Trung Quốc - Châu Phi: Tuần trăng mật đã qua!
Chuyến công du lục địa đen của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là nhằm trấn an các nước châu Phi về tham vọng kinh tế của Trung Quốc khi quan hệ đôi bên bắt đầu sóng gió.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và phu nhân (bên phải) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Pretoria hôm qua 26-3.
|
Quan hệ kinh tế Trung - Phi tăng nhanh
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi năm ngoái là 198 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,3% so với năm 2011 và tăng 20 lần so với năm 2000.
Nhưng cấu trúc của mối quan hệ thương mại này không cân bằng: năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi khoảng 113 tỉ đô la, chủ yếu là nhiên liệu và khoáng sản như dầu mỏ, quặng kim loại và bán sang châu phi hàng hóa công nghiệp như quần áo may sẵn, đồ điện tử gia dụng. Khoáng sản chiếm 80% giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ Châu Phi, theo báo Economist; còn hàng hóa Trung Quốc, tuy phần nào giúp người dân cải thiện cuộc sống nhưng lại góp phần triệt tiêu các doanh nghiệp địa phương, gây hại cho nỗ lực công nghiệp hóa của lục địa này.
Đầu tư của Trung Quốc thì khó đo lường hơn. Mùa hè năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh (Chen Deming) cho biết, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã vượt quá 14,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 60% so với năm 2009; một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đưa ra con số 15,3 tỉ đô la vốn đầu tư vào cuối năm 2012 và hiện có tới 800 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động tại châu Phi.
Vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi cũng tập trung vào các dự án khai khoáng để cung ứng nguyên liệu cho nền kinh tế Trung Quốc. Mãi đến gần đây, đầu tư của Trung Quốc tập trung vào những quốc gia có trữ lượng khoáng sản lớn như Algeria, Nigeria, Nam Phi, Zambia, Congo nhưng Trung Quốc cũng mạnh dạn đầu tư cả ở những quốc gia nhiều bất ổn như Sudan, Zimbabwe – là những nơi các doanh nghiệp nước ngoài khác né tránh.
Cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư, đã diễn ra làn sóng di cư của người Trung Quốc sang châu lục này. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho biết hiện đã có hơn 1 triệu người Hoa sinh sống và làm ăn ở châu Phi, phần lớn làm trong các dự án đầu tư và kinh doanh của Trung Quốc, một số ít tự tổ chức kinh doanh hoặc làm dịch vụ.
Bất đồng về văn hóa, lối sống, về cung cách làm việc đã dẫn tới không ít những vụ va chạm giữa các công nhân, quản lý người Trung Quốc với công nhân địa phương, chẳng hạn như vụ một viên quản lý mỏ than tại Zambia bị các công nhân đình công đòi tăng lương giết chết hồi tháng 8-2012 vừa qua.
Theo báo Economist, mới đây tòa án Algeria đã cấm hai công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu các dự án công, chính quyền Gabon hủy bỏ một hợp đồng khai khoáng, chính quyền Nam Sudan trục xuất Liu Yingcai, giám đốc Petrodar – một liên doanh dầu khí Trung Quốc-Malaysia, khách hàng lớn nhất của Nam Sudan – vì tội biển thủ một lượng dầu trị giá 815 triệu đô la v.v… Một số quốc gia như Malawi, Tanzania, Uganda và Zambia đặt ra những luật lệ giới hạn lĩnh vực mà công ty Trung Quốc được tham gia kinh doanh nhằm bảo vệ các doanh nghiệp địa phương trong ngành nông nghiệp và bán lẻ.
Thời trăng mật đã qua?
Nhìn lại quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi trong thời gian qua, nhà nghiên cứu người Pháp Anna Alve nhận xét: “Châu Phi và Trung Quốc đã thực sống một thiên tình sử từ một thập kỷ qua. Nhưng tuần trăng mật từ nay đã chấm dứt… Nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, các nước châu Phi ý thức về nguy cơ của một kiểu đô hộ mới”, bà Alve nói trên báo Pháp Le Monde. Còn trên báo Anh Financial Times, ông Lamido Sanusi, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria, tỏ ra gay gắt hơn: “Trung Quốc lấy nguyên liệu của chúng tôi và bán cho chúng tôi sản phẩm công nghiệp. Đây chính là bản chất của chủ nghĩa thực dân”.
Ngoài sự chống đối của người dân mới khởi phát ở châu Phi, Trung Quốc còn phải đương đầu với một thách thức mới: sự cạnh tranh từ các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc – những quốc gia cũng đi theo con đường tìm kiếm tài nguyên và thị trường ở châu Phi mà Trung Quốc đang đi. Thương mại hai chiều giữa châu Phi và Ấn Độ chẳng hạn, đã xấp xỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Lựa chọn châu Phi làm điểm công du thứ hai sau Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn chứng tỏ châu lục này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao, kinh tế của Trung Quốc. Tại điểm dừng chân đầu tiên ở Tanzania, ông Tập đã có bài phát biểu nêu tóm tắt những chính sách của Trung Quốc mà trọng tâm là gia tăng viện trợ và đầu tư ở châu lục này; chẳng hạn Trung Quốc cam kết cung cấp 20 tỉ đô la Mỹ trong 3 năm (2013-2015) để giúp các nước châu Phi phát triển hạ tầng, nông nghiệp và kinh doanh; cấp 18.000 học bổng cho sinh viên châu Phi v.v…
Tại Tanzania – nơi mà Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác than đá, quặng sắt và xây dựng đường sá, ông Tập đã chứng kiến lễ ký kết 16 dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, cảng biển và xây dựng một trung tâm văn hóa Trung Quốc. “Trung Quốc thành thật hy vọng được nhìn thấy các quốc gia châu Phi phát triển nhanh hơn, người châu Phi có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Tập nói.
Tuy nhiên, theo Reuters, ông Tập cũng thừa nhận, quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đang có những căng thẳng. “Trung Quốc đang đối mặt với những hoàn cảnh mới, những vấn đề mới trong quan hệ Trung-Phi. Nhưng Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục cùng với các nước châu Phi tìm ra những giải pháp thực tế để giải quyết một cách thích đáng những vấn đề về thương mại và hợp tác kinh tế để châu Phi thu được nhiều lợi ích hơn từ sự hợp tác này”, ông Tập nói.
Huỳnh Hoa
tbktsg
|