Vàng son một thuở
Giá vàng đạt mốc cao nhất trong lịch sử vào ngày 6/9/2011 với mức $1.921/toz và tính đến hết năm 2012 thì vàng đã có hơn 12 năm tăng giá liên tiếp. Tuy nhiên từ năm 2012 và đặc biệt là khởi đầu năm 2013 giá vàng bất ngờ giảm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2013 đã ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp vàng giảm giá và là chuỗi giảm giá dài nhất kể từ năm 1996.
Vàng có còn là kênh đầu tư an toàn?
Hàng loạt các tổ chức kinh doanh vàng, NĐT lớn nhỏ tháo chạy ra khỏi vàng khiến giá vàng lao dốc không phanh; bất chấp nhiều dự báo giá vàng còn tăng bởi nhiều nguyên nhân (kinh tế bất ổn, lạm phát quay lại, các quốc gia vẫn mạnh tay “bơm” tiền để kích cầu, bất ổn kinh tế chính trị ở nhiều nước…). Nhiều tổ chức tài chính lớn khởi đầu năm 2013 đã phải liên tiếp hạ mức dự báo giá vàng dù năm 2013 còn lâu mới kết thúc.
Thống kê cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2013, các quỹ đầu tư vàng tín thác đã bán ra hơn 100 tấn vàng. Trong đó SPDR Gold Trust – Quỹ Đầu tư vàng hoán đổi lớn nhất thế giới đã bán ròng 7 phiên liên tiếp trong đó tuần cuối cùng của tháng 2 quỹ này đã “xả” đến 42 tấn vàng. Được biết khối lượng vàng nắm giữ của SPRD Gold Trust đạt đỉnh 1.353 tấn vàng vào tháng 12/2012 và kể từ thời điểm đó quỹ đầu tư khổng lồ này hầu như chỉ có bán ra chứ không mua vào. Số liệu thống kê còn cho thấy siêu tỷ phú John Paulson cổ đông lớn nhất của SPDR Gold Trust đã cắt giảm lượng nắm số chứng chỉ quỹ sở hữu từ 20,3 triệu (Q4/2012) xuống chỉ còn 17,3 triệu tính đến hết 2/2013 (tương đương giá trị khoảng 2 tỷ USD). Riêng tỷ phú George Soros thì đã rút lui khỏi SPDR Gold Trust từ … năm ngoái.
Với mức giảm mạnh và nhanh như thế đã khiến nhiều người tự hỏi phải chăng kỷ nguyên của vàng đã đi vào hồi kết và vàng có còn là kênh trú ẩn an toàn?
Yếu tố nào tác động giá vàng?
Để biết được điều này cần phải nhìn trực tiếp vào … vàng. Tại sao giá trị của vàng thay đổi, đó là do giá trị tiền tệ dùng để xác định giá vàng có thay đổi, mà ở đây chính là đô la Mỹ. Tại sao lại là đô la Mỹ mà không phải là một đồng tiền khác? Như chúng ta thường thấy các bản tin về giá từ Việt Nam, Mỹ, Anh… bao giờ cũng thông báo đại loại là: “Hôm nay giá vàng tăng/giảm thị trường quốc tế là bao nhiêu đô la Mỹ trên một troy ounce (toz)” chứ hiếm khi nghe một đồng tiền nào đó khác, trừ khi giá vàng được giao dịch tại thị trường nội địa.
Lý do dễ hiểu bởi đô la Mỹ là đồng tiền được sử dụng để dự trữ ngoại hối đứng đầu thế giới, chiếm tỷ trọng khoảng 60%-70% (tùy từng thời điểm) dự trữ ngoại hối toàn cầu, gấp 3 lần đồng tiền đứng thứ 2 là Euro và hơn nhiều lần hai đồng tiền còn lại trong Top 4 là yên Nhật (JPY) và bảng Anh (GBP). Ngoài ra, trong thanh toán thương mại quốc tế, đô la Mỹ chiếm đến hơn 90% giao dịch.
Như vậy, có thể nói cặp XAU/USD tương tự như cái cán cân, khi đô la Mỹ giảm sẽ hỗ trợ vàng tăng và ngược lại đô la Mỹ tăng sẽ làm áp lực giá giảm. Bởi vậy những yếu tố tác động trực tiếp và gián tiếp đến đô la Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến giá vàng cùng nhiều loại hàng hóa khác được định giá bằng đô la Mỹ. Trong đó yếu tố quan trọng nhất đến từ … FED, cơ quan có khả năng tác động đến giá trị của đồng tiền này. Bởi thế đã có năm, Chủ tịch FED Ben Bernanke được bầu chọn là người đàn ông có quyền lực thứ 2 thế giới (người thứ nhất là Tổng thống Mỹ) mặc dù ngài Ben không có quyền “điều binh khiển tướng” nhưng có thể tác động được đến giá trị của đồng tiền có thanh khoản tốt nhất thế giới.
Như chúng ta đã biết trong suốt hơn 12 năm tăng giá của vàng, FED đã đóng vai trò rất lớn làm thay đổi giá trị đồng đô la. Từ những năm đầu tiên giá vàng bắt đầu tăng FED đã liên tiếp hạ lãi suất và khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ FED đã đưa ra hàng loạt gói kích cầu như QE1, QE2 làm giá trị đồng đô la Mỹ (thông qua chỉ số USD Index) giảm mạnh giúp giá vàng tăng vọt. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của giới đầu cơ, đã thúc đẩy giá vàng tăng nhanh hơn bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường tài chính và đã đưa giá vàng tăng cao hơn cả giá bạch kim vào năm 2008 (bất chấp việc bạch kim quý hiếm hơn và khó khai khác hơn vàng).
Nhưng rồi đến khi QE2.5 ra đời năm 2011 và QE3 năm 2012 kịch bản đã diễn biến khác. Thứ nhất QE2.5 không bơm tiền mà chỉ hoán đổi trái phiếu với nỗ lực hạ lãi suất dài hạn, tuy nhiên liều thuốc này chưa đủ khiến FED phải đưa ra QE3 ngay năm sau. Điều này chứng tỏ FED đã e ngại việc in tiền quá nhiều trong khi gánh nặng nợ công ngày càng lớn đã khiến cho những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm nhận ra rằng FED đang do dự trong các chính sách của mình. Bên cạnh đó, giá tăng suốt nhiều năm với mức ngày càng cao khiến nhiều người đã không thể mua vàng vật chất, đồng thời được thúc đẩy những nhóm nhà đầu tư lớn bắt đầu giảm trạng thái mua và dự trữ vàng trong danh mục đầu tư của họ như George Soros. Khi đó giá vàng đã bắt đầu phản ứng trong năm 2012 bất chấp nhiều dự báo trong năm đó giá sẽ lên 2.000 đô la Mỹ, 2.500 thậm chí là 3.000 đô la Mỹ nhưng thực tế giá vàng chưa bao giờ đạt được mốc 1.800 đô la Mỹ/toz dù QE3 được đưa ra trong năm này.
Biên bản cuộc họp FOMC (Ủy ban điều hành thị trường mở của FED) công bố mới đây cho thấy các quan chức trong Hội đồng Thống đốc của FED đã có nhiều ý kiến mâu thuẫn về việc có nên tiếp tục QE nữa không, thậm chí nên tăng lãi suất cùng việc thắt chặt tiền tệ trở lại trong thời gian tới. Và mặc dù Chủ tịch FED ngài Ben Bernanke trong phiên điều trần trước Quốc hội cuối tháng 2 vẫn bảo vệ các gói QE nhưng ông cũng nói thêm rằng FED có sẵn các công cụ cần thiết để có thể rút lui khỏi các gói kích thích tiền tệ một cách kịp thời. Điều này nghĩa là các chính sách của FED đang ở trên đỉnh và một ngày nào đó cũng phải đi xuống (ngưng QE, tăng lãi suất, thậm chí có thể thắt chặt tiền tệ trở lại sẽ làm giá đô la đi lên).
Triển vọng nào cho giá vàng?
Như vậy việc FED đang đứng trên đỉnh núi cùng với việc đô la liên tục giảm giá nhiều năm liền (trong nỗ lực hạ giá đồng tiền này góp phần thúc đẩy kinh tế) thì đã đến lúc FED phải “trả lại tên cho em” khi giá đồng bạc xanh giảm giá làm các chủ nợ của Mỹ không hài lòng khiến Mỹ khó mượn thêm tiền. Đồng thời nền kinh tế Mỹ đang hồi phục cùng nỗ lực giảm gánh nặng nợ công đang ngày càng phình to bằng hàng loạt chính sách cắt giảm chi tiêu đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần cho sự lên giá của đô la Mỹ và ngăn cản đà tăng của vàng.
Tác động của giá thế giới và xu hướng của giá vàng tại Việt Nam
Dù giá thế giới liên tiếp sụt giảm nhưng giá tại Việt Nam hầu như không giảm bao nhiêu làm cho chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới có lúc trong tháng 2/2013 nới rộng lên gần 5,5 triệu đồng/lượng. Nhưng rõ ràng để kỳ vọng giá vàng trong nước tăng mạnh thời gian tới là điều bất khả thi khi một số thống kê cho thấy nhu cầu đang giảm vì giá cao và mức chênh lệch quá lớn với giá thế giới, thời hạn các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng đang đến gần sẽ còn làm cầu sụt giảm … Bởi thế thời gian gần đây khi giá vàng thế giới giảm thì giá trong nước giảm mạnh hơn nhưng khi tăng lại tăng chậm hơn do mức chênh lệch lớn.
Như thế rủi ro giảm giá của giá vàng trong nước thậm chí còn lớn hơn thế giới trong thời gian tới. Đặc biệt là khi Nhà nước đang rất nỗ lực kéo giảm việc nắm giữ vàng trong dân nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mà không phải bơm quá nhiều tiền kích cầu bởi theo một số thống kê trong và ngoài nước thì số lượng vàng trong dân lên đến cả ngàn tấn.
Đã qua thời hoàng kim?
Sau hơn 12 năm tăng giá, vàng đã có dấu hiệu đuối sức với nhiều yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá đang dần giảm đi. Có thể giá vàng sẽ khó rớt sâu do vẫn là một hàng hóa được yêu thích của tất cả mọi người nhưng việc tăng như vũ bão trong thời gian qua rõ ràng khó tái lập. Nếu ai vẫn luôn tin vàng sẽ không bao giờ giảm giá thì hãy nhìn lại lịch sử, ngay cả những thời điểm bất ổn nhất như Chiến tranh thế giới lần 1 và lần 2, đại suy thoái, hay mới đây là khủng hoảng nợ công Châu Âu thì vàng đều giảm giá hoặc không tăng trong giai đoạn đó.
Các nhà đầu tư lớn trên thế giới vẫn chưa thể quên thời khắc đen tối nhất mà vàng từng trải qua, đó là năm 1980 khi giá vàng đạt đỉnh 850 đô la Mỹ/toz (tương đương với giá hiện tại là 3.500 đô la Mỹ/toz), sau đó giá đã giảm suốt 20 năm (chạm đáy 250 đô la Mỹ/toz năm 1999 và đi ngang 2 năm liên tiếp) và giá vàng chỉ thật sự đi lên từ năm 2001. Nghĩa là nếu ai đã giữ vàng trong suốt 33 năm qua vẫn chưa thể nào lấy lại được một nửa tiền.
Phan Dũng Khánh - Trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng
tbktsg
|