Đồng yen Nhật tiếp tục xuống giá
Đồng Yen Nhật đã tiếp tục suy yếu so với đồng đô la Mỹ và tiền đồng từ đầu năm đến nay, sau khi đã giảm mạnh trong năm 2012. Tuy nhiên những tác động đến với Việt Nam chưa thực sự rõ ràng.
Diễn biến đồng đô la Mỹ so với đồng yen trong 6 tháng gần đây.
|
Tính từ đầu năm 2013 đến 17-3, đồng yen đã mất giá gần 10% so với đồng đô la Mỹ, và hơn 9% so với tiền đồng. Trong khi cả năm 2012 đồng yen đã mất giá khoảng 12,7% so với đô la Mỹ và 11,3% so với tiền đồng.
Nếu nhìn vào diễn biến đồng yen, thì sự giảm giá mạnh của đồng tiền này bắt đầu khoảng cuối tháng 9 năm ngoái. Trong gần 6 tháng qua, đồng yen đã mất giá khoảng 22,5% so với đô la Mỹ và cùng thời điểm đó đến nay đồng tiền này giảm khoảng 17,8% so với tiền đồng Việt Nam.
Việc đồng yen xuống giá đã không gây ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu do doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật lại chủ yếu thanh toán bằng đô la Mỹ, nhưng về gián tiếp, hàng hóa của Việt Nam sẽ khó tiêu thụ do người Nhật sẽ cân nhắc trong chi tiêu. Đồng thời đối tác cũng sẽ cân nhắc khi bỏ tiền yen mua đô la Mỹ để nhập hàng vì phải tốn nhiều tiền hơn.
Nhưng trên thực tế, với doanh nghiệp dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 cho rằng sự ảnh hưởng này chưa rõ nét. 50% kim ngạch xuất khẩu của Sài Gòn 3 là từ thị trường Nhật nhưng từ năm ngoái đến nay các đối tác không yêu cầu giảm giá gia công, hay giảm đơn hàng, thậm chí, họ đã thỏa thuận với công ty ông cung cấp hàng đến cuối năm 2013.
Theo ông Hồng, hiện tại chắc chắn các đối tác Nhật cũng bị ảnh hưởng bởi việc đồng tiền của họ yếu đi. Nhưng với tính cách của người Nhật vốn trọng sự bền vững, lâu dài nên họ chấp nhận giảm lợi nhuận chứ không yêu cầu phía công ty ông giảm giá.
Về thủy sản, sự ảnh hưởng là có, nhưng cũng chưa rõ nét. Theo ông Trần Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản số 1, việc phá giá đồng yen có 2 tác động đến doanh nghiệp của ông, trong đó tác động tích cực là việc công ty ông phải nhập khẩu máy móc từ Nhật, việc này đang có lợi hơn so với thời gian trước.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang thị trường này lại chịu ảnh hưởng. Ông Hậu cho biết mặc dù các hợp đồng đều thanh toán bằng đô la Mỹ nhưng việc đồng yen mất giá khiến người Nhật chi tiêu ít đi, ảnh hưởng đến lượng tôm xuất sang thị trường này. Ông cũng cho rằng đồng yen có thể sẽ tiếp tục mất giá trong năm nay và sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nên Thủy Sản số 1 đang đàm phán để xuất đi các thị trường khác.
Ngoài các tác động trên, việc đồng yen yếu đi được dự báo sẽ tác động đến dòng vốn ODA đến từ Nhật. Tuy vậy, hiện chưa ảnh hưởng nhiều.
Theo thông tin từ văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cung cấp cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online thì tính đến hết tháng 10 -2012 có 129 dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai tại Việt Nam. Cơ quan này nhận định, việc đồng yen giảm giá không ảnh hưởng tổng mức đầu tư ở các dự án đã được duyệt và dự án đang thực hiện. Trong trường hợp dự án bị chậm tiến độ kéo dài thời gian làm phát sinh chi phí thì phía Việt Nam có thể đề nghị cho vay thêm.
Phía JICA cho biết trong hợp đồng vay vốn đã ký với phía Nhật Bản, Việt Nam vay và trả nợ vay cũng bằng đồng yen. Như vậy, nếu tính về trả nợ dài hạn, Việt Nam có lợi trong giai đoạn này vì số tiền lãi phải trả sẽ xuống theo sự mất giá của đồng tiền này.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp vay nợ Nhật Bản bằng đồng yen như Công ty Nhiệt điện Phả Lại, việc đồng yen yếu đã giúp cho doanh nghiệp này chuyển từ lỗ sang lãi 611 tỉ đồng trong năm 2012 nhờ hoàn nhập dự phòng 700 tỉ đồng do các năm trước phải trích lập vì đồng yen liên tục tăng giá.
Thanh Thương - Anh Quân
tbktsg
|