Điều chỉnh quy hoạch dự án Bauxite: Quá ưu ái cho Vinacomin!
Chuyên gia nói: Chủ đầu tư đề xuất phí môi trường giảm từ 30.000 đồng/tấn alumin xuống 5.000 đồng/tấn là điều hết sức nguy hiểm, đẩy gánh nặng phí môi trường cho cả xã hội gánh chịu.
Theo nguồn tin, dự kiến sáng nay (6-3) Chính phủ sẽ có cuộc họp với Bộ Công thương và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) để nghe hai đơn vị này báo cáo cơ chế phát triển các dự án bauxite. Trước đó, tại buổi họp báo ngày 4-3, đại diện Bộ Công thương cho biết sau khi dừng dự án xây dựng cảng Kê Gà (Bình Thuận) phục vụ hai dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), Vinacomin đã đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch hai dự án này.
Cụ thể Vinacomin đề nghị điều chỉnh giảm giá đất bồi thường (từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha xuống còn khoảng 250 triệu đồng/ha), giảm phí môi trường tài nguyên (từ 30.000 đồng/tấn alumin xuống 5.000 đồng/tấn).
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia kinh tế và bauxite cho rằng đây là kiến nghị nhằm đem lại lợi ích cho chủ đầu tư. Nếu được thông qua sẽ là quá ưu ái cho Vinacomin trong bối cảnh có thể dự án này sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế như dự tính ban đầu.
Chỉ vì lợi ích cục bộ
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cơ quan chức năng phải xem xét kỹ càng, khách quan những đề xuất của Vinacomin. Việc chủ đầu tư đề xuất phương án giảm giá bồi thường đất so với trước kia là nằm trong bài toán giảm chi phí đầu tư cho dự án. Điều này cần được lấy ý kiến của chính quyền và người dân địa phương, sự tham gia phản biện, nghiên cứu của các chuyên gia,…
Thi công hồ chứa bùn đỏ, tận thu quặng bauxite ở Tân Rai
|
Đối với phí môi trường giảm từ 30.000 đồng/tấn xuống 5.000 đồng là điều hết sức nguy hiểm, đẩy gánh nặng phí môi trường cho cả xã hội gánh chịu. “Ô nhiễm môi trường đối với công nghiệp alumin cực kỳ lớn, nếu chỉ đánh phí môi trường ngang bằng với các khoáng sản khác là điều vô lý và quá ưu ái cho chủ đầu tư. Do đó các đề xuất của Vinacomin cần có hội đồng thẩm định đánh giá một cách tổng thể toàn diện hai dự án đang triển khai và cả ngành bauxite - nhôm” - ông Doanh đề xuất.
TS Nguyễn Thành Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, cũng cho rằng lý giải của Bộ Công Thương theo hướng giảm tiền bồi thường đất và phí môi trường mang tính cục bộ cho lợi ích chủ đầu tư, không vì lợi ích kinh tế-xã hội của cộng đồng. Đó chỉ là cái cớ để phục vụ cho mục đích tài chính của dự án. “Tài nguyên đã cho không, môi trường cho không, tạo điều kiện về đất đai, hy sinh tất cả lợi ích kinh tế-xã hội cho dự án nhưng lại vì tài chính của chủ đầu tư thì làm dự án làm gì?” - ông Sơn băn khoăn.
Hoàn thổ trong 2-3 năm là không tưởng
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm - Ti tan (Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam), nhấn mạnh Bộ Công thương lý giải lý do giảm tiền bồi thường đất xuống còn 1/3 so với trước là vì đất khai thác bauxite sẽ hoàn thổ trong 2-3 năm là điều chưa hợp lý. Theo ông Ban, ở một số vùng của hai dự án, lớp đất mặt trên tầng quặng bauxite rất mỏng nên sẽ không có đất để hoàn thổ. Một số nơi khác sau hoàn thổ, lớp đất mỏng nằm trên mặt đất dễ bị trộn lẫn với một số chất và quặng bauxite nghèo thành một hỗn hợp chua và độc hại với phần lớn các loại cây trồng. Kinh nghiệm hoàn thổ sau 32 năm khai thác bauxite của Công ty Hóa chất Cơ bản Miền Nam tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã phần nào cho thấy công việc hoàn thổ, tái tạo cây trồng là vô cùng khó khăn.
“Do đó, việc chủ đầu tư cho rằng chỉ bồi thường số tiền 250 triệu đồng/ha cho diện tích hoa màu và hỗ trợ người dân với lý do hoàn thổ trong 2-3 năm là điều không khả thi và không có cơ sở khoa học. Đất hoàn thổ sau 2-3 năm thì có được như trước nữa không? Nếu không được tiến hành một cách cẩn thận, kỹ lưỡng vùng đất sau khai thác bauxite sẽ trở thành vùng đất chết, rất khó thích ứng với cây cà phê, chè” - ông Ban lo ngại.
Cần xem lại toàn bộ quy hoạch bauxite
Với kinh nghiệm trực tiếp quản lý, nghiên cứu ngành nhôm - titan lâu năm và đã từng thực địa tại hai dự án bauxite Tây Nguyên, ông Ban cho rằng thời điểm năm 2009, nhiều người lo ngại rủi ro đối với dự án Nhân Cơ nhiều hơn Tân Rai. Tuy nhiên, bây giờ rủi ro đến với Tân Rai là điều đáng bàn. Cái rủi ro lớn nhất, căn bản nhất theo ông Ban không nằm ở khâu chi phí bồi thường đất hay phí môi trường mà chính là tính toán sai so với dự toán ban đầu phê duyệt dự án.
“Bộ Công thương đưa ra con số tổng mức đầu tư tăng thêm 30% so với dự án là quá nguy hiểm, tức là tổng mức đầu tư sẽ từ 650 triệu USD lên hơn 800 triệu USD. Vô hình trung, chủ đầu tư phải dùng các cách để giảm chi phí như chỉ tiêu kỹ thuật giảm chẳng hạn, dẫn đến hiệu quả kinh tế lỗ hoặc may ra hòa vốn; tiếp đến là quy hoạch hệ thống giao thông, vận tải không hợp lý, dự toán có độ vênh lớn nên đẩy chi phí sản xuất tăng lên. Như thế mọi kế hoạch về kinh tế đều phải xem lại!” - ông Ban nói và kiến nghị Chính phủ cần tạo áp lực cho Bộ Công thương và Vinacomin để hai đơn vị này đưa ra những bằng chứng khoa học, những số liệu cập nhật và tính toán cụ thể. Từ đó mới xem xét được đúng tính hiệu quả kinh tế của dự án và định hướng phát triển ngành bauxite Việt Nam trong thời gian tới.
Nguy cơ thua lỗ rất lớn
Với tính toán hiện nay, giá thành alumin của Vinacomin đã tăng 17%-19%. Các số liệu tính toán đầu vào của chủ đầu tư không đáng tin cậy, các chi phí đầu vào có sự thay đổi rất lớn; theo chiều hướng nghiêng về phía giảm hiệu quả kinh tế.
Cụ thể, năm 2009, theo số liệu của Vinacomin, giá thành một tấn alumin của dự án Tân Rai là 223 USD và dự án Nhân Cơ là 241 USD. Tại thời điểm tháng 4-2009, đại diện Vinacomin cam đoan là những con số trên đã được họ tính toán chính xác. Tuy nhiên, sau đó hơn một năm, vào tháng 10-2010, đại diện Vinacomin lại đưa ra các số liệu khác nhau. Theo đó, giá thành alumin của dự án Tân Rai là 265 USD/tấn và Nhân Cơ là 287 USD/tấn. Như vậy giá thành alumin đã tăng tương ứng 42 và 46 USD/tấn.
Điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế của dự án rất thấp, hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao. Nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề ở các dự án này đang hiện hữu và sẽ là gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia về sau này.
TS NGUYỄN THÀNH SƠN
Mức đầu tư tăng 30%
Trong bảng tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế tài chính của hai dự án, Nhà máy alumin Tân Rai có vốn đầu tư ban đầu là 628 triệu USD, Nhà máy alumin Nhân Cơ là 697 triệu USD.
Theo kết quả kiểm tra tháng 12-2012, mức đầu tư đã tăng 30% so với thời điểm tháng 9-2009 (thời điểm dự án được phê duyệt) do tăng tỉ giá, tăng phí tài nguyên môi trường, giá nguyên vật liệu, tiền lương tăng. Đặc biệt giá bán tại thời điểm tháng 12-2012 là 326 USD/tấn, so với giá ban đầu dự án là 365 USD/tấn, giảm 39 USD/tấn.
|
Trà Phương
pháp luật tphcm
|