Không thông qua chuyển đổi quỹ mở, MAFPF1 phải đóng quỹ vào 9/2014
Kết thúc Đại hội, mặc dù Ban đại diện đã nỗ lực đưa ra hướng mới nhằm có thể tiếp tục kế hoạch chuyển đổi quỹ mở nhưng Đại hội vẫn không thông qua tờ trình này. Như vậy, MAFPF1 sẽ phải đóng quỹ vào tháng 9/2014 khi hết thời hạn hoạt động của quỹ.
Chiều 28/03, Quỹ đầu tư Tăng trưởng Manulife (HOSE: MAFPF1) tổ chức Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2013. Tương tự như nhiều quỹ đầu tư khác, Đại hội của MAFPF1 sẽ thảo luận về vấn đề chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở.
Câu chuyện về chuyển đổi sang quỹ mở này không phải là vấn đề mới. Tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm ngoái, mặc dù có khá nhiều nhà đầu tư bày tỏ ý kiến không đồng tình cho MAFPF1 chuyển sang quỹ mở nhưng cuối cùng cũng được thông qua với tỷ lệ trên 97%, dự kiến thời hạn hoàn tất chuyển đổi trong vòng 9 đến 12 tháng.
Tuy nhiên, bước qua Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2013 lần này, quỹ mở vấp phải rào cản lớn ngay từ đầu giờ Đại hội. Cụ thể, lượng nhà đầu tư có mặt vào giờ khai mạc đạt tỷ lệ 58.65%, đáp ứng yêu cầu để tổ chức Đại hội nhưng không thể thông qua chủ trương chuyển đổi quỹ. Bởi giả sử 100% nhà đầu tư có mặt tại Đại hội đồng ý thông qua vấn đền này thì vẫn chưa đủ tỷ lệ 75% phiếu thuận khi muốn chuyển đổi quỹ mở, chưa kể đến yêu cầu phải có ít nhất 50% nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư lớn biểu quyết đồng ý tại Đại hội.
Kết thúc Đại hội, mặc dù Ban đại diện đã nỗ lực đưa ra hướng mới nhằm có thể tiếp tục kế hoạch chuyển đổi quỹ mở nhưng Đại hội vẫn không thông qua tờ trình này. Như vậy, MAFPF1 sẽ phải đóng quỹ vào tháng 9/2014 khi hết thời hạn hoạt động của quỹ.
Trước MAFPF1, hai quỹ niêm yết là VFMVF1 và VFMVF4 đã được Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2013 thông qua chủ trương chuyển đổi quỹ mở. Tuy nhiên, hai quỹ này còn phải tổ chức đại hội bất thường và cần ít nhất tỷ lệ 75% chứng chỉ quỹ đang lưu hành đồng ý thì mới có thể chuyển sang quỹ mở. Riêng với PRUBF1, Ban đại diện quỹ dự kiến sẽ trình Đại hội diễn ra ngày 29/03 thông qua kế hoạch giải thể quỹ bởi PRUBF1 sẽ hết thời hạn hoạt động vào tháng 10/2013.
Hình ảnh tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2013 của MAFPF1 diễn ra chiều ngày 28/03
|
* 17h50: Tất cả tờ trình đã được Đại hội thông qua, ngoại trừ phương án chuyển đổi sang quỹ mở.
Do vẫn còn lỗ lũy kế 66 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2012, quỹ sẽ không chia cổ tức cho năm tài chính 2012.
Ông Nguyễn Thế Nhiên – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Toàn Cầu (Vinaglobal), Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn (SaiGonCapital) trúng cử vào Ban đại diện và giữ vị trí Chủ tịch. Trước đó, ngày 15/03, ông Thái Hoàng Long – Chủ tịch Ban đại diện quỹ đã xin từ nhiệm.
Như vậy, 5 thành viên Ban đại diện quỹ hiện tại bao gồm:
- Ông Nguyễn Thế Nhiên (Chủ tịch)
- Ông Võ Văn Tiến
- Ông Tống Văn Dũng
- Bà Nguyễn Ngọc Trang
- Bà Lâm Lệ Linh
* 16h45: Tỷ lệ nhà đầu tư tham dự Đại hội tăng nhẹ, với số người có mặt là 85, đại diện cho tỷ lệ 59.73% số phiếu có quyền biểu quyết
* 16h20: Chuyển đổi quỹ mở vướng tỷ lệ 75%, Ban đại diện đề xuất giải pháp sẽ tiếp tục xin ý kiến cổ đông bằng văn bản
Một nhà đầu tư tại Đại hội cho biết, quỹ bắt đầu từ tháng 12/2007 và đã đi gần hết đoạn đường, đã lấy lại được khoản lỗ của năm 2011. Nếu chuyển đổi quỹ được thì tốt vì nhà đầu tư có thể chuyển đổi ngay thành tiền mặt. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư hiện tại không đảm bảo đủ tỷ lệ để thông qua chuyển đổi quỹ mở do số lượng nhà đầu tư quan tâm và đi dự Đại hội thấp. Nếu không thông qua việc chuyển đổi quỹ mở thì khoản tiền mặt 450 triệu chi phí chuyển đổi quỹ vẫn bị trừ vào N.A.V. Và trong trường hợp này, toàn bộ danh mục phải bán để trả lại tiền nhà đầu tư. Nếu bán đồng loạt thì ảnh hưởng thị trường và giá mua giá bán.
Ban đại diện quỹ cho biết, nếu không chuyển sang quỹ mở, quỹ sẽ phải tổ chức Đại hội Nhà đầu tư trước ngày quỹ đóng quỹ từ 3-6 tháng. Trong khoảng thời gian này, quỹ sẽ bán ra danh mục từ từ khi có quyết định đóng quỹ.
Danh mục hiện tại theo nhận định của quỹ có tính thanh khoản khá tốt, nhiều nhà đầu tư hoặc các quỹ đầu tư khác cũng muốn nắm giữ. Do vậy, có thể thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận, không nhất thiết phải xả hết danh mục trên sàn, không tạo áp lực lớn khi bán danh mục để trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Ban đại diện cũng cho biết, trên thực tế, tại thời điểm đóng quỹ chưa có công ty quản lý quỹ nào bán "ầm ầm" danh mục để hoàn thành nhiệm vụ đóng quỹ.
Ban đại diện xác nhận tỷ lệ nhà đầu tư tham dự Đại hội hiện tại chưa đủ 75% để thông qua việc chuyển đổi sang quỹ mở. Với quy định của pháp luật hiện tại, không có hướng dẫn về việc chấp nhận ý kiến bằng văn bản. Do đó, vấn đề này sẽ được giao lại cho Ban đại diện quỹ làm việc với UBCK xem xét về việc chấp nhận để Quỹ xin ý kiến bằng văn bản. Ban đại diện chưa thể có câu trả lời chắc chắn do phải xin ý kiến cơ quan chức năng.
Nhiều luồng ý kiến trái chiều được đưa ra tại Đại hội về việc đồng ý hay không đồng ý chuyển đổi sang quỹ mở. Ban đại diện quỹ cho biết, nếu hôm nay biểu quyết không đồng ý chuyển đổi thì không có cơ hội làm việc tiếp với UBCK. Ban đại diện đề xuất giải pháp trung gian là hoãn việc bỏ phiếu, giao lại quyền cho Ban đại diện xin UBCK về việc lấy ý kiến bằng văn bản. Ban đại diện sẽ công bố đầy đủ tiến trình với nhà đầu tư.
* 15h45: Trong giờ thảo luận, nhà đầu tư thắc mắc về phí phát hành 1% và phí mua lại 2% đối với giao dịch quỹ mở, như vậy phí gấp 200 lần so với giao dịch trên sàn?!
Thay mặt Ban đại diện, bà Trinh cho biết cơ chế hoạt động quỹ mở khác với quỹ đóng. Do quỹ mở không niêm yết trên sàn nên sẽ phát sinh thêm một số chi phí khác. Việc quản lý quỹ mở khó khăn hơn do dòng vốn không ổn định và nhà đầu tư giao dịch nhiều.
Bên cạnh đó, hoạt động quỹ mở đòi hỏi phải thiết lập hệ thống đại lý phân phối để thực hiện giao dịch của nhà đầu tư nên cũng cần chi phí nhất định. Công ty quản lý quỹ muốn đưa cơ chế phí thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư, tuy nhiên quỹ vẫn phải thương lượng với đơn vị cung cấp dịch vụ là bên thứ ba về chi phí.
Bà Trinh cho biết, 1% phí phát hành trên sẽ không thu đối với nhà đầu tư hiện hữu (chỉ thu đối với nhà đầu tư mới).
* 15h20: Nếu Đại hội thông qua, Chứng chỉ quỹ mở dự kiến giao dịch ngày đầu vào 06/08/2013
Đại diện quỹ trình bày phương án chuyển đổi quỹ đóng MAFPF1 sang quỹ mở. Theo đó, nếu Đại hội Nhà đầu tư thường niên thông qua phương án chuyển đổi và hủy niêm yết, dự kiến vào ngày 26/04/2013 hủy niêm yết chứng chỉ quỹ MAFPF1 trên HOSE, ngày 20/05 HOSE chấp thuận và ngày 03/06 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng trên sàn.
Sau khi tiến hành các thủ tục chuyển đổi, Công ty quản lý quỹ sẽ thông báo cho nhà đầu tư về N.A.V tại ngày chuyển đổi quỹ, giá trị tài sản ròng, danh sách đại lý phân phối chỉ định, quy trình giao dịch chứng chỉ quỹ chi tiết vào ngày 17/07.
Chứng chỉ quỹ mở MAFPF1 dự kiến sẽ giao dịch ngày đầu tiên vào 06/08/2013.
Ngoài ra, đại diện của quỹ cũng cho biết, MAFPF1 phải tạm dừng hoạt động đầu tư trong suốt thời gian chuyển đổi từ ngày giao dịch cuối cùng.
Tại thời điểm 28/02/2013, quỹ có tổng tài sản tương đối nhỏ 170 tỷ đồng, các khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết có thanh khoản khá cao. Ban đại diện đề xuất quỹ nắm giữ tối đa 40% tiền mặt trước thời điểm có chấp thuận hủy niêm yết của HOSE để dự phòng cho nhu cầu bán lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư hiện hữu.
Sau khi chuyển đổi thành công, chiến lược đầu tư của quỹ không thay đổi so với quỹ đóng hiện tại, MAFPF1 tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và sắp niêm yết trên sàn nhằm tạo ra giá trị tăng trưởng dài hạn, đồng thời duy trì tỷ lệ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng theo tỷ lệ phù hợp. Cụ thể, tham số tiền mặt mục tiêu của quỹ là 20%, đáp ứng cơ bản về nhu cầu tiền mặt cho việc mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư tại mỗi kỳ giao dịch chứng chỉ quỹ. Danh mục còn lại bao gồm 80-100% N.A.V đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và 0-10% N.A.V vào cổ phiếu chưa niêm yết.
Về chi phí chuyển đổi, quỹ phải trả một lần là 440 triệu đồng.
Đối với nhà đầu tư phản đối quyết định chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở, Công ty quản lý quỹ sẽ mua lại chứng chỉ quỹ sau khi UBCK chấp thuận chuyển đổi sang quỹ mở.
* 14h55: Công ty ngành tiêu dùng, dược phẩm, tiện ích sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng
Trong phần nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán 2013, bà Kim Cương cho biết, năm 2013 Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát ở một con số, lãi suất cho vay tiếp tục giảm, vấn đề nợ xấu cần ít nhất 2-3 năm để giải quyết. Do đó, giá cổ phiếu sẽ có sự phân hóa lớn tùy theo hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo MAFPF1, công ty ngành tiêu dùng, dược phẩm, tiện ích sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; bất động sản và tài chính còn gặp khó khăn. Thị trường chứng khoán năm 2013 vẫn còn rẻ tương đối và có tiềm năng tăng trưởng.
* 14h45: Bà Trần Thị Kim Cương – Giám đốc Đầu tư cổ phiếu trình bày báo cáo kết quả hoạt động năm 2012 của MAFPF1.
Trong năm 2012, lợi nhuận thuần của MAFPF1 đạt gần 30 tỷ đồng, lỗ lũy kế 66 tỷ đồng. Quỹ có tài sản ròng hơn 148 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước, tương đương giá trị tài sản ròng của một đơn vị quỹ là 6,917 đồng.
Vào thời điểm cuối năm 2012, chứng chỉ quỹ MAFPF1 giao dịch ở mức chiết khấu là 38% so với N.A.V và tại thời điểm 21/02/2013 là 34%.
Trong ba tháng đầu năm 2013 (tính đến ngày 28/03/2013), N.A.V của MAFPF1 đã tăng 21% trong khi VN-Index giảm 18.5%.
* 14h20: Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh – Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Đầu tư MAF cho biết, dự kiến việc chuyển đổi thành quỹ mở của MAFPF1 sẽ hoàn tất trong tháng 8/2013. Nếu việc chuyển đổi sang quỹ mở không được thông qua, quỹ vẫn giữ nguyên hoạt động cho đến khi hết hạn vào tháng 9/2014.
* 14h10: Khai mạc Đại hội. Đại hội có sự tham gia của 68 nhà đầu tư, chiếm tỷ lệ 58.65% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Các nội dung sẽ được trình tại Đại hội:
- Kết quả đầu tư của quỹ MAFPF1 trong năm 2012
- Chiến lược đầu tư năm 2013
- Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012
- Lựa chọn công ty kiểm toán, thay đổi ngân hàng giám sát
- Điều chỉnh điều lệ quỹ
- Bầu bổ sung thành viên Ban đại diện quỹ
- Đặc biệt là kế hoạch chuyển đổi quỹ đóng sang hình thức quỹ mở
Theo nội dung trong tài liệu Đại hội, MAFPF1 định hướng đầu tư nhiều vào các cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong năm 2013-2014 thuộc ngành hàng tiêu dùng, tiện ích, dược phẩm; những cổ phiếu giá trị với tỷ lệ chi trả cổ tức cao và bền vững, ít nhất 10%/năm. Quỹ sẽ rất cẩn trọng với ngành bất động sản và ngân hàng.
Minh Hằng (Vietstock)
FFN
|