Doanh nghiệp thủy sản: Đâu là lối thoát?
Đối diện với những khó khăn cả về đầu ra và đầu vào trong năm vừa qua, hơn 20 doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán đã có một năm kinh doanh khá bi đát. Và bước sang năm 2013 cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp tự chủ được nguồn cung nguyên liệu.
* Doanh nghiệp dược vẫn kiếm bộn trong khủng hoảng
* Cổ phiếu vận tải thủy: Nghịch lý hay niềm tin?
* Cổ phiếu mía đường chật vật tìm vị ngọt
* Lợi nhuận giảm, cổ phiếu cao su có còn hấp dẫn?
* Cổ phiếu điện tăng giá vì đâu?
* Sự lựa chọn của khối ngoại có gì hay?
Lỗ “khủng” và bản án hủy niêm yết
Kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp thủy sản báo lỗ 2012
|
Năm 2012 là năm cực kỳ bết bát đối với các doanh nghiệp thủy sản, bi đát nhất có lẽ là XNK Lâm Thủy Sản Bến Tre (HOSE: FBT). Cụ thể, năm vừa qua, FBT chỉ ghi nhận doanh thu thuần 128 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so năm 2011. Chẳng những thế, FBT còn đối mặt với tình trạng bán hàng thấp hơn giá vốn khiến cho khoản lỗ ròng lên đến 44 tỷ đồng.
Việc thua lỗ của FBT đã có “thâm niên” qua nhiều năm. Công ty thua lỗ lớn liên tiếp kể từ năm 2009 đến nay, ngoại trừ năm 2011 lãi nhẹ 6 tỷ đồng. Với kết quả trên, nhà đầu tư không lạ gì bản án hủy niêm yết bắt buộc đang rất gần đối với cổ phiếu này. Kết thúc năm 2012, FBT đang lỗ lũy kế 229 tỷ đồng, vượt vốn đầu tư của chủ sở hữu đến 79 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thủy sản thứ hai báo lỗ là Thủy hải sản Việt Nhật (HOSE: VNH). Đây là năm đầu tiên công ty báo lỗ kể từ năm 2007, tuy nhiên mức lỗ 16 tỷ đồng là quá lớn so với một công ty tạo ra lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ khoảng vài tỷ đồng. Dù doanh thu thuần mà VNH đạt được tăng 10% so năm trước nhưng trước khó khăn chung về đầu vào của ngành, giá vốn tăng vọt 49% khiến cho lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng. Không đủ bù đắp các chi phí phát sinh, lỗ là điều khó tránh khỏi với VNH.
Lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng
Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thủy sản 2012
|
Ngoài 2 doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ như trên, có đến 18 doanh nghiệp thủy sản trên sàn đã rất chật vật trong năm 2012, lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng trên 50% không phải là hàng hiếm. Đơn cử như ACL, FMC, AAM, ICF và ATA đều giảm lãi ròng trên 70% hay MPC, ANV trên 50%. Bí đầu ra và gặp khó trong đầu vào là thực trạng dễ nhận thấy của các doanh nghiệp thủy sản năm vừa qua.
Thực vậy, soi BCTC các doanh nghiệp lãi ròng giảm mạnh cho thấy hầu hết đều cùng có doanh thu giảm từ 20% trở lên. Điển hình là Đầu tư Thương mại Thủy sản (HOSE: ICF), cả doanh thu và lãi ròng giảm lần lượt 69% và 75% hay như XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL), doanh thu giảm 20%, vẫn đạt hơn ngàn tỷ nhưng lãi ròng chỉ còn lại 15 tỷ đồng, bằng 13% năm 2011.
Giá vốn lại tăng mạnh khiến cho tỷ suất lợi nhuận gộp giảm, đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng giảm theo là trường hợp của Thủy sản Minh Phú (HOSE: MPC). Công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hội chứng tôm chết sớm diễn ra trên diện rộng trong cả nước. Khi nguồn cung nguyên liệu trong nước khan hiếm buộc các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm phải chịu giá cao để thu hút tôm nguyên liệu và hệ quả tất yếu giá vốn tăng cao. Vậy nên dù cho doanh thu tăng 11% so năm trước lợi nhuận của MPC vẫn sụt giảm đến 67% chỉ đạt 91 tỷ đồng.
Các ông lớn thủy sản như Hùng Vương (HOSE: HVG) và Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) tuy ghi nhận doanh thu tương đương cùng kỳ nhưng lãi ròng lần lượt giảm 28% và 47%. Nguyên nhân theo giải trình từ các công ty này cũng là do chi phí nuôi trồng và chế biến cao hơn năm trước, đi kèm với việc giá xuất khẩu không thuận lợi.
Một trường hợp cần nhắc đến là Thủy sản Số 4 (HOSE: TS4) tăng trưởng doanh thu cao nhất trong số các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn ở mức gần 30% song giá vốn tăng mạnh khiến lãi ròng của TS4 giảm 36%, chỉ còn 16 tỷ đồng trong năm 2012.
Khởi sắc từ quý 3?
Mới đây, Bộ thương mại Mỹ tăng thuế nhập khẩu cá tra đối với các doanh nghiệp Việt Nam, còn xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang gặp vướng mắc ở khâu kiểm tra Ethoxyquin cho thấy những rào cản về thị trường tiêu thụ quốc tế vẫn còn căng thẳng trong thời gian tới.
Theo báo cáo triển vọng ngành 2013 của Chứng khoán BIDV (BSI) tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm 2013 chưa có dấu hiệu cải thiện: kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 778.5 triệu USD, giảm 0.6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu vào thị trường EU tiếp tục suy giảm -7.1%.
Tuy nhiên, với nhiều chính sách hỗ trợ ngành thủy sản được ban hành, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, ngân hàng giãn nợ cho người nuôi tôm và cá tra; BSI cho rằng triển vọng ngành thủy sản có thể khả quan hơn vào nửa cuối năm 2013 – thời điểm mà nền kinh tế khu vực Eurozone được dự báo sẽ vượt qua khủng hoảng, cũng là thời gian vào mùa thu hoạch mới của tôm và cá tra.
Cũng theo BSI, nếu doanh nghiệp nào tự chủ được nguồn cung nguyên liệu sẽ có cơ hội phát triển đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng hơn và tiếp tục hoạt động ổn định. Còn ngược lại nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy thoái và tuột dốc.
SJ1 – đi ngược xu thế
Thuỷ sản Số 1 (HNX: SJ1) là doanh nghiệp thủy sản niêm yết duy nhất có tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2012. SJ1 ghi nhận doanh thu thuần 330.2 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2011; lợi nhuận tăng nhẹ 2%, ghi nhận 11.78 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tương tự như những doanh nghiệp cùng ngành khác, SJ1 cũng có giá vốn lại tăng mạnh hơn 39%, chi phí bán hàng đột biến lên 10.7 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ 6.3 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2012, tiền mặt của SJ1 giảm khá mạnh còn hơn 1 tỷ đồng, bằng 1/6 thời điểm đầu năm và vay nợ ngắn hạn tăng gấp đôi lên mức 65.9 tỷ đồng.
SJ1 có một quá trình hoạt động tương đối ổn định qua nhiều năm. Công ty duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận khá đều đặn, lãi ròng đạt trên 10 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 2009-2012.
|
Trần Việt (Vietstock)
Ffn
|