Tìm giải pháp cho việc thu hồi đất
Tinh thần dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhấn mạnh vai trò chủ động của nhà nước trong việc thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế, song cũng có ý kiến cho rằng không nên xem nhẹ vị trí của nhà đầu tư trong việc tham gia vào hoạt động này.
Đây là một trong những vấn đề được đề cập tới trong buổi hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Luật Đất đai sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại TPHCM ngày 20-3.
Luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty luật hợp danh Việt Nam, cho rằng việc thu hồi đất là một thủ tục hành chính pháp lý nhà nước phải ra quyết định thu hồi đất của người đang sử dụng để giao cho chủ thể mới.
Chỉ có điều cách tiếp cận vấn đề này như thế nào, từ góc độ của bên bị thu hồi đất hay bên được giao đất làm dự án hoặc vì quyền lợi của cả hai bên. “Việc thu hồi đất phải được thực hiện công khai minh bạch, sát giá thị trường và đảm bảo lợi ích của cả hai bên, chứ không phải chỉ thực hiện bằng quyết định cưỡng chế thu hồi”, luật sư Anh nói.
Giống như một số ý kiến khác, vị luật sư này cho rằng phương án thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường cần để cho chủ đầu tư và người bị thu hồi đất thỏa thuận. Trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận, nhà nước sẽ thẩm định giá và quyết định giá bồi thường.
Trong bài tham luận của mình, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện, cũng cho rằng để giải quyết những xung đột liên quan đến đất đai và từ kinh nghiệm của các nước, chỉ nên thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế một khi nhà nước có đủ điều kiện tính toán được – mất một cách đầy đủ và chính xác.
Theo ông Điện, “nếu không đủ điều kiện thì cứ để nhà đầu tư tìm cách mua dần từng miếng đất bằng con đường dân sự theo kiểu "vết dầu loang"; nhiều lắm nhà nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư thông qua công cụ quyền ưu tiên mua”.
Tinh thần Luật Đất đai sửa đổi là sẽ thu hẹp đối tượng được giao đất có và không thu tiền sử dụng đất, thay vào đó sẽ chuyển sang hình thức nhà nước cho thuê đất.
Hơn nữa, quy định mới cũng sẽ chặt chẽ hơn trong việc theo dõi tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư. Cụ thể, chủ đầu tư đã được giao đất mà không đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì chỉ được phép gia hạn thêm 12 tháng.
Quá thời hạn dự án sẽ bị thu hồi và không được hoàn lại tiền sử dụng đất và giá trị đầu tư vào dự án. Nói cách khác nhà đầu tư chỉ có ba năm để thực hiện dự án, không thể găm đất để không mãi được.
Một điểm đang chú ý nữa là nhà đầu tư phải có khả năng tài chính, khi thực hiện dự án phải ký quỹ khi đăng ký dự án đầu tư. điều này được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ bớt những nhà đầu tư không có năng lực, đầu tư theo kiểu xí đất để đó.
Ngoài ra, vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn cũng được các đại biểu đặt ra.
Ông Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định, cho rằng đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhưng luôn gắn liền với lãnh thổ quốc gia. Do vậy nên mạnh dạn, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cho nhà đầu tư được thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng nước ngoài để vay vốn sản xuất kinh doanh.
Theo ông Liêm, trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng nước ngoài phát mãi tài sản và quyền sử dụng đất để thu hồi nợ, chứ không thể dịch chuyển đất đai ra nước ngoài.
Đình Dũng
TBKTSG Online
|