Kiên quyết dừng dự án chậm triển khai
Sau khi rà soát các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng đã xây dựng tiêu chí dừng các dự án và hiện trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố đã có 3.665 dự án khu đô thị mới, nhà ở được giao cho chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 87.170ha.
Tổng diện tích đất xây dựng nhà ở theo quy hoạch là 32.303ha. Tổng số nhà ở theo quy hoạch là 2.773.036 căn nhà, tương đương trên 407,5 triệu m2 sàn (trong đó riêng ở HN là 82.450.000 m2, Tp.HCM là 79.361.000 m2). Tổng mức đầu tư ước tính 3.500.242 tỷ đồng.
Hâu hết các dự án phát triển nhà ở hiện nay đều chậm tiến độ, đặc biệt là tại một số đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM cho phép đầu tư rất nhiều dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở với quy mô đất rất lớn.
Tuy nhiên, việc xây dựng hiện nay còn chậm, nhiều dự án chưa có nhiều nhà ở được đưa vào sử dụng, đất bỏ hoang hóa rất nhiều. Phần lớn dự án chậm tiến độ do thị trường BĐS trầm lắng, dừng triển khai do xa khu trung tâm, dự án không có hạ tầng kỹ thuật và xã hội mặc dù dự án đã được bán nền đất, bán nhà nhưng người dân không thể ở được.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có việc rà soát lại các dự án đầu tư để phân loại và tạm dừng hoặc điều chỉnh lại cơ cấu.
Tiêu chí Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ về việc dừng dự án chậm triển khai cụ thể, dừng triển khai các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không còn phù hợp với kế hoạch phát triển của địa phương.
Đối với các dự án đã GPMB nhưng không còn phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm, không để đất trống, và chỉ đầu tư tiếp khi cấp có thẩm quyền cho phép.
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã GPMB nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép chủ đầu tư cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội.
Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng còn tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.
Riêng tại Hà Nội, tính cho đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 85 dự án bất động sản được triển khai tiếp mà không cần điều chỉnh, coi như số phận đã ngã ngũ. Số còn lại vẫn đang chờ quyết định của Thành phố trong thời gian tới. Được biết, Hà Nội hiện có tới 493 dự án phát triển nhà ở và khu đô thị mới.
Khánh An
vnmedia
|