Phát ngôn và lập ngôn
Gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các phát ngôn, phát biểu gây sốc dư luận. Nhưng bên trong, nhiều khả năng đó là sự thể hiện tham vọng “lập ngôn” của người phát biểu…
Nhà nhà phát ngôn…
Thật dễ để có được thống kê về tần suất xuất hiện của những phát ngôn, phát biểu gây tranh cãi hay gây sốc của một “nhân vật xã hội” nào đó. “Thượng vàng” thì có cả những vị bộ trưởng, quan chức cấp cao, “hạ cám” có khi chỉ là một cô hay một anh người mẫu, diễn viên tầm tầm nào đó. Những chính sách mới gây tranh cãi cũng có thể được xem là những “diễn ngôn” dạng này ở cấp cơ quan hữu trách.
Cũng như trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều nhân vật xã hội đang có tham vọng biến những phát ngôn của mình thành những lập ngôn
|
Một cô người mẫu chân quê chưa mấy ai biết tới chỉ qua một đêm đã có thể nổi tiếng với những phát biểu “hồn nhiên chân chất”. Một vị đại biểu hay một quan chức trở thành “nhân vật” không phải bằng tài năng, khả năng quản lý điều hành mà chỉ bằng những phát biểu liều lĩnh theo kiểu “đánh bạc”. Một cơ quan chẳng mấy ai quan tâm bỗng nhiên trở thành tiêu điểm xã hội khi đưa ra những dự thảo, thông tư, nghị định... thiếu hợp lý đến mức gây tranh cãi ồn ào.
Dư luận tiếp nhận hiện tượng xã hội này với nhiều thái độ khác nhau: tranh cãi, phê phán, đả kích, phẫn nộ, trào lộng, hài hước… Thế nhưng, cũng có cả thái độ trông chờ những phát ngôn “phi chuẩn” như trông chờ những hứa hẹn thay đổi mang tính tích cực cho xã hội.
Bộc phát hay chủ ý?
Dù có được chống chế là những phát biểu mang tính cá nhân, nhưng qua hầu hết các phát biểu gây sốc của một số vị quan chức, người ta dễ nhận ra giọng điệu “có gang có thép” thể hiện trong đó. Các vị không thể lấy tư cách cá nhân ra để phát biểu vì họ đang giữ những vai trò xã hội đòi hỏi phải có những quan điểm và cách hành xử tương ứng với vai trò xã hội ấy.
Hàng loạt chính sách mới được đưa ra gần đây cũng đang trong tình trạng gây tranh cãi tương tự. Có những chính sách phi lý, khi đưa ra dự thảo hay thực hiện đã bị “tuýt còi” liền được rút lại. Có những dự thảo, nghị định, thông tư chỉ là “vẽ rắn thêm chân” do đã có luật định, gây phiền hà, hoang mang trong dư luận như đề xuất cho phép bắn người chống người thi hành công vụ của bộ Công an. Những chính sách mới này đều mang hơi hướm của loại chính sách “thử và sai”, chứng tỏ năng lực dự trù, quy hoạch và lập chính sách của các cơ quan này là yếu kém.
Chủ nghĩa slogan?
Có thể cảm nhận, cũng như trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều nhân vật xã hội đang có tham vọng biến những phát ngôn của mình thành những lập ngôn. Hàng loạt những ngôi sao giải trí, quan chức, nhà kinh doanh đang nỗ lực biến những câu nói của mình thành những câu châm ngôn mới, những ngạn ngữ, thành ngữ, những “slogan” mới.
Trước hết, những phát ngôn và hành động nào đó, dù hợp lý hay “ngớ ngẩn”, cũng là để chứng tỏ sự tồn tại của một chủ thể nào đó. Cứ thử hỏi, một nhân vật, một cơ quan, nếu chẳng làm gì thì sao chứng tỏ được sự tồn tại của mình? Sau nữa, nếu chỉ cần một phát ngôn hay hành vi mà có thể “đóng đinh” được tên tuổi, “thương hiệu” của mình thì sao người ta lại từ chối một phương tiện dễ dàng thuận lợi đến thế!
Đó là nguyên do vì sao một số quan chức hay ngôi sao mới nổi thường phát biểu “bạt mạng” nhằm gây chú ý. Dư luận có thể tỏ thái độ bất mãn hay không với những “nhà lập ngôn” mới này, nhưng cũng có thể nhờ vậy người ta mới hiểu được phần nào năng lực thực sự của họ.
Đoàn Đạt
sài gòn tiếp thị
|