Chính sách tiền tệ và những tác động đến doanh nghiệp
Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã đưa ra chủ trương “thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ…”. Trong quá trình thực hiện chủ trương này, bên cạnh những mặt tích cực, mặt trái của chính sách này là tình trạng khát vốn của nền kinh tế đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.
Nhìn lại chính sách tiền tệ 2011-2012
Từ tháng 3/2011, với mục đích hạn chế tăng trưởng tín dụng, xử lý tình trạng các ngân hàng đua tranh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút các nguồn tiền gửi từ dân cư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện một loạt các biện pháp áp trần lãi suất huy động đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND).
Khi lạm phát chưa được kiềm chế và vẫn ở mức cao, việc áp trần lãi suất đã dẫn đến các cấp quản lý phải thực thi chính sách “lãi suất thực” âm trong suốt cả năm 2011. Phải đến tháng 4/2012 lạm phát mới được giảm bớt và lãi suất tiền gửi mới trở nên dương. Cùng với áp trần lãi suất huy động, NHNN đã thực hiện các biện pháp hướng dòng tiền đến khu vực sản xuất, hạn chế tín dụng vào khu vực phi sản xuất, đồng thời lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh cho các đối tượng khác nhau ở mức khá cao.
Theo báo cáo của NHNN, trong năm 2011, lãi suất cho vay dư nợ VND bình quân là 18,3%/năm và lãi suất áp dụng đối với dư nợ bằng ngoại tệ bình quân 6,6%/năm. Trong năm 2012, NHNN đã điều hành lãi suất giảm mạnh, với 5 lần giảm lãi suất huy động từ 14% xuống 8%, lãi suất tái cấp vốn từ 15% xuống 9% và lãi suất tái chiết khấu từ 13% xuống 7%.
Với việc điều hành chính sách lãi suất như trên dẫn đến kết quả: năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 14% (giảm mạnh so với mức 32,4% của năm 2010) và tổng phương tiện thanh toán là 12% (thấp hơn mức tăng 16,41% của năm 2010). Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến năm 2012, tính đến tháng 8, trong khi tổng huy động vốn tăng 11,23% thì dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,4%.
Tương quan này phản ánh tình trạng ách tắc tín dụng và sự lệch pha trong cán cân huy động và cho vay. Cũng từ đó, phát sinh lo ngại: rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường từ sự mất cân bằng giữa huy động và cho vay, cũng như bất an đến từ việc tín dụng tăng thấp nhưng huy động vẫn tăng đang ngày càng hiện hữu. Điều này đang thực sự diễn ra và có thể còn kéo dài trong thời gian tới.
Và những tác động đến hoạt động của doanh nghiệp
Trong nửa cuối năm 2012, chính sách thắt chặt tiền tệ bước đầu đã có kết quả tích cực. Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế, CPI cả năm 2012 chỉ tăng 6,81% so với tháng 12/2011 và tăng 9,21% so với bình quân 12 tháng năm 2011; cán cân thanh toán thặng dư cao… Tuy nhiên, mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ đã đưa nền kinh tế vào tình trạng khát vốn, đẩy hầu hết các doanh nghiệp (DN) vào tình trạng khó khăn. Cụ thể:
Một là, nhiều DN không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng: Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, đến đầu tháng 5/2012 có hơn 42% số DN không vay vốn trong hoạt động kinh doanh. Trong số 58% DN có vay vốn, thì hơn 50% trong số họ vay vốn từ ngân hàng thương mại nhà nước, gần 30% có vay vốn từ ngân hàng thương mại cổ phần, số còn lại phải vay vốn từ bạn bè, người thân...
Có khá nhiều rào cản đối với DN trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đầu tiên và lớn nhất là lãi suất cao; gần 40% số DN gặp phải rào cản này. Tiếp sau là thủ tục phiền hà (28,5% DN), không có thế chấp (gần 19% DN), phải trả thêm phụ phí (gần 10% DN) và cuối cùng là không có vốn đối ứng (khoảng 7% DN).
Về lãi suất tín dụng, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, phần lớn DN đã vay vốn với lãi suất rất cao trong nửa đầu năm 2012, cụ thể: 78,5% số DN đã phải trả mức lãi suất từ 16% trở lên; hơn một nửa số DN phải trả mức lãi suất từ 18% trở lên. Ngoài ra, việc khống chế dư nợ phi sản xuất khoảng 16% theo chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN nhằm hướng dòng vốn vào khu vực trực tiếp làm ra của cải vật chất… là điều cần thiết, song do tính chất cào bằng nên những dự án cần ưu tiên đầu tư như phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2012.
Hai là, lãi vay phải trả đã đẩy chi phí vốn của DN tăng cao, dẫn đến hiệu quả hoạt độn g kinh doanh suy giảm: Cuối năm 2012, đầu năm 2013, lãi suất tăng góp phần làm cho chi phí đầu vào của DN tăng theo. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của các DN lại hết sức khó khăn, thị trường đầu ra bị thu hẹp, hàng tồn kho tăng nhanh, hiệu quả sử dụng vốn của hầu hết các DN ở mức rất thấp.
Không những kinh doanh thua lỗ, nhiều DN thậm chí phải ngừng hoạt động. Chưa khi nào con số các DN đóng cửa cao như hai năm qua. Số DN phá sản và đóng cửa tăng vọt. Năm 2011, có khoảng 53.000 DN, năm 2012 có khoảng 58.000 DN.
Ba là, tình trạng không trả được nợ của các DN đã dẫn đến việc chiếm dụng vốn lẫn nhau ngày càng trầm trọng, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh: Có thể nói, cơ cấu vốn của các DN Việt Nam hai năm qua rất rủi ro. Theo báo cáo tại hội nghị đầu tư 2012 do báo Nhịp cầu Đầu tư tổ chức ngày 16/8/2012, tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân quý II/2012 của 647 công ty phi tài chính niêm yết, lên tới 1,53 lần, ngành xây dựng và bất động sản tổng nợ phải trả gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu (207%) và thấp nhất là ngành hàng tiêu dùng với 80%.
Cũng theo báo cáo khảo sát của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho thấy 16% trong số 70 DN khảo sát đang nằm trong tình trạng phải gia hạn nợ gốc và lãi vay. Điều này dẫn đến nợ xấu của các NHTM gia tăng.
Theo số liệu của NHNN, nợ xấu năm 2009 của Việt Nam vào khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,5% tổng dư nợ, năm 2010 khoảng 38.000 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 2,1%, năm 2011 khoảng 78.000 tỷ đồng, chiếm 3,2%, đến tháng 3/2012 là 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ (số liệu công bố ngày 12/7/2012 của NHNN). Nợ xấu là nguyên nhân cơ bản làm các luồng vốn trong nền kinh tế bị tắc nghẽn, dòng tiền không luân chuyển được càng làm cho trình trạng khó khăn thêm trầm trọng.
Sang đến nửa cuối năm 2012, các NHTM đã cải thiện mạnh về thanh khoản, thậm chí huy động nhiều hơn cho vay, ngân hàng có sẵn tiền để cho vay song do lo sợ tình hình kinh doanh khó khăn nên không dám cho vay các khoản vay mới. Hơn thế, lo sợ các khoản nợ cũ khó thu hồi nên nhiều ngân hàng còn tìm các thu hồi các khoản nợ cũ, mặc dù nhiều DN vẫn đang kinh doanh khá tốt. Điều này làm các DN lâm vào tình trạng khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Một số đề xuất, kiến nghị
Năm 2013, tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ còn tiếp diễn bởi khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và bởi trong nước lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, đầu tư công còn dàn trải và việc chi tiêu ngân sách chưa thể cắt giảm triệt để, nhập siêu dần tăng và nợ của các DN vẫn còn rất lớn. Nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn, các giải pháp phải được thực hiện từ nhiều phía:
Về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng:
NHNN cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, một mặt vừa kiềm chế lạm phát vừa giải quyết bài toán khó khăn về vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thay vì chỉ kiểm soát lãi suất huy động, cần có biện pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát lãi suất cho vay. Bản thân các NHTM cũng cần chia sẻ khó khăn với các DN bằng cách cắt giảm chi phí, hạ chỉ tiêu lợi nhuận, hạ lãi suất cho vay đối với DN.
Tuy nhiên, điều hành tiền tệ chặt chẽ chưa phải là biện pháp giải quyết tận gốc căn bệnh kinh niên của nền kinh tế hiện nay, vấn đề còn nằm ở chi tiêu ngân sách. Trên thực tế, các giải pháp về tiền tệ đang được thực hiện khá quyết liệt và có những kết quả bước đầu trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Song các khoản cắt giảm và kiểm soát các hoạt động đầu tư công chưa đem lại hiệu quả cao.
Bởi vậy, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính trong đầu tư công, cụ thể hóa tiêu chí và các dự án cần cắt giảm trong chính sách tài khóa; cải tiến trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư. Các giải pháp về tài khóa được thực hiện tốt, sẽ phối hợp, bổ sung cho chính sách tiền tệ. Có như vậy, kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bền vững hơn, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN phát triển.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống các NHTM song song với việc tăng cường minh bạch thông tin của hệ thống ngân hàng cũng như xác định rõ mô hình hoạt động và lộ trình của NHTM sau tái cấu trúc.
Giải pháp thu hút vốn từ phía các DN:
- Cần lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp hơn với điều kiện vay vốn khó khăn. Với các nguồn vốn vay lãi suất còn cao, các DN cần lựa chọn phương án đầu tư và kinh doanh có hiệu quả cao nhất để có thể sử dụng tốt các nguồn vốn này, hoặc tạm thời sử dụng một số vốn vay lãi suất cao để mua các trang thiết bị cần thiết nhất, tránh đầu tư tràn lan.
- Kêu gọi liên doanh, liên kết giữa các thành viên trong hội để đầu tư vào các dự án khả thi.
- Huy động thêm các nguồn vốn khác từ nội bộ cán bộ nhân viên của DN và các hình thức liên kết khác để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, với những ưu đãi nhất định dành cho họ lâu dài sau này.
- Thúc đẩy quản trị DN hiện đại và tăng cường minh bạch, điều này sẽ thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng tính hấp dẫn, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào DN.
TS. Nguyễn Thị Hoài Lê
Tài CHính
|