Thứ Hai, 04/03/2013 15:12

Đẩy nhanh tiến độ bình ổn thị trường vàng

Nguồn cung vàng miếng SJC dự kiến sẽ được tung ra nhiều hơn trong thời gian tới khi vàng tạm xuất, tái nhập được chuyển thành vàng SJC; cộng thêm lượng vàng NHNN sẽ bán ra vào các phiên đấu thầu vàng miếng thì nguồn cung vàng sẽ tăng đáng kể.

Gia tăng nguồn cung

Điểm đáng chú ý nhất trên thị vàng tuần qua là ngày 26/2 NHNN ký kết Hợp đồng gia công vàng với SJC. Sự kiện này đã khiến giá vàng trong nước giảm khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới tăng mạnh (tại thị trường châu Á, giá vàng đang tăng 1,6 USD/ounce).

Ngày 27/2, dù giá vàng thế giới vẫn tăng, giá vàng trong nước giảm thêm 300.000 đồng/lượng. Ngày 28/2, giá vàng tiếp tục giảm khoảng 700.000 đồng/lượng rơi xuống dưới 43 triệu đồng/lượng - mức thấp nhất trong vòng 12 tháng qua. Ngày 1/3 giá vàng trong nước giảm thêm 50.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới phục hồi nhẹ, khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới xích lại gần nhau hơn.

Bằng chứng này phần nào cho thấy niềm tin của người dân vào nỗ lực bình ổn thị trường, đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới của NHNN.

Tuy nhiên, do nhu cầu mua vào của người dân tăng, thêm vào đó, các TCTD đang tiếp tục thực hiện việc tất toán tài khoản vàng theo quy định của NHNN. Vì vậy, dù nguồn cung vàng tăng, nhưng chưa thực sự đáp ứng đủ cầu, nên khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng đã được thu hẹp đáng kể

Lãnh đạo một NHTM lớn cho biết: lượng vàng người dân gửi vào ngân hàng gồm vàng của nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng khi rút ra ai cũng muốn “đổi” thành vàng SJC. Trong bối cảnh thị trường có nhiều cạnh tranh như hiện nay, việc “giữ chân” khách hàng rất quan trọng. Vì ngoài sản phẩm vàng, khách hàng đã, sẽ còn sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng.

Do đó các NHTM vẫn đáp ứng yêu cầu này của người gửi vàng, dù họ sẽ phải mất thêm chi phí cho việc chuyển đổi thương hiệu vàng để chi trả cho người gửi (NHNN yêu cầu các TCTD không được thu phí của dân khi người gửi muốn đổi vàng thương hiệu khác thành SJC lúc rút ra).

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân, NHNN đã cho phép một số TCTD tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành SJC. NHNN cho biết, nếu không thực hiện phương án này Công ty SJC sẽ phải mất thêm 6 tháng để hoàn thành việc kiểm định, gia công lượng vàng phi SJC có nhu cầu chuyển đổi.

Theo lãnh đạo NHNN, vàng tạm xuất sẽ được tái nhập ngay trong ngày (không phải tạm nhập, tái xuất như thông tin trên một số báo). Các TCTD tạm xuất, tái nhập sẽ dùng tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài để đặt cọc thực hiện hợp đồng. Sau khi đối tác kiểm đếm, tính toán chi phí và chuyển vàng, thì tiền đặt cọc sẽ được ngân hàng lấy lại. Chính vì thế, việc tạm xuất, tái nhập vàng không gây áp lực cho tỷ giá, không gây biến động tỷ giá trong nước.

Nguồn cung vàng miếng SJC dự kiến sẽ được tung ra nhiều hơn trong thời gian tới khi vàng tạm xuất, tái nhập được chuyển thành vàng SJC; cộng thêm lượng vàng NHNN bán ra vào các phiên đấu thầu vàng miếng thì nguồn cung vàng sẽ tăng đáng kể.

NHNN: Người kiến tạo thị trường

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 yêu cầu NHNN: “…khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”. Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đang từng bước thực hiện các giải pháp bài bản, đồng bộ với lộ trình và bước đi phù hợp thực tế để bình ổn thị trường, thu hẹp dần khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới.

Việc cấp phép cho các TCTD, DN đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng đã tạo hệ thống hạ tầng “quy lát” cho thị trường vàng hoạt động, đáp ứng nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân. Thậm chí, một số NHTM Nhà nước lớn còn xác định, họ tham gia thị trường vàng là nhiệm vụ chính trị, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận. Điều đó cho thấy, NHNN không chỉ đưa ra cơ chế, chính sách mà có những công cụ cần thiết để thực thi chính sách.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mua bán vàng miếng của NHNN trên thị trường trong nước. Cũng có ý kiến cho rằng, như vậy là NHNN sẽ tham gia “kinh doanh” vàng. Điều này là không đúng. Lãnh đạo NHNN khẳng định: NHNN tham gia thị trường với vai trò kiến tạo, người bán cuối cùng, nhằm ổn định thị trường, chứ không phải kinh doanh kiếm lời.

Cùng với việc thiết lập hệ thống mạng lưới kinh doanh vàng miếng; NHNN đã ký kết Hợp đồng gia công vàng với Công ty SJC (từ nguồn vàng nguyên liệu của NHNN) nhằm chuẩn bị sẵn nguồn vàng miếng để can thiệp thị trường khi cần thiết.

Chức năng cơ bản của NHNN là quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và chức năng Ngân hàng Trung ương; quản lý Nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNN… Hơn nữa, thu, chi tài chính của NHNN về nguyên tắc thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật NHNNN Việt Nam; và theo Điều 16 quyết định số 07/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 24/1/2013) quy định về chế độ tài chính của NHNN Việt Nam.

Chênh lệch thu, chi hàng năm của NHNN sau khi trừ phần kinh phí khoán trên chênh lệch thu, chi theo cơ chế khoán, NHNN còn phải trích lập quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Trích lập quỹ dự phòng tài chính; đóng góp vào các tổ chức quốc tế mà NHNN là đại diện cho Chính phủ Việt Nam. Số còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy nếu NHNN có phần kết dư trong hoạt động trên thị trường vàng thì phần đó sẽ được chuyển về ngân sách Nhà nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng vàng hóa nền kinh tế gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1: là xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; giai đoạn 2: chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD và giai đoạn 3: chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua bán vàng miếng; Nhà nước sẽ huy động nguồn vốn bằng vàng thông qua việc mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cung ứng vốn cho nền kinh tế. 

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Giá vàng ít biến động, USD tự do vượt 21.200 đồng (04/03/2013)

>   Lô vàng đầu tiên của NHNN ra thị trường (04/03/2013)

>   Rút ròng kỷ lục khỏi quỹ đầu tư vàng và kim loại quý (04/03/2013)

>   Đấu thầu để giảm giá vàng (04/03/2013)

>   Có thể từ bỏ thói quen trữ vàng (04/03/2013)

>   Mua bán vàng miếng: Bình ổn có... ổn? (03/03/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước chưa đấu thầu vàng miếng (03/03/2013)

>   Thị trường vàng tít mù rồi lại vòng quanh (03/03/2013)

>   Giá vàng tuần tới: Xu hướng giằng co mạnh sẽ tiếp tục? (03/03/2013)

>   Chênh giá khi chuyển đổi vàng phi SJC vào túi ai? (03/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật