“Xử” thương lái nước ngoài gom thủy sản
Sẽ phạt đến 100 triệu đồng đối với tổ chức nào liên kết với thương lái nước ngoài thu gom thủy sản trong nước, cá nhân bị phạt đến 50 triệu đồng.
Mới đây, Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định về quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản, giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì. Trong đó có một quy định được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm: Tổ chức có hành vi liên kết, hợp tác trái phép với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu gom thủy sản tại Việt Nam sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng, cá nhân vi phạm bị phạt đến 50 triệu đồng. Quy định hiện hành không quy định phạt đối với hành vi này.
Giải pháp hay, chặn tiếp tay
Phản ứng trước thông tin về dự thảo, nhiều DN thủy sản đều đánh giá đây là quy định tích cực, một giải pháp hay.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), nhận xét quy định xử phạt mới là một giải pháp ngăn chặn tình trạng tranh mua thủy sản trái phép của thương lái nước ngoài, góp phần giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu của DN trong nước.
Thương lái nước ngoài sang thu mua nguyên liệu thủy sản rất nhiều. Đặc biệt, ở khu vực các cảng biển miền Trung, thương lái Trung Quốc xuất hiện thường xuyên. Họ thu gom đủ loại từ cá vụn giá rẻ dùng làm thức ăn chăn nuôi đến tôm, ghẹ, cá ngừ đại dương… với giá cao hơn giá DN Việt Nam thu mua. Trong khi nguyên liệu nội địa “chảy” sang nước khác thì DN Việt Nam lại luôn trong tình cảnh “đói” nguyên liệu. Đa số DN phải nhập 60%-70% nguyên liệu về chế biến mới đảm bảo hoạt động sản xuất.
Không chỉ có thương lái Trung Quốc, ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Đệ Khang Phú Thành, cho hay còn rất nhiều thương lái đến từ Úc, Hàn Quốc, Đài Loan… sang thu gom thủy sản. Ở các cảng Quy Nhơn (Bình Định), Phan Thiết (Bình Thuận), mỗi ngày thương lái nước ngoài thu mua hàng tấn cá ngừ đại dương ngay trước mắt DN Việt. Ngư dân thấy giá cao thì bán còn DN trong nước nếu mua giá cao để chế biến xuất khẩu thì bị giảm lợi nhuận. “Vì thế phạt với mức tiền cao như vậy sẽ là lời cảnh báo cho thương lái trong nước tiếp tay thương lái nước ngoài thu gom, ngăn chặn tình trạng “chảy máu” nguyên liệu thủy sản” - ông Đức ý kiến.
Đang phải chịu hậu quả từ nhiều bài học khi làm việc với thương lái nước ngoài nhưng trước những chiêu bài dụ dỗ của họ, người nông dân vẫn dễ mắc “bẫy thu gom nhiều, giá cao, chất lượng thế nào cũng mua”. Đã thế, thương lái trong nước còn nhảy vô giúp thương lái nước ngoài, không màng đến thiệt hại của người dân. Do đó, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng người nông dân cũng sẽ có lợi từ quy định xử phạt mới.
Nhưng khó tìm bằng chứng
Mặc dù vậy, theo nhiều DN, rất khó để thực hiện theo quy định xử phạt này bởi rất khó tìm được bằng chứng chứng minh hành vi liên kết, tiếp tay.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, thương lái nước ngoài thường núp dưới hình thức khách du lịch để xuống cảng lựa hàng. Họ không trực tiếp thu gom mà thông qua thương lái Việt Nam. Với trường hợp hai bên móc ngoặc với nhau thì rất khó chứng minh thương lái trong nước đã liên kết, hợp tác trái phép với thương lái nước ngoài. Phạt người dân thì không được vì ai mua giá cao thì bán, mà họ không bán trực tiếp cho thương lái nước ngoài, họ bán cho người trong nước. Quay sang phạt thương lái trong nước cũng không xong vì họ thường thỏa thuận miệng, không hóa đơn, chứng từ. Còn nếu may mắn phát hiện tại trận thương lái nước ngoài thu gom thủy sản trái phép thì cùng lắm là xử phạt hành chính. Họ nói không có tiền phạt thì chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, nói: “Đúng là khó mà xử phạt vì khó chứng minh có sự liên kết hợp tác trái phép giữa hai bên. Sự hợp tác này rất mù mờ vì thương lái nước ngoài lẫn thương lái trong nước đều ma lanh”.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu có quy định xử phạt nặng thì ít nhiều thương lái trong nước nào tiếp tay cho thương lái nước ngoài cũng phải sợ. Nhưng điều cần thiết vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành liên quan, kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngay để làm chùn bước thương lái trong nước hám lợi.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm qua (6-3), ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT), cho biết trên đây mới là dự thảo chờ lấy ý kiến từ nhiều nguồn trong nhân dân.
Dự thảo có nêu rõ các cá nhân, tổ chức có hành vi liên kết, hợp tác trái phép với cá nhân, tổ chức nước ngoài thu gom thủy sản tức là trái với quy định pháp luật Việt Nam, vi phạm quy định thì sẽ bị xử phạt. Những trường hợp cụ thể, chi tiết hơn, sau này sẽ có thông tư hướng dẫn. “Bằng chứng tuy khó kiếm nhưng nếu kiểm tra, giám sát chặt thì không có gì là không phát hiện được” - ông Thể khẳng định.
Nông sản sẽ có quy định xử phạt thương lái
Nông sản cũng là lĩnh vực bị thương lái nước ngoài “nhòm ngó”, gây ra nhiều vụ xáo trộn thị trường nhưng hiện chưa có dự thảo nghị định xử phạt tương tự ngành thủy sản.
Theo quy định của WTO, Việt Nam có quyền cấm thương lái nước ngoài đăng ký kinh doanh và thu mua trực tiếp hàng hóa nông, thủy sản để xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn thương lái Trung Quốc lách luật bằng cách mở các điểm thu mua xuất khẩu qua tiểu ngạch, tiến hành theo hợp đồng “miệng” nên rất khó kiểm soát về thuế và xử phạt.
Sắp tới, ngành nông sản cũng sẽ có dự thảo quy định xử phạt đối với vấn đề này nhằm nghiêm trị những thương lái trong nước hám lợi, tiếp tay trái phép cho thương lái nước ngoài thu gom nông sản nội địa.
Ông NGUYỄN VĂN HÒA, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt
|
QUANG HUY
pháp luật tphcm
|