Ông Lê Hùng Dũng: Thương hiệu vàng SJC trị giá trên 100 triệu USD
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, SJC hiện chiếm hơn 90% thị phần trong nước và ước tính có giá trị thương hiệu trên 100 triệu USD.
Trong buổi phỏng vấn trực tuyến chiều 04/03 trên VNExpress, trả lời thắc mắc của độc giả về việc thương hiệu SJC được xây dựng hàng chục năm qua, nhưng lại chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước vô điều kiện, ông Dũng cho biết bình thường nếu là thương hiệu của một tư nhân thì phải có giá trị thương quyền. Theo các chuyên gia chuyên về định giá thương quyền thì với một thị trường như Việt Nam với hơn 90 triệu dân, có sức tiêu thụ lớn trong khu vực, SJC lại chiếm hơn 90% thị phần thì ước tính giá trị thương hiệu SJC trên 100 triệu USD.
Tuy nhiên, vì đây là lợi ích quốc gia, nhằm ổn định thị trường vàng như Nghị định 24 đã đưa ra và nhằm chống buôn lậu, gây áp ực tỷ giá... Hơn nữa, đây là đơn vị của Nhà nước nên khi Chính phủ có yêu cầu thì mình phải giao cho Ngân hàng Nhà nước vô điều kiện.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh của SJC sau khi chuyển nhượng thương hiệu này cho NHNN. Cụ thể, ông cho biết, trước đây SJC có hai mảng kinh doanh chính là vàng nữ trang (mang lại 20% doanh thu), vàng miếng (chiếm 80% doanh thu). Nay kinh doanh vàng miếng bị thắt chặt buộc SJC phải tái cấu trúc. Giờ đây, công ty phải đẩy mạnh sang kinh doanh nữ trang. Do đó, dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ giảm khoảng 60% so với 2012.
Việc tái cấu trúc SJC được thực hiện theo hai hướng. Thứ nhất, công ty sẽ phát triển dòng sản phẩm nữ trang cao cấp (đã đầu tư 150 tỷ đồng xây nhà máy ở Tân Thuận, quận 7, TP HCM). Thứ hai, SJC sẽ phát triển hệ thống đại lý phân phối, nhượng quyền. Theo hướng phát triển này, ông Dũng chắc rằng, những năm tới nữ trang cao cấp của SJC sẽ phát triển mạnh.
3 yếu tố tác động đến giá vàng
Dự báo về diễn biến của thị trường vàng trong năm 2013, ông Dũng cho rằng, thị trường sẽ phụ thuộc vào 3 điều kiện.
Thứ nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ có tiếp tục sử dụng Gói nới lỏng định lượng (QE3) hay không. Đây là nhân tố quan trọng để giá vàng tăng, bởi nếu dùng QE3, mỗi tháng Mỹ tung ra thị trường 80 tỷ USD tiền mặt để mua trái phiếu Mỹ. Đây thực chất là hành động tung tiền để giảm giá đồng USD, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu của Mỹ. Khi đó, giá thành của Mỹ sẽ rẻ hơn, thúc đẩy cạnh tranh hàng Mỹ đối với hàng nước khác, công ăn việc làm của Mỹ được đảm bảo. Nếu QE3 và chỉ số việc làm của Mỹ trên 9% thì đây là nhân tố thúc đẩy giá vàng tăng. Như vậy, kinh tế Mỹ trì trệ cộng với thất nghiệp thì giá vàng tăng.
Thứ hai, giá vàng phụ thuộc vào kinh tế Châu Âu. Năm 2013-1024, châu Âu khó thoát khỏi khủng hoảng do nợ công, thất nghiệp cao (trên 19 triệu người), sản suất trì trệ, Châu Âu còn học Mỹ chuyện phá giá đồng tiền.
Thứ ba, giá vàng phụ thuộc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, trì trệ hay phát triển. 3 yếu tố này quyết định giá vàng. Trong đó nguyên nhân 1 quan trọng nhất mà kết hợp cả 2 nguyên nhân trên nữa thì vàng tăng từ 1,750 USD/oz trở lên. Kinh tế Mỹ phát triển tốt thì giá vàng dưới 1,500 USD/oz.
Tóm lại, nếu kinh tế Mỹ phát triển, nhà đầu tư sẽ mua trái phiếu Mỹ. Nếu trì trệ, trái phiếu mất giá, đồng tiền Mỹ mất giá thì họ chuyển sang đầu tư vàng. Nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ để đoán biết xu hướng giá vàng trong 2013.
Sanh Tín (Vietstock)
ffn
|