Để tiếp tục giữ lợi thế thu hút FDI
Khu vực đầu tư nước ngoài là phần không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian tới cần có những cải thiện khung pháp lý, môi trường đầu tư để giữ vững lợi thế cạnh tranh, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Với một thị trường khoảng 90 triệu dân với thu nhập được cải thiện liên tục, mức thu nhập trung bình là 3.000 USD (năm 2012) tính theo ngang giá sức mua, môi trường đầu tư và lĩnh vực đầu tư có khả năng sinh lợi nhuận cao thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài
Trong giai đoạn đầu thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có gần như đầy đủ các điều kiện hấp dẫn này. Các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng triệt để các thuận lợi và đã có thành công đáng kể trong đầu tư tại Việt Nam. Số dự án có quy mô lớn, số dự án cấp phép mới, mở rộng quy mô, tăng vốn tăng lên liên tục, kể cả trong điều kiện khủng hoảng. Lợi nhuận chuyển về nước của các nhà đầu tư cũng tăng lên.
Với xu hướng đầu tư để vừa tận dụng thị trường trong nước vừa thúc đẩy xuất khẩu do Việt Nam có khá nhiều lợi thế so sánh, chắc chắn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ còn tăng.
Tính đến tháng 3/2013, sau 1/4 thế kỷ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam có thêm 16.384 dự án với số vốn đăng ký hơn 248 tỷ USD và vốn thực hiện đạt gần 105 tỷ USD. Vốn đầu tư vẫn chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn cũng như vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Các đối tác đầu tư lớn nhất vẫn là các đối tác châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Các đối tác đầu tư lớn có sự phân đoạn khai thác thị trường Việt Nam dựa vào việc phát huy triệt để thế mạnh cốt lõi.
Tỷ lệ giữa vốn thực hiện và vốn đăng ký tại Việt Nam trong 25 năm qua là 2/5. Con số này cho thấy sự cần thiết và triển vọng đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này để giảm thiểu tình trạng vốn di chuyển từ Việt Nam sang các nước khác do tính cơ động rất cao của loại nguồn lực này.
Dù việc giải ngân vẫn còn chưa thật sự nhanh, nhưng lợi ích của đầu tư trực tiếp là rõ ràng, lượng vốn FDI làm tăng đáng kể vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần huy động các nguồn lực khác trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm, cải thiện cán cân thanh toán và thúc đẩy hội nhập. Đây là nguồn vốn không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cả trước mắt và lâu dài.
Phần đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài đối với tăng trưởng và thúc đẩy xuất khẩu có xu hướng tăng lên làm cho khu vực này trở thành “ phần không thể thiếu” của nền kinh tế Việt Nam. Nó còn góp phần hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý đầu tư tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực.
Các quan hệ giữa Việt Nam với khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam được tăng cường đáng kể, tạo điều kiện tiến đến việc ký kết nhiều hiệp định song phương và đa biên khác về thương mại và đầu tư. Hình ảnh của Việt Nam được các quốc gia quan tâm ngày càng lớn, góp phần nâng cao vị thế quốc gia.
Tránh "con dao hai lưỡi"
Đầu tư trực tiếp thường được các quốc gia thu hút cho là “con dao hai lưỡi” vì những đặc điểm cố hữu gồm cả tích cực và tiêu cực. Đầu tư trực tiếp chủ yếu do tư nhân sở hữu và thực hiện cho nên mục đích cao nhất là thu lợi nhuận. Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc điểm đó.
Nhiều vùng do điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực nông nghiệp cũng thu hút chưa tương xứng với tiềm năng. Các nhà đầu tư chưa sẵn sàng chuyển giao công nghệ hiện đại cho bên Việt Nam. Các cơ sở sản xuất trong nước chưa tự sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất hiện tình trạng chuyển giá trong đầu tư làm thất thoát ngân sách. Có dự án còn gây ô nhiễm môi trường.
Đầu tư nước ngoài vào bất động sản gây "bong bóng" và đầu cơ gây bất ổn thị trường, biến dòng tiền vào thành dòng tiền ra cũng như làm gia tăng lượng bất động sản tồn kho, làm tăng gánh nặng điều chỉnh của ngân sách.
Vấn đề phân cấp quản lý đầu tư cho các tỉnh, thành phố và các ban quản lý các khu công nghiệp đã dẫn đến tình trạng phân tán quản lý. Năng lực đánh giá, thẩm định dự án và xử lý tranh chấp đầu tư của các địa phương còn hạn chế. Một số quy định về ưu đãi đầu tư được các địa phương áp dụng tuỳ tiện, vượt khung cả nước, gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tăng chi phí điều chỉnh và tranh chấp đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư lợi dụng sơ hở này để “mặc cả” nhằm thu lợi tối đa mà thiệt hại lại thuộc về nước tiếp nhận.
Quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài hầu như không thể hiện rõ cả từ cơ quan quản lý và nhà đầu tư cho nên gây lúng túng trong xử lý tình trạng nhiều khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy còn thấp, gây lãng phí đất đai vốn là loại nguồn lực có độ khan hiếm tăng dần. Tình trạng xung đột lao động mà thực chất là mâu thuẫn giữa “tư bản và lao động” trong các dự án đầu tư nước ngoài còn xuất hiện… Công tác xúc tiến đầu tư tốn kém chi phí nhưng không mang kết quả như mong đợi.
Tất cả những vấn đề này suy cho cùng, do thể chế đầu tư còn nhiều bất cập, sơ hở và lạc hậu so với điều kiện đầu tư thay đổi nhanh chóng, thiếu tính đón đầu cần thiết. Do đó, yêu cầu hoàn thiện thể chế bộc lộ rõ nét nhất trong vấn đề hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam cả hiện tại và thời gian tới.
Hoàn thiện thể chế, giữ lợi thế thu hút FDI
Các nền kinh tế đang nổi lên và hấp dẫn lớn đầu tư nước ngoài như Myanmar, Indonesia, Campuchia, Lào, Thái Lan. Đây là những nền kinh tế có sức hấp dẫn về ưu đãi, về lao động rẻ, thị trường hàng hoá chưa thật phong phú và ưu đãi đầu tư nước ngoài đáng kể.
Chẳng hạn, Myanmar là một thị trường gần như chưa được khai thác về tài nguyên, lao động và ưu đãi chính phủ về đất đai, thuế. Thái Lan giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% kể từ 1/1/2013. Indonesia có mục tiêu trở thành cường quốc trong khu vực và thế giới, cho nên quốc gia này càng đề cao đẩy mạnh thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài về vốn, công nghệ cao và kinh nghiêm quản lý hiện đại. Điều này có khả năng làm đổi hướng khá mạnh dòng vốn đầu tư vận động trong khu vực với điểm đến có độ quan tâm cao là Indonesia. Campuchia và Lào cũng coi trọng nhiều hơn đến xúc tiến đầu tư nước ngoài và với nhiều chính sách hấp dẫn gắn với tiềm năng sẵn có khá lớn sẽ là những điểm thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể.
Với Việt Nam, để duy trì và gia tăng khả năng thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hiện tại và thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế đầu tư về các khía cạnh, như hoàn thiện các quy định của cả nước và các địa phương để tránh chồng chéo, mâu thuẫn vừa gây thiệt hại lợi ích tổng thể vừa gây tranh chấp đầu tư cục bộ, các quy định cần có tính đón đầu.
Bộ máy quản lý đầu tư các cấp cần đề cao vai trò tư vấn chiến lược và chính sách sâu sắc và hữu hiệu hơn, từ xây dựng quy hoạch thu hút một cách khoa học, đồng bộ, nhất quán, đến việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hiệu quả. Coi trọng hơn các đóng góp của đầu tư nước ngoài vào tạo năng lực sản xuất bản địa, gia tăng khả năng làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất tiến đến tiếp cận mạng lưới sản xuất và tiêu thụ trong và ngoài nước.
Thực hiện nghiêm chỉnh quy trình và quá trình thẩm định dự án đầu tư để chọn được những dự án đầu tư có chất lượng cao. Sẵn sàng từ chối cấp phép các dự án không phù hợp với điều kiện của địa phương về bảo vệ môi trường, năng lực quản lý hay các tác động khó kiểm soát khác.
Giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương nhằm thu hút đầu tư bằng việc công khai thông tin về nhà đầu tư và các chương trình xúc tiến đầu tư được các địa phương xây dựng và thực hiện.
Kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý đầu tư của các địa phương, ban quản lý khu công nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần thống nhất ở mức cao nhất những vấn đề trong thương lượng với nhà đầu tư liên quan đến các lợi ích có khả năng gây ra tình trạng cạnh tranh hay tranh chấp giữa các địa phương để tránh thiệt hại lợi ích không cần thiết.
Thể chế đầu tư hoàn thiện cần được thực hiện bằng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực và những phẩm chất cần thiết.
Coi trọng công tác dự báo xu hướng đầu tư trong khu vực để có giải pháp thích nghi chủ động và đón đầu…
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân
chính phủ
|