Chủ Nhật, 24/02/2013 21:29

Chất lượng kiểm toán đối với DN niêm yết: Còn bỏ ngỏ?

Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường- Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Nguyễn Sơn, một trong những giải pháp để tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2013 của UBCKNN chính là việc nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán của các công ty niêm yết, công ty đại chúng.

Bất cập

Theo nhận định của ông Trần Anh Quân, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG (một trong những DN hoạt động kiểm toán lớn nhất Việt Nam), trong một vài năm trở lại đây, các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư và công chúng đã nêu ra nhiều mối quan ngại về chất lượng kiểm toán tại Việt Nam. Riêng đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán thì vấn đề chất lượng kiểm toán đối với các công ty đại chúng và công ty niêm yết được đặc biệt quan tâm. Dựa trên thực tiễn tại Việt Nam, một trong những nguy cơ đáng kể làm ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên xuất phát từ bản chất mối quan hệ giữa kiểm toán viên và khách hàng kiểm toán bao gồm việc lựa chọn và bổ nhiệm kiểm toán viên, sự tương tác trong công việc giữa kiểm toán viên với ban quản lý (Ban giám đốc) của đơn vị được kiểm toán và việc giám sát quá trình kiểm toán của từng đơn vị được kiểm toán.

Bởi các quy định hiện hành về việc lựa chọn và bổ nhiệm kiểm toán viên của các công ty đại chúng và công ty niêm yết chưa có hiệu lực cao. Chẳng hạn như tại Thông tư số 212/2012/TT-BTC về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng được Bộ Tài chính ban hành ngày 26-7-2012 đã quy định rằng việc lựa chọn và bổ nhiệm kiểm toán viên phải được Đại hội đồng Cổ đông phê duyệt chỉ được thực hiện một cách hình thức. Trong hầu hết các trường hợp việc này được giao phó (ủy quyền) hoàn toàn cho Ban giám đốc. Đây là một bước đi đúng hướng, tuy nhiên cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc triển khai cũng như giám sát thực hiện.

Cũng theo Phó tổng giám đốc Trần Anh Quân, vấn đề quan trọng thứ hai là việc quản lý giám sát của các cơ quan quản lý đối với hoạt động kiểm toán các công ty đại chúng và công ty niêm yết. Luật Kiểm toán độc lập ra đời năm 2011 có một chương riêng quy định về kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng bao gồm các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm, công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, việc quản lý giám sát hoạt động kiểm toán độc lập đối với các đơn vị này hiện nay vẫn chưa được thực hiện một cách tập trung thống nhất nên chưa tận dụng tốt nhất các nguồn lực và chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn.

Bên cạnh đó, hiện vẫn tồn tại mâu thuẫn về định hướng khi áp dụng chung một hệ thống chuẩn mực kế toán và cơ chế tài chính giữa các thành phần kinh tế khác nhau nhất là giữa các DN Nhà nước sở hữu và các công ty đại chúng, niêm yết. Trong những năm qua, nhiều quy định về lập dự phòng, xử lý chênh lệch tỷ giá được ban hành và áp dụng chung cho các thành phần kinh tế đã thể hiện sự không phù hợp và không xử lý được những tình huống thực tế đặt ra trong quá trình lập báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, niêm yết và việc kiểm toán các báo cáo này. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin tài chính đã được kiểm toán.

Phạt nặng các hành vi vi phạm kiểm toán

Trên cơ sở đó, Phó tổng giám đốc Trần Anh Quân cho rằng, ngoài việc lựa chọn kiểm toán viên thì vai trò của Ban Kiểm soát đối với quá trình kiểm toán độc lập cần được nâng cao. Bên cạnh đó, việc kiểm toán độc lập các tổ chức tín dụng (trong đó có nhiều tổ chức niêm yết, đại chúng) cần được đặt dưới sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước dựa trên những quy định riêng.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước nên định hướng và từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng, niêm yết trong thời gian tới.

Còn theo Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập vừa được Bộ Tài chính công bố và lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành và dự kiến sẽ được triển khai áp dụng từ 1-7-2013, đã quy định đầy đủ các mức phạt đối với các hành vi vi phạm về chứng từ kế toán, sổ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và công khai báo cáo tài chính, hồ sơ kiểm toán, vi phạm kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán...

Với các mức phạt như: Thành viên tham gia cuộc kiểm toán thực hiện hành vi thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng; Kiểm toán viên thực hiện kiểm toán cho khách hàng khi khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật... bị phạt từ 40 triệu đến 60 triệu đồng.

 " Việc nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán và hạch toán tỷ giá trên cơ sở ban hành đầy đủ và đồng bộ các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới và cơ chế hạch toán tỷ giá từng bước theo các chuẩn mực quốc tế. Dự kiến, trong năm 2013, UBCKNN sẽ ban hành các chuẩn mực về công cụ tài chính... nhằm cải thiện chất lượng các báo cáo tài chính, bảo đảm các thông tin công bố là tin cậy, đầy đủ, chính xác và kịp thời, đặc biệt là thông tin về các vấn đề tài chính trọng yếu của DN", Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Nguyễn Sơn nói.

Ngoài mức phạt tiền, với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, cá nhân, tổ chức vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ có thời hạn việc kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Đình chỉ có thời hạn việc hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề; Không được đăng ký hành nghề kiểm toán có thời hạn của kiểm toán viên; Đình chỉ có thời hạn việc tổ chức cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề; Đình chỉ có thời hạn hoặc huỷ bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng; Đình chỉ có thời hạn việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam; Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

Trong thời hạn bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, cá nhân, tổ chức không được tiến hành hoạt động kiểm toán độc lập và các hoạt động có liên quan và buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Thu Hằng

Hải Quan

Các tin tức khác

>   25/02: Bản tin đầu tuần (25/02/2013)

>   Cảnh giác trước những tin đồn (23/02/2013)

>   PHS: Đưa cổ phiếu vào diện bị kiểm soát từ 25/02 (25/02/2013)

>   “Giai đoạn phân vân”: Nhà đầu tư nên hành động như thế nào? (24/02/2013)

>   BHV: Cổ phiếu bị vào diện bị kiểm soát từ 25/02 (23/02/2013)

>   KDC có 165 triệu cổ phiếu đang lưu hành (23/02/2013)

>   VTB: 06/03 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2013 (23/02/2013)

>   Tin đồn và sự dễ tổn thương của thị trường tài chính Việt (23/02/2013)

>   SGT bị cảnh cáo trên toàn thị trường (22/02/2013)

>   QLQ ĐTCK Minh Việt bị phạt do báo cáo không đúng thời hạn (22/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật