Thứ Sáu, 29/03/2013 19:01

Họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 chưa đề cập đến việc lập VAMC

Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013 không nhắc đến việc thành lập Công ty quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như kỳ vọng của nhiều người.

Theo bản thông cao này, phiên họp Chính phủ xoay quanh một số vấn đề của nền kinh tế trong tháng 3 và quý 1/2013.

Họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013

Thông cáo nêu rõ, trong quý 1/2013, lạm phát được kiềm chế; thị trường giá cả tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp; so với tháng 12/2012 tăng 2,39%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua[1].

Lãi suất tiếp tục giảm, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thanh khoản các ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến. Tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao (đạt hơn 12 tuần nhập khẩu); thị trường vàng từng bước ổn định.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tháng 3 ước đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước; quí I/2013 ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước, từ chỗ chỉ tăng 3,1% trong cả năm 2012, sang quí I/2013 đã tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tăng 25,6%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu quí I/2013 ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17%; đáng chú ý nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị tăng khá. Xuất siêu quí I/2013 đạt khoảng 481 triệu USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Vốn FDI đăng ký và thực hiện trong quí I/2013 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 63,6%; vốn thực hiện ước đạt 2,7 tỷ USD tăng 7,1%; giải ngân vốn ODA đạt khá. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư công đã được triển khai ngày từ đầu năm 2013 và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Tăng trưởng GDP quí I/2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%), trong đó: khu vực nông nghiệp tăng 2,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,93%; khu vực dịch vụ tăng 5,65%. Ngành xây dựng, sau một thời gian trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức tăng 4,79% trong quí I/2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó (năm 2012 tăng 0,77%; năm 2011 giảm 0,01%). Trong điều kiện có nhiều khó khăn và phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì đạt mức tăng trưởng GDP như vậy là một sự cố gắng.

Có gần 7,65 nghìn trong số 13 nghìn doanh nghiệp (khoảng gần 60%) tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã quay lại trở lại hoạt động trong quí I/2013.

An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; nhất là đối với người nghèo, người mất việc làm, gia đình có công với cách mạng. Trong tháng 3/2013 ước tạo việc làm khoảng 130,5 nghìn lao động; tính chung quí I/2013 ước tạo việc làm khoảng 361,7 nghìn lao động.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông, văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao được đẩy mạnh. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường.

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông trong tháng 3 đã giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2012[2].

Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn; công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiềm chế song chưa vững chắc. Lãi suất cho vay đã giảm nhẹ nhưng còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết… Số vụ tai nạn giao thông trong quí I/2013 còn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động còn khó khăn. Việc nghiên cứu và ban hành, thực hiện các chính sách cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Phát huy những kết quả đạt được trong quí I/2013 và để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội cả năm 2013, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào:

- Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

- Kiên trì mục tiêu tổng quát, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm trước. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Ngân hàng phải có biện pháp quản lý tốt tỷ giá; cùng với việc hạ lãi suất cho vay phải có biện pháp và tăng cường kiểm tra để vốn vay với lãi suất thấp thực sự đến được với doanh nghiệp, tăng dư nợ tín dụng; đồng thời chú ý cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu.

- Chỉ đạo quyết liệt công tác thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN đã được Quốc hội thông qua; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; giảm tối đa các chuyến đi công tác nước ngoài của cán bộ, công chức.

- Khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách về thuế đã ban hành, đồng thời trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số qui định về thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT... nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và tín dụng Nhà nước, xem xét ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2014, nhất là đối với những công trình cấp bách; chú trọng thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA.

- Tăng cường bình ổn thị trường, giá cả; ngăn chặn có hiệu quả hàng nhập lậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm hướng dẫn việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như dịch vụ y tế và giá thuốc... theo lộ trình thích hợp để không gây tăng CPI đột biến; đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt; tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, ngập mặn...

- Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; tích cực đàm phán các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở, bằng nhiều biện pháp phù hợp, trong đó cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi ổn định (tối đa 6%/năm); cho người nước ngoài mua nhà để ở.

- Trên cơ sở Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng, triển khai Chương trình hành động.

- Tiếp tục quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là đối với đồng bào, dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, hạn hán. Tăng cường thực hiện các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng chống cháy nổ và trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

- Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nhất là ngăn chặn, kiềm chế các loại tội phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông; làm tốt công tác đối ngoại, trong đó tích cực, chủ động trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do; đấu tranh với các rào cản thương mại; nâng cao khả năng giải quyết các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

- Các Bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và phản ứng kịp thời với những thông tin sai lệch; đồng thời các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Kinh tế quý I/2013: Thông điệp từ các con số (28/03/2013)

>   Vốn FDI: Kỳ vọng tăng về chất (28/03/2013)

>   100 tỷ USD cho 25 năm FDI vào Việt Nam (27/03/2013)

>   Thấy gì từ “hiện tượng” CPI âm? (27/03/2013)

>   Giảm giá xăng dầu để hỗ trợ nền kinh tế (27/03/2013)

>   'Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội sử dụng FDI hiệu quả hơn' (27/03/2013)

>   Vốn ngoại vẫn chảy mạnh (27/03/2013)

>   Kinh tế đầu năm: Đã có những chuyển biến tích cực (26/03/2013)

>   Chính sách tiền tệ và những tác động đến doanh nghiệp (26/03/2013)

>   GDP quý I năm 2013 chỉ tăng 4,89% (26/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật