Thứ Năm, 07/03/2013 11:18

Thị trường vàng khi nào hết bất ổn?

Trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3.2013, thị trường vàng lại có những diễn biến bất thường khi đảo chiều giảm mạnh tới gần 2 triệu đồng/lượng, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân của những bất thường này là gì? Diễn biến của thị trường vàng trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Nguồn: chinhphu.vn

Có thể thấy, thị trường vàng tuần qua chia thành 2 giai đoạn. Hai ngày đầu tuần, giá vàng trong nước vẫn duy trì ở quanh mốc 45 triệu đồng/lượng, và chênh lệch so với giá thế giới quy đổi khoảng 5 triệu đồng/lượng. Tiếp đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước ký hợp đồng gia công vàng miếng với công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, chủ nhân của thương hiệu SJC - thương hiệu được lựa chọn làm thương hiệu vàng quốc gia - thì giá vàng đã đảo chiều giảm mạnh. Từ mức xấp xỉ 45 triệu đồng/lượng, ngày 27.2, giá vàng đã giảm dưới 44 triệu đồng/lượng, sang ngày 28.2, giá vàng chỉ dao động quanh mức 43 triệu đồng/lượng. Nhờ mức giảm mạnh này mà khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới co hẹp dần, chỉ còn 3 triệu đồng/lượng. Giá vàng giảm đã “kích thích” nhu cầu bán vàng ra của người dân. Không công bố con số cụ thể, nhưng nhiều doanh nghiệp vàng cho biết, lượng bán ra của người dân khá lớn. Cuối ngày 1.3, giá vàng trong nước tăng lên 43.500.000 đ/lượng, kéo giãn khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới lên 3.500.000 đ/lượng.

Việc Ngân hàng Nhà nước ký kết hợp đồng gia công vàng miếng với công ty SJC đã tác động tích cực đến thị trường vàng trong nước làm giá vàng trong nước giảm cũng như thu hẹp khoảng cách giữa giá trong nước với giá thế giới. Thậm chí, theo như Chủ tịch Hội đồng thành viên SJC Lê Hùng Dũng đã khẳng định: chỉ trong vòng một tuần sau cuộc ký kết này, giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới. Theo giải thích của người trong cuộc thì trước đây nguồn cung vàng bị gián đoạn do nhà nước không cho nhập vàng để hạn chế nhập siêu và chống lạm phát. Còn nay, khi Ngân hàng Nhà nước chủ động sản xuất vàng miếng cũng như nhập nguyên liệu vàng khi thấy cần thiết thì giá trong nước chắc chắn sẽ gần với giá thế giới. Ngoài ra, các đơn vị sẽ thử nghiệm việc đấu thầu giá vàng trước khi thông tư hướng dẫn về việc mua bán vàng miếng của các đơn vị với NHNN có hiệu lực. Đây là những yếu tố tác động mạnh đến giá vàng trong nước. Tuy nhiên, cần làm rõ: nói là thiếu nguồn cung thì thiếu ở phân khúc nào? Việc giá vàng ngay lập tức giảm tới 2 triệu đồng/lượng, và khoảng cách giá trong nước với giá thế giới thu hẹp còn 3 - 3,5 triệu đồng/lượng ngay sau khi NHNN và SJC ký hợp đồng là một chứng cứ cho thấy thị trường vàng có yếu tố đầu cơ, làm giá. Vì rõ ràng vừa công bố xong chưa thể bắt tay vào gia công ngay để nói là nguồn cung đã tăng, đẩy giá vàng giảm.

Tất nhiên mất cân đối cung cầu là nguyên nhân cơ bản, nhưng cũng không thể loại trừ các yếu tố đầu cơ làm giá. Yếu tố đầu cơ bộc lộ rõ qua việc giá trong nước (cụ thể là vàng miếng SJC, thương hiệu vàng miếng duy nhất được phép giao dịch) cao hơn giá thế giới tới 5.400.000 đồng/lượng vào đầu tuần trước, tương đương khoảng 12%. Tất nhiên, giá vàng thế giới sau khi vào Việt Nam sẽ phải cộng thêm chi phí gia công, chế tác, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế phí khác. Nhưng thực chất các loại thuế và phí chỉ chiếm tối đa khoảng 2% giá vàng. Như vậy, phần chênh lệch còn lại là bất hợp lý. Bên cạnh đó, cần xác định mất cân đối cung cầu thực chất là ở nhóm nào. Vì khi giá vàng chênh lệch quá cao so với giá thế giới và ngay cả những ngày qua, khi khoảng cách thu hẹp nhưng giá trong nước thay đổi liên tục, nhà đầu tư cá nhân cũng ngần ngại giao dịch. Trên thực tế, với những biến động bất thường trên thị trường vàng như vậy, được lợi lớn nhất có lẽ là các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Cần lưu ý là suốt từ đầu tháng 2 đến nay, giá vàng thế giới chủ yếu trong chiều hướng giảm. Cụ thể trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, giá vàng quốc tế đóng cửa ở mức 1.578 USD.

Với bước đi của NHNN như vừa qua, có thể đưa giá vàng trong nước trở về mức tiệm cận với giá vàng thế giới hay không? Hoàn toàn có thể, nếu như có thể thực hiện nghiêm túc Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Vì mấy lý do như sau: Trước hết là Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động nguồn cung vàng sau khi đã ký kết hợp đồng gia công với SJC. Theo thông tin từ công ty SJC thì doanh nghiệp này mỗi ngày có thể gia công lên tới 80.000 lượng, tương đương khoảng 3 tấn vàng. Thứ hai, sau khi được chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia thị trường vàng với tư cách người cầm trịch nhằm bình ổn thị trường vàng khi có biến động. Thứ ba, khi chỉ có một loại hàng hóa là vàng thương hiệu SJC và 1 hệ thống phân phối đã được quy chuẩn theo những tiêu chuẩn khắt khe thì sẽ dần đi đến thống nhất về giá. Thứ tư là yếu tố tâm lý, khi người dân tin tưởng hơn vào đồng tiền Việt Nam thì tâm lý găm giữ vàng phòng thân sẽ giảm dần và do đó sẽ giảm bớt những cơn sốt ảo.

Thu Thùy

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Giá vàng giằng co trên ngưỡng 44 triệu đồng/lượng (07/03/2013)

>   Vàng bị làm giá (07/03/2013)

>   Vàng bất động sau hai phiên tăng giá (07/03/2013)

>   Thận trọng với giá vàng SJC (06/03/2013)

>   Đấu thầu vàng: Thị trường sẽ minh bạch? (06/03/2013)

>   Giá vàng nhảy vọt, vượt xa 44 triệu đồng (06/03/2013)

>   Vàng trồi sụt quanh 1,575 USD/oz trước các yếu tố trái chiều (06/03/2013)

>   Bán vàng dự trữ quốc gia, rủi ro ai gánh? (06/03/2013)

>   Bỡ ngỡ đấu thầu vàng (05/03/2013)

>   Giao dịch trầm lắng, vàng đôla vẫn tăng giá (05/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật