Đổi Mới '3.0'
Hổ hay là chỉ là mèo? Điều đó phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể tiếp tục "Đổi Mới 3.0" hay không.
Năm 1986, đứng trước những thách thức xã hội và khủng hoảng kinh tế, lãnh đạo Đảng và nhà nước đã dám nhìn thẳng vào sự thật để chấp nhận đổi mới mà trước hết và quan trọng nhất là đổi mới về tư duy. Đặc trưng của đổi mới từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 là chấp nhận những quy luật kinh tế thị trường, cho phép kinh tế tư nhân phát triển, và mở cửa cho kinh tế đối ngoại.
Kết quả của những đổi mới về nhận thức là sự ra đời của các đạo luật chưa từng có trong tiền lệ như Luật đầu tư nước ngoài 1987, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân cuối năm 1990.
Tiếp sau đó, Việt Nam tiến hành đàm phán bình thường hoá quan hệ với các nước từng đối đầu với mình và đã có những bước đi mạnh mẽ trong đối ngoại với các nước ASEAN, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu vào năm 1995.
Kết quả của đợt đổi mới này là Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử vào các năm 1995 và 1996 (lần lượt là 9,5 và 9,34%) và dòng đầu tư nước ngoài cũng đạt kỷ lục trong năm 1996 (trên 8 tỷ USD cam kết)1. Đến giữa những năm 1990, cải cách đã giúp Việt Nam cơ bản thoát khỏi khủng hoảng và đưa mức sống của người dân lên cao một bước.
Đổi mới 2.0?
Tuy vậy, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á năm 1997 đã đặt Việt Nam vào nguy cơ đánh mất đà tăng trưởng và những thành quả đạt được sau một thập kỷ đổi mới. Trong hai năm 1998 và 1999, tăng trưởng GDP của Việt đang từ xấp xỉ 9.5% xuống thấp kỷ lục là 4.8% năm 1999.
Trước tình hình đó, nhiều học giả trong và ngoài nước đã kêu gọi chính phủ tiến hành cải sâu rộng hơn nữa bởi những cải cách từ sau Đổi mới 1986 đã phát huy hết tác dụng2.
Tác động ngày càng sâu rộng của cuộc khủng hoảng đã đặt ra yêu cầu "Đổi Mới II" cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong nội bộ ta lúc đó đã có sự tranh luận và phản biện rất gay gắt về lựa chọn hướng đi cho Việt Nam khi đất nước bước vào những năm đầu của thế kỷ 21.
Hãy lấy một ví dụ cụ thể cho thấy cuộc đấu tranh về tư tưởng và nhận thức đã diễn ra mạnh mẽ như thế nào lúc đó: quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Việt Mỹ.
Theo ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn phán của Việt Nam, hai bên bước vào cuộc đàm phán với nỗi ám ảnh về một cuộc chiến đã đi qua với bao đau thương, mất mát cho cả hai dân tộc. Điều đó gây ra sự nghi kị, thiếu lòng tin, nhất là cho phía Việt Nam. Nhưng cao hơn hết là rào cản tư duy và ý thức hệ trong một số lãnh đạo lúc đó. Theo ông Lương, trong quá trình đàm phán, có người cho rằng Hiệp định thương mại này sẽ tạo cơ hội cho diễn biến hoà bình, phá huỷ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam do sự "xâm lăng" của hàng hoá và tư bản nước ngoài vào nền kinh tế non yếu của Việt Nam.
Ông Lương cũng cho biết, lúc đó có người đã liên tưởng đến câu nói của một trong những chính khách có ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ, Henry Kissinger: "Người Mỹ đã không thắng trong chiến tranh nhưng sẽ thắng ở thời bình - Americans did not win in the war but will do so in peace time"3.
Sau khoảng 3 năm đàm phán với nhiều nhân nhượng của cả hai phía, đến giữa năm 1999, hai bên đã thống nhất được hầu hết các điều khoản mang tính kỹ thuật và chỉ còn một bước là ký kết. Tuy vậy, rất bất ngờ, vào thời điểm đó, đoàn đàm phán nhận được thông báo tạm hoãn ký kết. Phải mất thêm một năm nữa Việt Nam mới đặt bút ký kết hiệp định này và được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2001.
Như ông Nguyễn Đình Lương và Mai Liêm Trực thừa nhận, quá trình thay đổi nhận thức là một thách thức lớn nhất cho việc ký kết và dẫn đến nhiều tranh luận nội bộ gay gắt. Nhưng chính lợi ích dân tộc đã xoá đi những lo sợ, nghi kị để Việt Nam chấp nhận bản hiệp định. Và quyết định này là được chứng minh là đúng đắn khi nó mở ra cánh cửa cho Việt Nam ra nhập WTO năm 2006; và giờ đây Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Có thể nói, những năm 2000-2001đã mở đầu cho cuộc "Đổi Mới II" ở nước ta với những đặc trưng là tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng cho các khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân, nước ngoài) và hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Sau Hiệp định thương mại Việt Mỹ là quá trình đàm phán gia nhập WTO với những cam kết cải cách luật pháp toàn diện và sâu rộng. Đỉnh cao của quá trình Đổi Mới II là năm 2005 khi Việt Nam đã thông qua hàng loạt đạo luật và chính sách đổi mới trước thềm gia nhập WTO vào năm 2006. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với tư tưởng chính là tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất và công bằng cho các thành phần kinh tế phát huy hết nội lực. Kết quả của Đổi Mới II là nền kinh tế nước ta lại tiếp tục cất cánh khi đạt mức tăng trưởng lần lượt là 8.4 và 8.2% trong hai năm 2005 và 2006; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 19,5% năm 2004 so với 58% năm 19934.
Đổi mới 3.0?
Nhưng rồi một lẫn nữa, năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới lại nổ ra và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt kinh tế-xã hội của nước ta. Tăng trưởng đã giảm mạnh và trong hai năm vừa qua chỉ đạt lần lượt là 5.8 và 5.0 %. Từ năm 2008-2011, lạm phát trung bình là 16%/năm5. Bất động sản hầu như đóng băng. Đồng thời, sự phá sản của Tập đoàn Vinashin và làm ăn thu lỗ của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đặt nước ta vào một giai đoạn mới đầy thức thách.
Đứng trước những thách thức này, Đảng và Chính phủ đã nhận thức rõ được nhu cầu của đổi mới. Nhưng như lịch sử đã diễn ra, sẽ luôn có những trở lực cho đổi mới và quan trọng nhất vẫn là trở lực về nhận thức và tư tưởng.
Trước đổi mới 1986 và đầu những năm 2000, đã có không ít lo sợ, nghi kị về sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa, về diễn biến hoà bình, về sự sụp đổ của hệ thống kinh tế nhà nước. Nhưng rồi, với sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo, mà Việt Nam đã tìm cho mình lối đi đúng và dám chấp nhận chuyển hướng.
Vậy lần này thì sao? Từ năm 2008 Việt Nam đã được xếp vào các nước có thu nhập trung bình. Trong hai thập kỷ vừa qua chúng ta đã nỗ lực để thoát nghèo và chúng ta đã cơ bản thành công. Còn giờ đây thì không phải là thoát nghèo nữa mà là thoát ra khỏi "cái bẫy thu nhập trung bình", để đưa Việt Nam cất cánh như các con hổ Châu Á: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Hổ hay là chỉ là mèo? Điều đó phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể tiếp tục "Đổi Mới 3.0" hay không. Các Hội nghị Trung ương 4,5,6 của Đảng năm 2012 đã thể hiện phần nào quyết tâm cải cách hơn nữa. Và đợt sửa đổi hiến pháp lẫn này sẽ là cơ hội lớn cho nước ta tháo những "nút thắt" hiện nay để khôi phục đà tăng trưởng và thành công trong công nghiệp hoá và hiện đại hoá vào năm 2020 như đã đề ra.Nhưng đổi mới lần này sẽ đòi hỏi những cải cách sâu rộng hơn nữa về thể chế và mô hình phát triển.
Chúng ta đã có nhiều luật mới, đã hội nhập kinh tế quốc tế khá sâu rộng rồi. Điều quan trọng nhất của đợt Đổi Mới 3.0 là nhấn mạnh vào khả năng giám sát và thực thi chính sách hiệu quả, cải cách quản lý nhà nước nhất là chi tiêu công, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Tất cả những điều này đòi hỏi thể chế hoá sự giám sát của người dân, luật hoá trách nhiệm giải trình của lãnh đạo.
T.S Đặng Văn Huấn (Portland, 3/2013)
tuần việt nam
|