Nhà ở thương mại bình dân không sợ cạnh tranh
Với nhiều chính sách ưu đãi, nhà ở xã hội được dự báo sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký của nhà ở thương mại giá thấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu tư phân khúc nhà ở thương mại giá thấp lại không lo lắng về điều này.
Rất ít doanh nghiệp bất động sản TP. HCM mặm mà với nhà xã hội
|
Dù nhận được nhiều ưu đãi như được tiếp cận gói tín dụng lãi suất ưu đãi 6%, miễn tiền đất, thuế VAT…, nhưng có rất ít doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phân khúc này, mà phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước hoặc do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Ở phân khúc này, lợi thế gần như nghiêng hẳn về các “ông lớn” có nguồn gốc Nhà nước như Vinaconex, Viglacera, HUD, Handico, Idico, bởi các doanh nghiệp này có quỹ đất sạch lớn, có điều kiện dễ hơn để tiếp cận nguồn vốn vốn giá rẻ.
Lý giải nguyên nhân này, nhiều doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp tư nhân không có quỹ đất sạch lớn như các doanh nghiệp nhà nước, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng khó khăn hơn. Trong khi đó, mức lợi nhuận và đối tượng mua nhà xã hội bị khống chế, chưa kể mua nhà xã hội phải 5 năm mới được mua đi, bán lại nên không hấp dẫn người mua. Vì vậy, phát triển nhà ở xã hội không được các doanh nghiệp tư nhân mặn mà.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, do nhà ở xã hội là loại hình có điều kiện, nên Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp mà Nhà nước quản lý được, không thể ưu đãi tràn lan. “Các doanh nghiệp khác nếu có điều kiện và phát triển nhà ở xã hội hoặc nhà ở giá thấp, Chính phủ và Bộ Xây dựng rất hoan nghênh”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, trong khi mặt bằng giá và mức tranh về nhà xã hội chưa được định hình, thì nhiều doanh nghiệp địa ốc TP. HCM tập trung vào đầu tư phân khúc nhà ở thương mại giá thấp, bởi theo ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định, phân khúc này hiện có thanh khoản khá tốt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho biết, do nhà xã hội có giá chỉ thấp hơn vài chục triệu đồng/căn so với nhà ở thương mại (tại Hà Nội, giá của các dự án nhà ở xã hội hiện ở mức trung bình 10,3 - 11,7 triệu đồng/m2, tương đương với giá của Chung cư Đại Thanh - PV), trong khi phải 5 năm mới được mua đi bán lại, sản phẩm lại còn chưa hình thành, nên khó cạnh tranh được với nhà ở thương mại giá thấp.
“Trước đây, khi thị trường đang nóng, nhà tái định cư dù có giá thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại cũng không bán được do có nhiều ràng buộc”, ông Đực đánh giá.
Có nhiều ý kiến lo ngại, việc các doanh nghiệp chạy đua xây dựng nhà giá thấp sẽ kiến phân khúc này bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh cho biết, việc này sẽ khó xảy ra, bởi các doanh nghiệp hiện nay không còn mạnh ai nấy làm như trước, mà đang có xu hướng “bắt tay nhau” để phát triển dự án. Việc các doanh nghiệp hợp tác với nhau đã tận dụng được thế mạnh của hai bên (bên có quỹ đất sạch, bên có kinh nghiệm và nguồn lực tài chính…), nên sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm. Chính những “cái bắt tay” này đã giúp thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần lên.
Trung Kiên
Đầu Tư Chứng Khoán
|