Cách nhìn khác về vấn đề "Nền kinh tế phải trả lãi 20 tỷ USD/năm"
Theo TS. Võ Trí Thành: thực chất khoản lãi mà DN, nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng không phải là phần “thu về hưởng cả” của các NHTM, bởi trong số đó, họ còn phải trích lập dự phòng rủi ro và trả lãi cho các khoản tiền huy động. Thực ra, hàm ý của ý kiến này là muốn lưu ý đến việc sử dụng nguồn lực sao cho có hiệu quả trong khi DN vẫn đang rất khó khăn.
* Nền kinh tế trả lãi ngân hàng 20 tỉ USD/năm
Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế: “Với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỷ đồng, lãi suất 15%/năm thì DN nói riêng và nền kinh tế nói chung phải trả lãi cho ngân hàng gần 20 tỷ USD, tương đương 1/6 GDP. Đặc biệt, hiện nay tình trạng thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào thì việc giảm lãi suất cho vay không thể cứ trì hoãn”.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nói rằng, cần phải hiểu đúng thực tế con số 20 tỷ USD và hàm ý của ý kiến nói trên.
Thực chất khoản lãi mà DN, nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng không phải là phần “thu về hưởng cả” của các NHTM, bởi trong số đó, họ còn phải trích lập dự phòng rủi ro và trả lãi cho các khoản tiền huy động. Thực ra, hàm ý của ý kiến này là muốn lưu ý đến việc sử dụng nguồn lực sao cho có hiệu quả trong khi DN vẫn đang rất khó khăn.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh
|
Theo số liệu từ NHNN hồi cuối năm 2012, số trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng vào khoảng 90.000 tỷ đồng. Hơn nữa, thực tế NHTM đang cho vay với nhiều mức lãi suất khác nhau có những khoản vay lãi suất chỉ từ 7-8%/năm.
Còn tính cơ cấu các khoản cho vay theo từng loại lãi suất có thể thấy ngay con số nhỏ hơn 20 tỷ USD. Bởi vào thời điểm trước 15/7/2012, tỷ trọng dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm ở mức 65% nhưng đã giảm dần và hiện còn khoảng 18%; số liệu công bố trên Website của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy mức lãi suất cho vay phổ biến hiện nay từ 11-15%/năm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV còn ở mức thấp hơn 12%/năm, thậm chí còn có những khoản vay với lãi suất 7-8%/năm.
Dư nợ tín dụng không chỉ bao gồm tín dụng bằng VND mà còn có cả tín dụng ngoại tệ, với lãi suất cho vay ngoại tệ hiện phổ biến ở mức 5-8% năm thì với tỷ giá ổn định như thời gian vừa qua, lãi suất của các khoản vay bằng ngoại tệ quy ra VND cũng không thể lên đến 15%/năm.
Chưa kể số dư nợ tín dụng còn bao gồm những khoản nợ xấu được tích lũy từ trước tới nay. Theo số liệu của NHNN công bố gần đây, nợ xấu hiện còn khoảng 6%, chưa tính đến các khoản nợ đã được cơ cấu nhưng giữ nguyên nhóm nợ. Đối với những khoản nợ xấu này, không những khó thu được lãi mà ngay cả nợ gốc còn có rủi ro không thu hồi được.
Bên cạnh đó, với vai trò là trung gian tài chính trong nền kinh tế, các ngân hàng phải huy động vốn từ người gửi tiền, ngân hàng đang phải trả lãi cho người gửi tiền, hiện lãi suất huy động ngắn hạn tối đa là 8%/năm, huy động dài hạn trên 12 tháng còn ở mức cao hơn. Ngoài việc trả lãi cho người gửi tiền, các ngân hàng còn phải chi phí để duy trì hoạt động của ngân hàng, phải chi phí dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, trích lập dự phòng rủi ro… phần còn lại mới là lợi nhuận.
Theo dõi thông tin về hoạt động của các ngân hàng cho thấy, lợi nhuận năm 2012 của ngành Ngân hàng sụt giảm, trong đó của các NHTMCP giảm gần một nửa, của các “ông lớn” cũng chỉ nhỉnh hơn năm 2011 rất ít. Như vậy, việc dựa trên một số liệu được ước tính như trên để nói các ngân hàng hiện đang “lãi khủng” là thiếu tính thực tế và không công bằng đối với các ngân hàng.
Chưa kể, trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển mạnh, thì hệ thống ngân hàng đã và đang làm thay vai trò cung cấp vốn trung dài hạn của thị trường vốn cho nền kinh tế, nhất là khi nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng dựa nhiều vào lượng.
Chi phí trả lãi của các DN thường chiếm tỷ trọng cao trong chi phí trả lãi cho các nguồn vốn đầu tư của DN là điều dễ hiểu. Để giảm tải cho hệ thống ngân hàng, và để DN bớt khó khăn, bản thân các DN cũng cần phải đa dạng hóa nguồn vốn của mình, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm đến việc phát triển thị trường vốn…
Về ý kiến hiện nay tình trạng thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào thì việc giảm lãi suất cho vay không thể cứ trì hoãn. Cách đây hơn một năm, có lẽ nhiều người còn chưa tin vào khả năng giảm mặt bằng lãi suất xuống 9-10%/năm vào cuối năm 2012 như tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.
Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh, trở về mức lãi suất vào thời điểm cuối năm 2007. Tín dụng vẫn không tăng cho dù lãi suất đã giảm mạnh, thanh khoản của các ngân hàng dư thừa, điều đó chứng tỏ rằng sức hấp thụ của nền kinh tế nói chung và nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh còn yếu. Mặt bằng lãi suất huy động tối đa 8%/năm đối với các khoản tiền gửi ngắn hạn, và cao hơn đối với tiền gửi trên 12 tháng là phù hợp với kỳ vọng lạm phát hiện nay.
Thống đốc NHNN đánh giá năm 2013 có giảm được lãi suất hay không phụ thuộc vào xu hướng diễn biến của lạm phát; trường hợp lạm phát cả năm có khả năng được kiểm soát theo đúng mục tiêu đặt ra (khoảng 6%) thì có thể tính đến việc điều chỉnh giảm lãi suất. Bên cạnh chiều hướng chung, còn nhiều yếu tố gây nguy cơ bùng nổ lạm phát trở lại, do đó việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn luôn phải thận trọng, linh hoạt; lộ trình giảm lãi suất đi đôi với tính toán điều kiện tự do hóa lãi suất, diễn biến tỷ giá, lãi suất tiền gửi USD…
Linh Lý
thời báo ngân hàng
|