Kỷ nguyên Tập - Lý chính thức bắt đầu
Những ngày tới, bộ trưởng tài chính và ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Bắc Kinh để tiếp xúc với một ban lãnh đạo được coi là có bản lĩnh.
Ngày 17.3, chính phủ mới của Trung Quốc đã có cuộc họp báo đầu tiên. Tuy nhiên, Chủ tịch/Tổng bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Trung Quốc thực chất đã điều hành quốc gia này từ bốn tháng trước đây, nhưng tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc vào cuối tuần qua, họ mới chính thức được bầu chọn.
Vài giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện vừa để chúc mừng vị tân Chủ tịch, vừa bày tỏ quan ngại về một số vấn đề như nạn tin tặc và Bắc Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Lý Khhắc Cường.
|
Trong những ngày tới, bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew và Ngoại trưởng John Kerry sẽ bay sang Bắc Kinh để tiếp xúc với ban lãnh đạo mới được coi là có bản lĩnh.
Hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”
Từ nay, khi Tập Cận Bình chính thức làm Chủ tịch Trung Quốc sau kỳ họp Quốc hội chuyển giao quyền lực 10 năm một lần, “giấc mơ Trung Hoa” ngày càng trở thành biểu tượng của ông.
Điều này được xem như là sự phục hưng dân tộc Hoa hạ. Và ông Tập đã thổi vào đó làn gió quân sự mạnh mẽ. “Giấc mơ này có thể nói là ước mơ về một quốc gia hùng cường. Và trong quân đội, đó là giấc mơ về một quân đội mạnh mẽ”, ông Tập nói như thế với thủy thủ trên boong tàu khu trục gắn tên lửa tuần tra quanh khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông tháng 12.2012.
Sau khi trở thành Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình đã liên tiếp nhắc đến cụm từ “giấc mơ Trung Hoa” như là biểu hiện mạnh mẽ cho quyết tâm tạo dựng một Trung Quốc lớn mạnh dẫn đầu thế giới, kể cả về quân sự.
Cụm từ thường được ông Tập nhắc đến trùng lặp với tên của cuốn sách do một đại tá của PLA Lưu Phúc Minh. Ba năm trước, ông Lưu viết cuốn “Giấc mơ Trung Hoa”, trong đó chủ yếu nói về những mục tiêu mới của Trung Quốc vượt qua sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ và dự đoán một cuộc đua marathon giành quyền thống trị toàn cầu.
Cuốn sách này từng bị ngừng phát hành do những lo ngại có thể gây tổn hại đến quan hệ với Mỹ.
Trong 100 ngày đầu tiên lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình liên tiếp thực hiện các chuyến thăm cấp cao tại các lực lượng quân đội, không quân, các chương trình không gian và các cơ sở tên lửa, điều mà cả hai người tiền nhiệm trước đây của ông, cả Giang lẫn Hồ đã không làm.
Ông đã lãnh đạo các phản ứng quân sự của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Thêm vào đó, ông cho tăng cường nâng cao năng lực của các lực lượng vũ trang để “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh” như chính lời ông tuyên bố.
Ông Tập đã cho thành lập một cơ quan thống nhất để chỉ huy tất cả vấn đề về biển, đặc biệt là đối với Biển Đông.
Với tất cả hành động ấy, nhiều chuyên gia và các nhà phân tích tin rằng ông Tập Cận Bình đang tạo ra cho mình phong thái của một nhà lãnh đạo quân sự mạnh mẽ và theo đuổi một thế giới quan cứng rắn, được thiết kế bởi các tướng lĩnh cho rằng Mỹ đang suy giảm và Trung Quốc trở thành sức mạnh quân sự lãnh đạo ở châu Á.
Dường như ông Tập đang tạo ra một thời gian/không gian đầy căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và có khả năng gây nguy hiểm cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng cũng có nghi ngờ rằng ông Tập chỉ cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý tới các vấn đề có thể làm chệch đà tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt là quốc nạn tham nhũng, một vấn đề được đánh dấu bởi vụ bê bối Bạc Hy Lai vào năm ngoái.
Cũng từ nay, nhân vật số hai của đảng /nhà nước Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ có cơ hội để kiểm chứng những tổng kết về hoạt động chính trị do chính ông đưa ra trước đây.
Ngay từ nhiều năm trước, Lý Khắc Cường đã cho rằng, trong điều kiện Trung Quốc, người lãnh đạo cần phải có ba khí chất: khí chất cán bộ, khí chất trí thức và nghĩa khí. Khí chất cán bộ là khi gặp việc lớn có thể điềm tĩnh đối diện; khí chất trí thức là có hiểu biết và tầm nhìn theo kịp thời đại; nghĩa khí là có thể khiến cho lãnh đạo, đồng nghiệp và cấp dưới yên tâm và tin cậy.
Tuy nhiên, con đường phía trước của ông Lý Khắc Cường trong vai trò Thủ tướng sẽ không hề bằng phẳng.
Nhiều ý kiến cho rằng điều phối hoạt động của các bộ và các địa phương tại một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc đòi hỏi lãnh đạo chính phủ phải hội đủ các tố chất như sự hiểu biết, bao quát vấn đề, kỹ năng quản lý, sự linh hoạt và mềm dẻo trong điều hành.
Theo Willy Lam, một nhà phân tích chính trị thuộc đại học Trung Quốc tại Hong Kong, ông Lý Khắc Cường là một người am hiểu tường tận về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, song ông cần thêm các tố chất và uy tín để có thể đảm nhiệm vị trí then chốt này.
Xoay trở với nền kinh tế “5 không”
Như một tình cờ của lịch sử, cách thời điểm này đúng 6 năm trước, ngày 16.3.2007, khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội khoá 10, ông Ôn Gia Bảo cũng có cuộc họp báo quốc tế nổi tiếng.
Trả lời một câu hỏi về các vấn đề hệ trọng nhất của kinh tế Trung Quốc, ông Ôn nói đến bốn nhược điểm trong cơ cấu kinh tế là "không ổn định, không cân đối, không phối hợp và không bền vững".
Sau đó, ông còn đưa ra một số nhận định về nền kinh tế có tên là "bốn không" ấy.
Hơn ba năm sau, tháng 6.2010, ông Lý Khắc Cường cũng viết trên tạp chí Cầu Thị, cơ quan lý luận của Trung ương đảng, rằng công cuộc phát triển Trung Quốc "tạo ra một cơ cấu kinh tế phi lý" và "ngày càng thấy rõ chiều hướng thiếu phối hợp và không bền vững".
Các lãnh tụ khác như ông Hồ đã mãn nhiệm và tân Chủ tịch/Tổng bí thư Tập Cận Bình vừa lên thay cũng từng có những phát biểu theo hướng tương tự.
Như vậy, ban lãnh đạo Bắc Kinh đủ bản lĩnh để thấy ra vấn đề và dám nói thẳng chứ không úp mở vòng vo. Tuy nhiên, họ cũng chưa giải quyết nổi các bài toán đã được nhận dạng từ lâu ấy.
Lý do được thừa nhận nằm trong hệ thống chính trị bất cập!
Kinh tế Trung Quốc lấy đầu tư làm đầu máy cho tăng trưởng, nên cứ tăng chi và ào ạt bơm tín dụng rồi sản xuất ra là phải tìm cách xuất khẩu mà bất kể lời lỗ.
Trong khi ấy, kinh tế lại phát triển không cân đối giữa nông thôn và thành thị, giữa các tỉnh với nhau và giữa yêu cầu kinh tế với xã hội.
Tình trạng không phối hợp là vì thiếu cân xứng giữa ba khu vực: sản suất, đầu tư và tiêu dùng. Ông Ôn Gia Bảo giải thích rằng tình trạng ấy không thể kéo dài vì không tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, mà cũng chẳng bảo vệ được môi sinh.
Trong ba lực đẩy chính cho kinh tế là đầu tư, tiêu thụ và xuất khẩu thì tiêu thụ có sức yếu nhất. Chi tiết có vẻ chuyên môn ấy cho thấy thực tế của đời sống là sức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc không quân bình, quá lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, mà người dân lại không được hưởng.
Từ hơn ba chục năm nay, tỷ trọng tiêu thụ của các hộ gia đình tại Trung Quốc đã giảm dần trong thực tế, từ khoảng 50-52% tổng sản lượng nay chỉ còn 34-37%.
Từ sáu năm trước, Ôn Gia Bảo đã nói đến điều mà lãnh đạo ngày nay đang muốn làm là nâng cao khả năng tiêu dùng của thị trường nội địa.
Nhưng khi thế giới bị tổng suy trầm vào năm 2008-2009, khả năng tiêu thụ và nhập khẩu của các nước bị hạn chế thì tiềm năng xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm.
Vì vậy, dù đã thấy kinh tế thiếu cân đối và cần cải sửa, song trong nhiều năm liền, từ 2009 đến 2011, lãnh đạo xứ này tiếp tục chính sách cố hữu là bơm thêm đầu tư để cỗ xe cứ lăn bánh cho khỏi đổ.
Câu chuyện tiếp theo là hậu quả xã hội, hoặc bất công xã hội khiến Trung Quốc có thêm nền kinh tế "năm không" chứ chẳng phải là "bốn không" như lãnh đạo xác nhận.
Cái "không" thứ năm là gì? Đó là không có mạng lưới an sinh xã hội. Sức tiêu thụ thấp của người dân Trung Quốc là một sự thiếu cân đối và là yếu tố bất ổn vì khiến kinh tế xứ này lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư.
Ngay tại chỗ, ở bên trong, người dân không được tiêu dùng, chỉ đẩy mức tiết kiệm lên cao. Lý do này thuộc về văn hóa và tâm lý lo sợ bất trắc khi mạng lưới an sinh và y tế không bảo đảm.
Nhưng lý do còn lớn hơn vậy thuộc về chính sách. Lãnh đạo cố tình nâng mức tiết kiệm để thu vén tài sản đó cho đầu tư.
Thế giới và nhiều kinh tế gia cứ ngợi ca sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà coi nhẹ bản chất bất công và nguy hiểm của chính sách này.
Lý do là vì không ưu tiên phát triển mạng lưới an sinh xã hội để giải quyết yêu cầu về y tế, giáo dục, gia cư và hưu bổng cho người dân, lãnh đạo Trung Quốc khiến họ phải chắt bóp để dành, tức là nâng sức tiết kiệm và hãm đà tiêu dùng, nên tỷ trọng tiêu thụ của các hộ gia đình mới giảm.
Đấy là hiện tượng "cưỡng bách tiết kiệm", kinh tế học gọi là "đàn áp tài chính", nôm na là bóp hầu bóp cổ bao người dân.
Hoàng Dũng Nhân
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|