M&A bất động sản: Nhà đầu tư nắm tiền mặt thắng thế
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản sẽ gia tăng mạnh trong năm 2013 và phần thắng sẽ đến với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.
“Mở hàng” bằng M&A
Dòng sản phẩm chính của hoạt động M&A bất động sản năm 2013 là các căn hộ, dự án bình dân
|
Quý I/2013 đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A bất động sản thành công, báo hiệu một năm M&A sôi động trong lĩnh vực bất động sản.
Điển hình là thương vụ Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) mua lại dự án quy mô 2.000 căn hộ, rộng 3,6 ha với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn và dự án gồm 4 khối nhà, quy mô 3,2 ha ở quận Gò Vấp. Trước đó, cuối năm 2012, Đất Xanh cũng đã hoàn tất thương vụ mua 2 dự án căn hộ của Công ty Thiên Lộc và 1 dự án của Công ty Gia Phú.
Mới đây, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cũng thông báo đã thoái vốn thành công tại Dự án Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) với giá trị chuyển nhượng 80 tỷ đồng. Thương vụ Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh bán Dự án Căn hộ chung cư Nhất Lan (quận Bình Tân, TP.HCM) cho Công ty Bất động sản Danh Khôi Á Châu cũng vừa được hoàn tất.
Tại miền Bắc, Quỹ đầu tư VinaLand của VinaCapital cũng chuyển nhượng thành công Dự án tại 30 - Nguyễn Du (Hà Nội) cho Vinataba, thu về 3,3 triệu USD; Công ty TNHH Sông Hằng thông báo rót 500 tỷ đồng vào Dự án Hattoco (110 - Trần Phú, quận Hà đông, Hà Nội) để nắm quyền chi phối và tái khởi động Dự án sau hơn 1 năm dừng triển khai.
Những chuyển động trên cho thấy, bất động sản đang bước vào giai đoạn thanh lọc dữ dội. Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với tồn kho lớn, áp lực lãi vay, nợ xấu cao, thì M&A là cách khả dĩ nhất để doanh nghiệp cơ cấu lại danh mục đầu tư và là cơ hội cho nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm năng mở rộng thị trường.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) nhận định, năm 2013 là cơ hội của các nhà đầu tư nắm tiền mặt, vì sẽ có không ít doanh nghiệp, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài rút lui, hoặc chuyển nhượng dự án.
Đón sóng ngoại binh
Nếu năm 2012 xu hướng các nhà đầu tư nội lấn át nhà đầu tư ngoại trong thu gom các dự án bất động sản, thì năm 2013 được đánh giá yếu tố ngoại sẽ chi phối chủ yếu hoạt động mua lại trên thị trường bất động sản.
“Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Malaysia sẽ đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua bán dự án. Trong đó, nhà đầu tư Singapore chuộng dự án ở khu vực ngoại ô, Malaysia thì xây đô thị. Riêng nhà đầu tư Nhật Bản lại chọn khu vực trung tâm, những dự án có thể phát triển thành khu thương mại”, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT nhận định.
Theo ông Lê Chí Hiếu, năm 2013, M&A bất động sản sẽ chứng kiến sự tham gia của khối ngoại. “Nhiều nhà đầu tư ngoại đang tiếp cận các chủ đầu tư để mua lại dự án với giá hời”, ông Hiếu nói.
Xu hướng M&A bất động sản năm 2013 là tỷ lệ giao dịch thành công sẽ tăng cao do giá giảm sâu và người mua cũng quyết tâm mua. Có thể sản phẩm đó sẽ được sử dụng vào các mục đích, như xây dựng văn phòng, trụ sở kết hợp cho thuê, siêu thị, khách sạn… Ngoài những giao dịch mua đứt dự án, thị trường sẽ xuất hiện xu hướng liên kết, hợp tác giữa công ty trong nước với nước ngoài, hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Trong đó, nhà đầu tư mới sẽ nắm cổ phần chi phối.
Dòng sản phẩm chính của hoạt động M&A bất động sản năm 2013 là các hạng mục căn hộ, các dự án bình dân có giá dưới 17 triệu đồng/m2 và tiến độ sắp hoàn thành.
Các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư không nên mua từng dự án, mà nên mua cả tài sản của công ty thông qua thị trường chứng khoán. Bởi hiện tại, cổ phiếu của các công ty bất động sản đang có giá trị giao dịch thấp hơn giá trị tài sản thực tế.
Hữu Tuấn
đầu tư
|