Thứ Hai, 25/02/2013 17:08

Từ 1/3, thị trường thứ 4 mở cửa hoạt động

Hơn 80 loại cổ phiếu đã lưu ký nhưng chưa niêm yết hoặc bị hủy niêm yết ở tình trạng không có chỗ giao dịch cho các cổ đông khiến nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần xác lập một thị trường riêng cho loại cổ phiếu này.

Trước nhu cầu từ thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định 56/2013/QĐ-UBCK về quy chế chuyển quyền sở hữu chứng khoán đã lưu ký, nhưng chưa, hoặc không niêm yết, chính thức xác lập một thị trường mới, tạm gọi là thị trường thứ 4 (bên cạnh thị trường niêm yết HOSE, HNX và UPCoM), cho loại cổ phiếu này.

Ngày 1/3/2013, Quyết định 56/2013/QĐ-UBCK sẽ chính thức có hiệu lực

Thực trạng giao dịch cổ phiếu ngoài sàn

Trong năm 2012, đã có 21 công ty bị hủy niêm yết trên cả 2 Sở GDCK và danh sách công ty bị hủy niêm yết sẽ còn nối dài khi mà nhiều công ty tiếp tục báo lỗ. Không chỉ thế, có hàng chục DN đã lưu ký cổ phiếu, nhưng vì lý do nào đó chưa đưa cổ phiếu lên sàn như CTCP Du lịch và thương mại DIC, CTCP Bao bì Hà Tiên, CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa… Với các trường hợp này, cổ đông dù muốn, cũng khó có thể giao dịch cổ phiếu, vì từ trước đến nay chưa có một quy định cụ thể cho việc giao dịch loại cổ phiếu này.

Về lý thuyết, khi muốn chuyển nhượng cổ phiếu đã lưu ký nhưng chưa niêm yết, cổ đông có thể làm hợp đồng chuyển nhượng, lấy xác nhận chứng khoán từ thành viên lưu ký, rồi chuyển hồ sơ đến công ty phát hành cổ phiếu. Công ty phát hành sẽ có công văn xin ý kiến UBCK và UBCK sẽ giao cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam giải quyết để cổ đông có thể chuyển nhượng, sang tên.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều tình huống phát sinh khiến cổ đông khó mà chuyển nhượng được cổ phiếu của mình. Đầu tiên là những công ty đã chốt danh sách cổ đông để lưu ký, nhưng vì lý do nào đó chưa được cấp mã, đây là tình huống thực tế mà cổ đông một DN trong miền Trung đã gặp phải. Khi cổ đông này lưu ký chứng khoán để chuyển nhượng thì được CTCK trả lời rằng, không tìm thấy mã lưu ký, ngày lưu ký. Không thể lưu ký thì cũng không thể chuyển nhượng được, nên đến nay, cổ đông này vẫn tiếp tục giữ sổ cổ đông của DN nói trên. Đối với cổ phiếu đã có mã lưu ký, việc chuyển nhượng khả quan hơn, nhưng thường mất nhiều thời gian và nhiều rủi ro cho cả bên mua lẫn bên bán.

Nếu công ty phát hành cổ phiếu hợp tác và hỗ trợ cổ đông, như trường hợp CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa (TIP), cổ đông có thể tải mẫu hợp đồng chuyển nhượng và giấy đề nghị chuyển nhượng từ website của Công ty để làm hồ sơ. Hồ sơ gồm 2 loại giấy tờ trên kèm theo CMND và sổ cổ đông gửi về Công ty để Công ty giúp cổ đông làm nốt các thủ tục còn lại để sang tên. Tuy vậy, để thực hiện tất cả thủ tục trên, cổ đông có thể phải chờ vài tuần, thậm chí cả tháng, nếu hồ sơ phát sinh vấn đề và phải bổ sung thêm vì những lý do như do đổi CMND dẫn đến ngày cấp CMND không khớp với dữ liệu của Trung tâm Lưu ký. Tại những DN phát hành không sẵn lòng hỗ trợ cổ đông giao dịch, cổ đông sẽ phải tự làm thủ tục và phải chờ dài, từ thủ tục tại công ty đến thủ tục tại thành viên lưu ký, đến Trung tâm Lưu ký…

Bên cạnh đó, rủi ro rất lớn đối với giao dịch này là khả năng tranh chấp hợp đồng, bên bán chịu rủi ro không lấy được tiền, còn bên mua chịu rủi ro không sang tên cổ phiếu được, vì thủ tục hoàn tất giao dịch và thời hạn hoàn tất giao dịch không được luật định. Một phần vì TTCK đi xuống, phần khác vì những vướng mắc trong việc chuyển nhượng nêu trên mà nhiều năm nay, giao dịch các cổ phiếu đã lưu ký chưa niêm yết hầu như bị tê liệt, gây ảnh hưởng không nhỏ cho cổ đông và DN phát hành.

Từ 1/3, thị trường thứ 4 chính thức hoạt động

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Quyết định 56/QĐ-UBCK quy định, khi có nhu cầu chuyển nhượng, NĐT đến làm thủ tục tại CTCK nơi bên bán mở tài khoản lưu ký. Hồ sơ gồm có giấy đề nghị chuyển nhượng theo mẫu, bản sao CMND (cá nhân) hoặc Giấy CNĐKKD (tổ chức). Sau khi nhận được hồ sơ, CTCK nộp cho Trung tâm Lưu ký và nhập thông tin vào hệ thống Trung tâm Lưu ký thông qua cổng giao tiếp điện tử. Thời gian Trung tâm xử lý hồ sơ là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ.

Nếu không chấp thuận, Trung tâm sẽ có thông báo, nếu chấp thuận sẽ gửi văn bản thông báo cho CTCK ghi rõ ngày hiệu lực chuyển quyền sở hữu. CTCK hai bên mua bán thực hiện hạch toán chứng khoán tương ứng vào tài khoản.

CTCK phải đóng phí giao dịch ngoài hệ thống của Sở và khấu trừ thuế của nhà đầu tư.

Với quy trình này, công ty phát hành chỉ còn trách nhiệm ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ với Trung tâm Lưu ký theo quy định và không liên quan đến quá trình giao dịch của cổ đông. Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện có hơn 80 DN có cổ phiếu đã lưu ký mà chưa niêm yết và Trung tâm đã gửi công văn tới tất cả các công ty này, yêu cầu ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ giao dịch. Các DN đại chúng không mất bất cứ khoản chi phí nào cho việc này, việc ký hợp đồng mang ý nghĩa hoàn tất thủ tục.

Theo quy định, Trung tâm Lưu ký sẽ thu 0,1% phí giao dịch trên giá trị chuyển nhượng. Khoản phí này CTCK sẽ thu của nhà đầu tư rồi chuyển đến Trung tâm Lưu ký. Một CTCK cho biết, đang xem xét để xây dựng biểu phí thu của nhà đầu tư, tuy nhiên do số lượng cổ phiếu trong phân khúc này không nhiều, nên có thu thêm phí cũng chỉ mang tính tượng trưng, với mục tiêu chính là thu hút thêm nhà đầu tư mở tài khoản. Tất nhiên, mức phí này sẽ tuân thủ quy định về phí môi giới tối đa không quá 0,5% giá trị giao dịch.

Về phía nhà đầu tư, cảm nhận về quy định mới của UBCK, nhiều ý kiến chia sẻ, quy định này đã cụ thể hóa trách nhiệm hỗ trợ nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phiếu chưa niêm yết, nhưng chưa giúp bên mua, bên bán có thể tìm thấy nhau. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chưa rõ việc phải tới làm thủ tục tại CTCK có cần cả bên mua – bên bán đến, hay chỉ cần bên bán? Các vấn đề ủy quyền, hay xác thực chữ ký ra sao? Bởi trước đây, khi chuyển nhượng loại cổ phiếu này, có cổ đông đã gặp nhiều vướng mắc.

Dù còn một số điểm băn khoăn, nhưng Quy chế ra đời đã mở ra cơ chế ban đầu cho thị trường giao dịch thứ 4 tại Việt Nam. Về phía nhà quản lý, theo tìm hiểu của ĐTCK, mục tiêu của Quy chế là tháo gỡ một nút thắt của thị trường, nhưng không có ý khuyến khích sự gia tăng số lượng cổ phiếu lưu ký mà không niêm yết hoặc không đăng ký giao dịch. UBCK cho biết, vẫn sẽ tập trung phát triển thị trường niêm yết tại 2 Sở, thị trường UPCoM dành cho DN đăng ký giao dịch và khuyến khích các DN tham gia các thị trường này, trong mục tiêu chung là tăng cường sự minh bạch trong hoạt động của các DN và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TSC: Cổ phiếu bị vào diện cảnh báo (25/02/2013)

>   Nhiều nhà đầu tư cháy túi vì tin đồn (25/02/2013)

>   Xử phạt kiểm toán như “phủi bụi” (25/02/2013)

>   Chất lượng kiểm toán đối với DN niêm yết: Còn bỏ ngỏ? (24/02/2013)

>   25/02: Bản tin đầu tuần (25/02/2013)

>   Cảnh giác trước những tin đồn (23/02/2013)

>   PHS: Đưa cổ phiếu vào diện bị kiểm soát từ 25/02 (25/02/2013)

>   “Giai đoạn phân vân”: Nhà đầu tư nên hành động như thế nào? (24/02/2013)

>   BHV: Cổ phiếu bị vào diện bị kiểm soát từ 25/02 (23/02/2013)

>   KDC có 165 triệu cổ phiếu đang lưu hành (23/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật