Thị trường BĐS: Khó đẩy tồn kho bằng lãi suất thấp
Thị trường BĐS dường như chưa có phản ứng gì trước thông tin lãi suất cho vay đầu tư và mua bất động sản phân khúc nhà ở thu nhập thấp sẽ giảm xuống còn 6%/ năm. Có vẻ như lãi suất vẫn chưa thể tạo lực đẩy tuyệt đối cho thị trường.
Tín dụng giá rẻ luôn vai trò nhất định đối với sự sống còn của DN và đối với người vay mua sản phẩm địa ốc. Nhưng nó sẽ chỉ thực có ý nghĩa khi lãi suất và các tiêu chí xét hưởng lãi suất thấp đề ra cùng “nhìn chung một hướng” với nhu cầu vay và chọn dự án BĐS của người mua
Theo một chuyên gia, nỗ lực để có lãi suất hỗ trợ người vay mua nhà phân khúc thu nhập thấp Chính phủ đã thể hiện qua Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 đầu năm 2013 và sắp được hiện thực hóa bằng động thái xây dựng quy chế cho vay mà Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa tiết lộ, là những nỗ lực “trên cả tuyệt vời” trong bối cảnh Nhà nước hạn hẹp dư địa tài chính ngân sách và các chỉ tiêu chính vĩ mô vẫn đang còn ngổn ngang...
Nỗ lực từ một phía
Trên thị trường, phụ họa cho tin tốt lành về lãi suất cho vay sẽ được kéo về mức “trong mơ” trong tương lai, là thông tin các DN tích cực giảm giá địa ốc. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn việc các DN giảm giá địa ốc thông qua áp giá chào bán các dự án xấp xỉ trên dưới 15 triệu đồng/ m, dường như chưa thể hiện được nỗ lực của chính các DN.
Điển hình là một số dự án ở khu vực phía Tây Hà Nội, giá chào bán 15 triệu đồng/m2, thực tế vẫn chưa phải là thấp nếu so với các dự án đã có mức giá điều chỉnh thấp hơn thế trong năm 2012, trong cùng một mặt bằng có diện tích và cơ sở hạ tầng tương đương. Chi phí xây dựng, không được tính ở đây vì nói như ông chủ các dự án của địa ốc Lê Thành ở khu vực phía Nam, dù cao cấp, trung bình hay bình dân, “không chênh lệch là bao”.
Nói như vậy, để thấy thay vì giảm giá xuống 10-12 triệu đồng/m2 như trường hợp chung cư Đại Thanh, nhiều DN vẫn nhắm mốc 15 triệu đồng – mốc mà các dự án có giá này có thể sẽ được nằm trong danh sách hỗ trợ tín dụng tới tới người mua với lãi suất thấp để tiếp cận khách hàng, trong khi, tính toán sát thì DN rõ ràng vẫn có thể “neo” ở một mức giá thấp hơn, dù chỉ 1-2 triệu đồng/m2.
DN chưa nỗ lực tạo mặt bằng giá mới, phải chăng là do vẫn đang chờ các biện pháp kích cầu BĐS từ phía Nhà nước để “vớt vát”, hay đang chờ một phép màu tái cấu trúc nào đó, khiến thị trường sẽ vẫn giữ nguyên được mặt bằng giá BĐS sao cho có lợi cho DN ?
Nếu có kỳ vọng này thì đó cũng không phải là lỗi của DN, vì chẳng có DN nào kinh doanh mà không mong có đôi chút lời lãi. Có chăng, là do nỗ lực “bao sân” từ phía Nhà nước khi chỉ chăm chăm tận dụng các dư địa tiền tệ và công cụ lãi suất, thay vì, xây dựng và tạo ra những cơ chế có thể tác động trực tiếp tới DN để giảm giá trực tiếp cho sản phẩm, khiến DN lại phấp phỏng kỳ vọng ?
Nếu có tín dụng lãi suất 6%
Tín dụng giá rẻ luôn vai trò nhất định đối với sự sống còn của DN và đối với người vay mua sản phẩm địa ốc. Nhưng nó sẽ chỉ thực có ý nghĩa khi lãi suất và các tiêu chí xét hưởng lãi suất thấp đề ra cùng “nhìn chung một hướng” với nhu cầu vay và chọn dự án BĐS của người mua. Lấy ví dụ một dự án nhà ở xã hội đạt các tiêu chí mà người mua có thể hưởng lãi vay 6% trong vòng 15 năm như diện tích 70 m2, giá 15 triệu đồng/m2, người mua có thể vay tối đa 60% giá trị căn hộ tương đương 600 triệu đồng, thì về cơ bản người vay vẫn phải có 400 triệu đồng sẵn sàng trong túi.
Ngoài ra, trung bình mỗi tháng người vay sẽ phải trả ít nhất 6,4 triệu đồng bao gồm tiền gốc và lãi vay trong khoảng 1 năm đầu. Để được vay 600 triệu đồng và có khả năng chi trả 6,4 triệu đồng/ tháng, một người vay phải chứng minh được hồ sơ với mức thu nhập cá nhân tối thiểu 15 -20 triệu đồng/ tháng. Có bao nhiêu gia đình sẵn sàng mua nhà thu nhập thấp mà thu nhập cả vợ lẫn chồng cộng lại sẽ đạt 15-20 triệu đồng/tháng và bao nhiêu dự án thỏa mãn nhu cầu của người mua về vị trí, hạ tầng xây dựng…?
Nói đi cũng phải nói lại, một khi thị trường có tín dụng 6%, chắc chắn lợi thế sẽ thuộc về người mua nếu so với lãi suất thông thường không ưu đãi khi cho vay mua nhà vẫn đang nằm ở mức bình quân 15 - 16% ở thời điểm hiện nay. Câu hỏi tiếp theo là sẽ có bao nhiêu người tiếp cận được lãi vay 6% ? Và có bao nhiêu dự án nhà ở thương mại sẽ có diện tích dưới 70 m2 cũng được “hưởng hương hoa” nhờ chính sách này ?
Và trên hết, mãi lực của đầu tàu phân khúc BĐS dưới 70 m2, có đủ kéo cả con tàu địa ốc cồng kềnh ở nhiều phân khúc khác ? Thực tế năm 2012 đã cho thấy phân khúc căn hộ 1 tỉ đồng trở xuống không hề đóng băng ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP HCM nhưng sức nóng lan tỏa để rã đông cho các phân khúc khác trên thị trường và giảm sức ép cho các thị trường liên quan lại dường như chẳng được bao lăm. Sao chưa thấy một thống kê chính xác nào từ phía các nhà làm chính sách, về mối tương quan giữa việc hạ lãi suất và việc rã đông thị trường, trước khi công bố lãi suất tương lai và các gói tín dụng hỗ trợ người vay một cách hân hoan đến vậy ?
Thuận Hóa
Diễn đàn DN
|