Lãi suất thấp có phải là giải pháp hữu hiệu...?
6% là mức lãi suất cho vay mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến áp dụng cho những đối tượng vay để mua nhà, đây là lời phát biểu của ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN.
Theo đó, một gói Tín dụng từ 20 – 40 nghìn tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất này được áp dụng cho thời hạn vay lên đến 10 năm. Dự kiến, NHNN sẽ hoàn thiện các dự thảo hướng dẫn về những điều khoản hỗ trợ cho người mua nhà thu nhập thấp ngay trong quý I-2013.
Ngay sau khi thông tin được đưa ra, nhiều người dân tỏ ra “băn khoăn” về tính khả thi của gói tín dụng. Theo chị Phương, trú ở quận Hà Đông, Hà Nội từ trước đến nay cũng có khá nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, song việc “tiếp cận” không phải là dễ. Hơn nữa, các tiêu chí cũng như đối tượng cần tiền để mua nhà cũng chưa rõ ràng. Liệu thực sự những người có thu nhập thấp được hưởng ưu đãi này không? Đây cũng là một vấn đề được nhiều người dân đặt ra trong các gói tín dụng cho vay với lãi suất thấp.
Theo anh Sơn, Giám đốc Cty Đại Cát, đây là một chủ trương đúng của NHNN trong việc tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Hiện nay, BĐS khá trầm lắng, một phần là do kinh tế khó khăn nhưng phần nhiều là do sự tin tưởng của người dân vào BĐS đã bị suy giảm. Điều đó thể hiện ngay trên giao dịch của thị trường, nhiều căn hộ đã giảm giá mạnh nhưng vẫn không có nhiều người đến xem, chứ chưa nói gì đến việc mua. Trên thực tế, quan hệ cung – cầu trên thị trường không quá cách xa, vẫn còn rất nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở.
Có lẽ, mấu chốt vấn đề ở đây chính là “giao điểm” giữa cung – cầu trên thị trường. Nhà đầu tư (nguồn cung) thì không còn vốn hoặc còn cũng không “tung ra” để hoàn thiện các công trình dang dở, bởi họ cũng không thể khẳng định được xây xong có người mua hay không? Còn đối với người dân (nguồn cầu) thì họ đang “sợ” khi đóng tiền mua nhà nhưng chủ đầu tư lại sử dụng vào mục đích khác. Lúc đó, cho dù lãi suất có hạ xuống 6% hay thấp hơn nữa thì người dân cũng không “mặn mà” trong việc vay mua nhà.
Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng thị trường BĐS vẫn ảm đạm và bế tắc. Có lẽ, NHNN cần phải xây dựng và tạo dựng lại “niềm tin” của người dân vào BĐS. Liệu thay vì người dân trực tiếp giao dịch với chủ đầu tư thì ngân hàng nên là người đứng ra làm việc này? Ngân hàng có nên đóng vai trò là người bảo lãnh cho cả người dân lẫn chủ đầu tư BĐS...?
Theo một số chuyên gia, điều này có tính khả thi và có thể thực hiện được. Bởi vấn đề ở đây chính là “niềm tin” của người dân đối với chủ đầu tư công trình. Ngân hàng hoàn toàn có thể đứng ra bảo lãnh thanh toán cho chủ đầu tư về số tiền mua nhà. Đồng thời, cũng đứng ra bảo lãnh người dân sẽ được nhận nhà theo đúng tiến độ công trình, đảm bảo số tiền đi vay được thực hiện đúng với mục đích vay. Tuy nhiên, một vấn đề nữa hiện nay là đến bản thân ngân hàng cũng không còn “niềm tin” vào các chủ đầu tư BĐS. Có lẽ đây chính là hệ lụy của việc đẩy giá, đầu tư dàn trải cũng như “rút ruột” công trình... của một số DN xây dựng và kinh doanh BĐS.
Mặt khác, việc phân loại và xác định người dân có thu nhập thấp cũng là một vấn đề được đưa ra. Thu nhập như thế nào và bao nhiêu được cho là người có thu nhập thấp? Ai là người đứng ra xác minh việc này, hay chính là ngân hàng, những người thừa hành chính sách mà Nhà nước đưa ra trong việc cho vay? Nhiều người đánh giá, đây là một khâu quan trọng và thường dễ phát sinh tiêu cực. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thì có hạn nhưng nhu cầu vay thì nhiều, phí “bôi trơn” liệu có phát sinh vì nguyên nhân này?
Nên chăng, đối với những gói tín dụng ưu đãi kiểu này, NHNN nên đóng vai trò “bảo lãnh” đối với cả người mua lẫn người bán. Đồng thời, công khai danh sách các đối tượng “may mắn” được vay với lãi suất thấp.
Điều đó sẽ giúp gói tín dụng được triển khai hiệu quả, minh bạch hơn. Mặt khác, người dân cũng có thể phát hiện và phản ánh với các cơ quan chức năng cũng như NHNN những trường hợp không thuộc diện vay ưu đãi nhưng vẫn được vay ưu đãi, hạn chế dần nạn “tiêu cực” trong việc triển khai các chính sách của Nhà nước.
Nguyễn Tuấn
Pháp luật & xã hội
|