với các đặc điểm riêng biệt về loại hình (TNHH, CTCP, hợp danh, DN tư nhân), cách thức góp vốn, ngành nghề kinh doanh,… sẽ có những quy định riêng của pháp luật DN mà nhất thiết phải có sự tham vấn của các luật sư, chuyên gia tư vấn luật trong việc xây dựng một bản Điều lệ chuẩn của riêng công ty đó. Bản điều lệ này được xem như là “Hiến pháp” của DN, bởi lẽ nó được xây dựng trên cơ sở của Luật DN hiện hành, được cụ thể hóa vào từng công ty, chi tiết hóa đến từng tỷ lệ góp vốn của thành viên/cổ đông và được các thành viên/cổ đông sáng lập thông qua.
Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra liên quan đến công ty, thì bản Điều lệ cùng với các quy định của pháp luật DN sẽ là căn cứ để các cổ đông/thành viên giải quyết các mâu thuẫn hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tài phán các vấn đề có liên quan đến họ. Như vậy, không thể có một bản điều lệ được áp dụng chung cho tất cả các công ty bằng việc chỉ thay tên, đổi họ các thành viên/cổ đông của công ty này bằng công ty khác.
Việc Bộ Tài chính ban hành bản Điều lệ mẫu dành cho các công ty đại chúng/niêm yết cũng chỉ là cơ sở để các DN tự xây dựng một bản điều lệ riêng dành cho công ty mình, chứ không áp dụng bằng cách bê nguyên xi vào được. Tương tự như vậy, cũng không thể dùng điều lệ của một công ty nổi tiếng nào đó trên thị trường để thay tên, đổi chủ biến thành điều lệ của công ty mình.
Ngược lại, nếu chấp nhận một bản điều lệ chung cho tất cả các DN như cách một số tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thành lập DN đưa ra thì sau này, khi giải quyết các sự cố, DN đó sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh do việc phải thuê các công ty tư vấn luật chuyên nghiệp hỗ trợ, mà không thể nhờ cậy đơn vị đã giúp họ thành lập DN, vốn không hiểu sâu về các vấn đề pháp lý. Chưa kể DN còn có thể phải chịu hàng loạt các chi phí phát sinh khi làm thủ tục thay đổi nội dung ĐKKD sau này.
Những điểm cần lưu ý đối với việc thành lập DN
Để tiết kiệm thời gian và chi phí, theo các chuyên gia tư vấn luật, nhà đầu tư/người thành lập DN (cá nhân, tổ chức) cần phải xác định rõ loại hình DN mà mình lựa chọn thành lập: DN tư nhân, công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh; ngành nghề kinh doanh dự kiến; vốn và tỷ lệ góp vốn, tiến độ góp vốn; tên DN dự kiến (hiện pháp luật không cho phép thành lập DN nếu tên DN thành lập mới bị trùng với DN đã thành lập trên địa bàn cả nước)… Đồng thời, có thể tham khảo qua các bộ Thủ tục hành chính được đăng công khai trên website tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc niêm yết công khai tại các phòng ĐKKD để hiểu biết về thủ tục lập DN.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư khi muốn thanh lập DN cũng đừng vì tiết kiệm chi phí mà lựa chọn các tổ chức, cá nhân không có kiến thức chuyên sâu về luật để hỗ trợ các thủ tục thành lập DN, hãy lựa chọn một công ty luật chuyên nghiệp để giúp mình làm thủ tục thành lập DN với dịch vụ chuyên nghiệp nhất dành cho khách hàng.
|
L.S Lê Minh Toàn
Đầu tư chứng khoán
|