Độc quyền x 3
Việc hợp tác giữa EVN, PVN và TKV có thể dẫn đến tình trạng độc quyền và khả năng chi phối trên thị trường càng lớn hơn nữa.
* Cái bắt tay của ba ông lớn
Ngày 26.2, 3 tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực năng lượng là Tập đoàn điện lực (EVN), tập đoàn dầu khí (PVN) và tập đoàn than-khoáng sản (TKV) đã ký kết hợp tác chiến lược với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nội dung chi tiết của hợp tác này không được công bố chính thức, nhưng một số thông tin tổng quan được công bố cho thấy hợp tác này sẽ bao trùm khá nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, nhân lực cho đến lĩnh vực truyền thông.
Một nội dung quan trọng được công bố là TKV cam kết sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục nguồn than cho các nhà máy điện của PVN, EVN. Còn PVN sẽ nỗ lực tối đa trong việc cung cấp khí cho các nhà máy điện của EVN. Ngược lại, EVN cam kết sẽ đảm bảo cung ứng điện ổn định cho 2 tập đoàn bạn và sẽ mua lại tối đa sản lượng điện của các nhà máy sản xuất điện do PVN và TKV sở hữu.
Năng lượng là lĩnh vực tối quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Mỗi quốc gia trên thế giới đều cố gắng xây dựng cho mình những tập đoàn năng lượng với quy mô lớn. Ở Việt Nam, điều này cũng tương tự khi vốn điều lệ của EVN hiện đã lên tới 143.404 tỉ đồng, PVN là 177.628 tỉ đồng và TKV là 14.794 tỉ đồng.
Tuy vậy, 3 tập đoàn này hiện vẫn chưa hoạt động hiệu quả như mong đợi. Đáng lo ngại hơn, cả 3 đều là những đơn vị đi vay nợ lớn nhất trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Giữa các đơn vị này cũng nợ chồng chéo lẫn nhau. Số tiền nợ mua điện của EVN với PVN tính đến tháng 9.2012 lên đến 14.000 tỉ đồng, còn với TKV là khoảng 500 tỉ đồng.
Với việc trở thành đối tác chiến lược của nhau và cùng với vị thế lớn của mình, liên kết tay 3 điện-than-dầu khí này có thể tạo nên một liên minh đầy quyền lực và từ đó sức tác động đến nền kinh tế có thể sẽ rất lớn.
Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, việc kết hợp này có thể mang lại những lợi ích tích cực cho nền kinh tế nếu các tập đoàn này thực sự nghiêm túc trong việc hợp tác, tận dụng được những ưu thế của mình để phối hợp hoạt động hiệu quả.
Theo bà Lan, trước đây giữa các tập đoàn này cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh cãi ví dụ như nợ tiền bán điện hay EVN mua điện của Trung Quốc trong khi các nhà máy điện của PVN và TKV vẫn chạy dưới công suất. Vì vậy, sau khi trở thành đối tác chiến lược, việc giải quyết các mâu thuẫn có thể sẽ ổn thỏa hơn, hướng tới lợi ích chung cho nền kinh tế.
Tuy vậy, viễn cảnh tiêu cực không phải là nhỏ. Điều đáng lo ngại đầu tiên có lẽ đến từ sự độc quyền. Trước khi hợp tác, mỗi tập đoàn này đã chiếm thị phần lớn nhất hay độc quyền trên phân khúc thị trường của mình. Do đó, việc hợp tác này có thể dẫn đến tình trạng độc quyền và khả năng chi phối trên thị trường càng lớn hơn nữa.
Trong nguyên tắc hợp tác chiến lược này, EVN sẽ mua lại tối đa nguồn điện sản xuất từ PVN và TKV. Nếu những thỏa thuận ngầm xảy ra với những ưu đãi kèm theo giữa 3 bên, rất dễ xảy ra nguy cơ đẩy các đơn vị tư nhân khác ra khỏi ngành. “Điều này có thể ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh” bà Lan nói.
Một nguy cơ khác đến từ sự kém minh bạch thông tin của các tập đoàn này. Việc làm ăn lãi lỗ, sai sót tài chính của các tập đoàn này vẫn còn quá lập lờ. Việc thanh tra kiểm soát của các cơ quan quản lý đối với mỗi tập đoàn đã là đều quá khó khăn. Giờ đây với sự hợp tác này, chắc chắn việc thanh tra giám sát các tập đoàn này sẽ khó khăn hơn nhiều.
Cuối là là việc công bố thông tin. Trước đây, thỉnh thoảng công chúng vẫn được biết những vụ tranh chấp quyền lợi giữa các tập đoàn này khi chúng hoạt động tương đối độc lập, nhờ đó đánh giá được phần nào khả năng hoạt động của các tập đoàn. Giờ đây với sự hợp tác chiến lược về mặt truyền thông, liệu những thông tin như thế sẽ xuất hiện hay tình trạng “xấu che, tốt khoe” sẽ còn trầm trọng hơn nữa?
Việc trở thành đối tác chiến lược cũng sẽ gây khó khăn cho Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư cho các tập đoàn. Gần đây, các tập đoàn này đã xin Chính phủ được phép phát hành trái phiếu, đòi được hưởng các ưu đãi như ưu tiên vốn đầu tư ODA, vốn trái phiếu chính phủ, hay đòi Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài. Liệu khi trở thành các đối tác chiến lược với quy mô lớn hơn, sức ép đòi hỏi của các tập đoàn này sẽ lớn cỡ nào?
Sơn Nguyễn
nhịp cầu đầu tư
|