Giải phóng đô thị ma
Tại Liverpool (Anh), 20 căn nhà trong một khu tái định cư sẽ được chính quyền thành phố này đem bán với giá 1 bảng anh, với điều kiện người chủ mới phải tân trang lại căn nhà. Nguyên nhân là công ty bất động sản trúng gói thầu tại khu này đã không thể đáp ứng được yêu cầu về tiến độ xây dựng và các căn nhà bị bỏ hoang từ tháng 11 năm ngoái. Việt Nam cũng có không ít khu đô thị bị bỏ hoang như thế. Vậy có nên bán nhà, đất tại những khu này với giá cực rẻ như người Anh đang làm?
Các khu đô thị bị bỏ hoang là một sự lãng phí rất lớn.
|
Bán nhà giá 1.000 đồng, tại sao không?
Hà Nội hiện có khoảng 40 khu đô thị mới đã xây dựng xong các công trình nhà ở, trong đó chỉ hơn 10 khu có dân cư đến sinh sống. Điển hình là Khu Đô thị mới An Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Dự án này về cơ bản gần như đã hoàn thành nhưng hàng trăm biệt thự vẫn bị bỏ hoang vì khách hàng không chịu nhận nhà.
Dự án nhà ở thương mại Tiên Sơn (Bắc Ninh) do Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera làm chủ đầu tư với quy mô 23,75 ha có tổng cộng 282 căn hộ, nhưng cũng chỉ có gần chục căn được sử dụng.
Cũng tại Bắc Ninh, Khu Đô thị Nam Từ Sơn có diện tích 22,5 ha với 93 căn biệt thự cao cấp đã hoàn thiện về cơ bản nhưng cho đến nay chỉ một vài ngôi nhà có người ở. Dự án này do Công ty Thiên Đức triển khai từ năm 2000.
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai có những khu đất nông nghiệp bị biến thành đất đô thị mà cỏ vẫn mọc um tùm từ nhiều năm nay. Hàng trăm khu đô thị mới mọc lên, ngốn hàng núi tiền để rồi chỉ để làm bãi chăn thả gia súc hoặc bỏ hoang. Các khu đô thị mới tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), chẳng hạn, hình thành đã hơn 10 năm nhưng nay chỉ chưa tới 5% là có người ở.
Những khu đô thị như vậy là một sự lãng phí rất lớn. Nếu bán đất nền hoặc nhà với giá rẻ, yêu cầu người mua sửa chữa rồi dọn đến ở thì ít ra bộ mặt đô thị sẽ bớt nhếch nhác hơn. Đây có thể là một lối ra cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, vấn đề là các chủ đầu tư có chịu hay không. Nếu họ không đồng ý, Nhà nước có thể can thiệp. Chẳng hạn như sau 1 hoặc 2 năm mà khu đô thị không được hoàn chỉnh thì họ phải bán đi và bán với giá rẻ.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc xử lý các đô thị để hoang này là việc rất khó nhưng phải quan tâm. “Cần căn cứ từng khu đô thị, dự án để đưa ra hướng tháo gỡ. Tôi ví dụ nếu gần các khu công nghiệp thì cần tính toán hạ giá để phục vụ nhu cầu của người lao động trong khu công nghiệp”, ông nói.
Để nước ngoài mua nhà hạng sang
Có một phần không nhỏ trong số những căn nhà tồn kho là thuộc phân khúc nhà ở hạng sang. Giá đắt, nền kinh tế khó khăn nên chẳng mấy người đủ tiền mua những căn nhà này. Vì vậy, đã có đề xuất nên cho phép người nước ngoài được mua nhà ở chung cư hạng sang để giải phóng bớt lượng hàng tồn.
Tiến sĩ Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, cho rằng nhiều người mua ở nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có đủ tiền để mua các loại nhà ở cao cấp. Điều này có thể giúp kích thích làn sóng mua bất động sản cao cấp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng cần cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam để cải thiện sức mua và tăng lượng tiền mặt cho thị trường địa ốc. Đương nhiên, phải có quy định đi kèm: giá căn hộ không thấp hơn 30 triệu đồng/m2 và chỉ được mua căn hộ tại những dự án được quy hoạch hoàn chỉnh hoặc khu vực được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp phép.
Nhiều nước đã cho phép người nước ngoài mua nhà nhằm kích thích thị trường bất động sản. Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch cấp giấy phép cư trú dài hạn cho người nước ngoài nếu họ mua bất động sản có giá tối thiểu 200.000 USD. Bồ Đào Nha và Ireland đã thực hiện chương trình tương tự trong năm nay.
Một số quốc gia Đông Nam Á cũng có chính sách sở hữu nhà dành cho người nước ngoài. Singapore đã cho phép người nước ngoài được mua nhà (nhà chung cư tư nhân và nhà ở riêng lẻ). Còn Malaysia thì tiếp tục thúc đẩy chương trình “Malaysia - ngôi nhà thứ hai của tôi” nhằm khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại đây.
Tất nhiên, việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà không hề dễ. Theo Bộ Xây dựng, sẽ rất phức tạp nếu cho phép người nước ngoài được mua nhà ở riêng lẻ gắn với quyền sử dụng đất. Trên thực tế, có nhiều trường hợp diện tích nhà nhỏ nhưng diện tích đất lại rất lớn, đến hàng ngàn mét vuông. Hoặc nếu xuất hiện tình trạng gom đất của các nhà ở xung quanh để tạo thành khu biệt lập lớn thì sẽ rất khó khăn cho việc quản lý. Hơn nữa, điều này lại liên quan đến an ninh và chủ quyền đất nước.
Ngọc Trung
NHỊP CẦU ĐẦU Tư
|