NHTW Nhật Bản công bố chính sách thanh tra tại chỗ hệ thống ngân hàng năm 2013
Vừa qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã công bố báo cáo tổng kết công tác thanh tra hệ thống ngân hàng Nhật Bản năm 2012 và chính sách thanh tra tại chỗ hệ thống ngân hàng nước này trong năm tài khóa 2013.
Liên quan đến chính sách thanh tra tại chỗ năm 2013, BOJ đã đề cập đến các phương pháp tiếp cận cơ bản, bao gồm: các định chế tài chính cần thực hiện mạnh mẽ việc quản lý rủi ro phù hợp với tình hình rủi ro của các định chế đó và tiếp tục duy trì sự quản lý lành mạnh theo các chiến lược kinh doanh được vạch ra một cách rõ ràng để đảm bảo chức năng hợp lý của hoạt động trung gian tài chính.
Hơn nữa, các định chế tài chính cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các rủi ro tiềm ẩn, có nghĩa là những rủi ro rất ít khả năng xảy ra, nhưng khi đã xảy ra thì lại gây ra những tổn thất to lớn. Các định chế tài chính có công ty con ở nước ngoài cũng cần phải ứng phó mạnh mẽ với những thay đổi trong các quy chế quốc tế cũng như công tác thanh tra. Trong bối cảnh đó và căn cứ vào các mối thách thức được nhận biết trong năm 2012, BOJ đã đề ra các biện pháp thanh tra tại chỗ trong năm tài khóa 2013 như sau:
Thứ nhất, BOJ sẽ tiếp tục đánh giá một cách thận trọng tình hình tài chính của từng định chế tài chính đồng thời đánh giá khả năng của các định chế đó trong việc chế ngự các rủi ro. Cụ thể là, BOJ sẽ nắm bắt tình hình rủi ro hiện tại và tương lai về chất lượng danh mục tài sản của các định chế tài chính cũng như cơ cấu tài sản có và tài sản nợ bằng cách đánh giá tài sản của các định chế tài chính cùng với các khoản đầu tư chứng khoán và các hoạt động kinh doanh mới của các định chế đó.
Đối với các định chế tài chính đã tăng hoạt động cho vay và đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, BOJ sẽ kiểm tra cơ cấu tài sản và thanh khoản bằng ngoại tệ của các định chế đó. Sau đó, BOJ sẽ xác định xem ban lãnh đạo của các định chế đó nắm rõ như thế nào về những thay đổi về tình hình rủi ro, và toàn bộ hệ thống của từng định chế tài chính đánh giá rủi ro vả quản lý rủi ro đó như thế nào. BOJ cũng sẽ thông qua công tác thanh tra tại chỗ để đánh giá tỷ lệ an toàn của lợi nhuận trong tương lai, tỷ lệ an toàn vốn và thanh khoản theo các kịch bản khác nhau và đưa ra những ý kiến tư vấn nếu thấy cần thiết.
Trong quá trình này, BOJ sẽ đánh giá xem liệu các định chế tài chính có am hiểu và giám sát trên cơ sở triển vọng trung hạn tác động về lợi nhuận của cơ cấu tài sản có và tài sản nợ hay không và có cân nhắc các biện pháp cần thiết hay không. Đối với các rủi ro tiềm ẩn, BOJ sẽ kiểm tra các định chế tài chính xem các định chế này thực hiện việc kiểm nghiệm áp lực cũng như xây dựng và tính hiệu quả của công tác quản trị rủi ro liên quan đến các hệ thống máy tính và các kế hoạch duy trì kinh doanh như thế nào.
Thứ hai, BOJ sẽ xác nhận một cách thận trọng hơn và đưa ra các khuyến nghị nếu cần thiết về quy trình cấp tín dụng và năng lực giám sát của các định chế cũng như hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ của các định chế đó giúp cho các doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh, và đó chính là những điều thiết yếu giúp cho các định chế thực hiện tốt chức năng trung gian tài chính của mình.
Liên quan đến khả năng mà các định chế tài chính có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh, BOJ sẽ đánh giá liệu các định chế tài chính có thể (1) nắm bắt đầy đủ điều kiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, (2) đưa ra các giải pháp phù hợp với các thách thức về quản lý của các doanh nghiệp đi vay, và (3) thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro tín dụng một cách hợp lý hay không.
Đối với các ngành công nghiệp và các khu vực đặc thù mà các định chế tài chính đã cho vay với số lượng lớn, thì BOJ sẽ xem xét liệu các định chế tài chính có thực hiện một cách hợp lý quy trình xử lý việc cấp tín dụng và giám sát các doanh nghiệp về đặc điểm rủi ro, loại tín dụng, tình hình phát triển trong thị trường tài chính và các ngành công nghiệp hay không, và sẽ kiểm tra có thực hiện tốt các khuôn khổ giám sát liên tục hay không để phát hiện những thay đổi trong khả năng vay mượn của các doanh nghiệp đi vay.
Thứ ba, thông qua công tác thanh tra tại chỗ, BOJ sẽ khuyến khích các định chế tài chính quản trị rủi ro phù hợp với loại hình kinh doanh và tình hình rủi ro, và sẽ đánh giá việc quản trị rủi ro của các định chế này.
Cụ thể là ghi nhận các nỗ lực của các định chế tài chính nhằm tăng lợi nhuận trong khi có sự suy giảm về khả năng sinh lời lõi, BOJ sẽ kiểm tra công tác thanh tra tại chỗ của mình xem ban quản lý cấp cao có hành động để đảm bảo rằng (1) sự nhận biết rủi ro có được chia sẻ đầy đủ khi xây dựng các chiến lược kinh doanh và các kế hoạch lợi nhuận; (2) đã xây dựng được các quy trình quản trị rủi ro tương thích với các chính sách chấp nhận rủi ro; và (3) các chính sách chấp nhận rủi ro được kiểm tra hoặc công tác quản trị rủi ro được cải tiến phù hợp với những thay đổi trong tình trạng rủi ro của các định chế và môi trường bên ngoài. BOJ sẽ đưa ra những ý kiến tư vấn về các vấn đề này nếu thấy cần thiết. BOJ cũng sẽ đánh giá chức năng hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng kiểm toán và các tiểu ban cùng với công tác kiểm toán nội bộ.
Thứ tư, BOJ sẽ tiếp tục thực hiện “công tác thanh tra tại chỗ dựa trên cơ sở rủi ro,” mà BOJ đã từng sử dụng từ năm tài khóa 2008 đến nay. BOJ sẽ nỗ lực nắm bắt tình hình thực tế của các tập đoàn tài chính từng cung cấp các loại dịch vụ tài chính thông qua các đơn vị của tập đoàn.
Đối với các tập đoàn hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, BOJ sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh tra tại chỗ về quản trị rủi ro của các đơn vị hoạt động tại nước ngoài của các tập đoàn này. BOJ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra tại chỗ các hội sở của các định chế tài chính khác từng đối mặt với tình hình rủi ro tăng lên tại hải ngoại để kiểm tra xem các định chế này có nắm vững tình hình hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp đi vay không. Để tăng cường hiệu quả công tác thanh tra tại chỗ, khi cần thiết BOJ sẽ phỏng vấn các ban phòng kiểm toán nội bộ của các định chế được thanh tra trước khi cử các đoàn thanh tra đến nơi làm việc của các định chế này và sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp thường xuyên giữa công tác thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa.
sbv
|