Triển khai nhiều giải pháp xử lý mất cân đối thị trường bất động sản
Xử lý sự mất cân đối trên thị trường, chuyển dịch đối tượng phục vụ cũng như quy mô, phân khúc sản phẩm nhà ở, tăng tính thanh khoản là mục tiêu lớn trong chính sách nhà ở và thị trường bất động sản năm 2013.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo quyết liệt thực hiện các pháp pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
|
Sáng ngày 22/2, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã họp tổng kết hoạt động năm 2012 và xây dựng phương hướng hoạt động năm 2013.
Theo báo cáo, năm 2012, do tình hình kinh tế khó khăn, vốn đầu tư giảm, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục trầm lắng, việc làm trong lĩnh vực xây dựng giảm mạnh, tồn kho và nợ xấu là vấn đề nổi cộm trên thị trường.
Giá cả BĐS, nhà ở tiếp tục sụt giảm trên tất cả các phân khúc thị trường. Tuy nhiên, số lượng giao dịch vẫn tiếp tục “đóng băng”, lượng giao dịch thành công thấp.
Báo cáo từ 130 sàn giao dịch ở TP.HCM trong năm 2012 cho thấy chỉ có 4.147 giao dịch thành công với giá trị gần 12.000 tỷ đồng mặc dù có dự án giảm giá tới 30% so với cuối năm 2011.
Tương tự, tại Hà Nội chỉ có trên 1.800 giao dịch thành công ở các sàn giao dịch trong khi giá căn hộ chung cư giảm trung bình 5-10%, đất nền giảm trung bình 15-20%.
Tình trạng trầm lắng đã dẫn tới hệ lụy tồn kho lên tới trên 42.000 căn nhà, gồm khoảng hơn 26.000 căn hộ và 16.000 nhà thấp tầng. Cùng với đó là 92.000 m2 văn phòng cho thuê, 98.000 m2 trung tâm thương mại, 8 triệu m2 đất nền, 2 triệu m2 đất thương mại, ước tính giá trị tống lượng vốn tồn kho khoảng 112.000 tỷ đồng.
Giá sản phẩm giảm mạnh mà vẫn không bán được đã gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh BĐS. NHNN cho biết, dự nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2012 lên tới 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2011. Nợ xấu chiếm khoảng 13,5% do hàng không bán được.
Năm 2013 được hy vọng sẽ là thời điểm thị trường BĐS “ấm” lên với hàng loạt các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của Chính phủ bắt đầu đi vào cuộc sống như việc giãn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng, các ngân hàng cho vay với đối tượng chính sách mua nhà ở.
Mấu chốt là phát triển nhà ở xã hội
Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản với sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ đã nỗ lực thực hiện hàng loạt biện pháp cả ngắn hạn lẫn dài hạn nhằm tháo gỡ khó khăn. Chiến lược phát triển nhà ở được khẩn trương xây dựng, triển khai cùng các chính sách tháo gỡ, thúc đẩy như mô hình quỹ huy động vốn, quyết định thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở vùng lũ, đề án hỗ trợ nhà ở hộ nghèo theo chuẩn mới, chính sách về phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, quản lý đầu tư phát triển đô thị, đề án thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở… Trong đó, điểm mấu chốt được xác định là phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở thực sự cho đa số người dân và “làm ấm” thị trường BĐS.
Ban chỉ đạo đã thành lập các Đoàn công tác kiểm tra việc giành và sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án để xây dựng nhà ở xã hội cũng như nhà ở chính sách.
Đến nay, 56 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, quy mô xây dựng 1,8 triệu m2 sàn, đáp ứng được nhu cầu cho 130.000 người. Trong đó, 27 dự án hoàn thành với 800.000 m2 sàn cho 55.000 người. Nhà ở cho công nhân KCN đã triển khai 94 dự án với tổng mức đầu tư 7.550 tỷ đồng, quy mô xây dựng trên 2 triệu m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 177.600 công nhân, trong đó 62 dự án với khoảng 612.000 m2 sàn, đáp ứng được nhu cầu 67.000 công nhân.
Bên cạnh đó, một điểm sáng trong triển khai chính sách nhà ở và thị trường BĐS năm 2012 là Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg đã về đích trước 1 năm với hơn nửa triệu căn nhà, ổn định đời sống cho hàng triệu người dân nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Việc đôn đốc thực hiện các chương trình nhà ở trọng điểm khác cũng đạt kết quả tích cực như xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng công trình phòng tránh lũ, lụt, dự án nhà ở cho sinh viên…
Sẽ thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong chuyển dịch cơ cấu thị trường BĐS.
|
Lập các đoàn công tác gỡ vướng về bất động sản
Tại cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất dịch chuyển về đối tượng phục vụ, quy mô, phân khúc sản phẩm xây dựng cần được coi là chủ trương bao trùm trong các nhóm giải pháp giải cứu thị trường BĐS hiện nay.
Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tập trung vào xây dựng, điều chỉnh chính sách. Phía DN quyết liệt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng như điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán.
Tán thành với các ý kiến này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo tiếp tục tăng cường các nhóm giải pháp triển khai Nghị quyết 02/CP, Chỉ thị 2196/CT-TTg với mục tiêu tập trung là xử lý tính mất cân đối trên thị trường, đồng thời tăng tính thanh khoản cho sản phẩm nhà ở hiện nay.
Hướng đi cụ thể là đẩy mạnh các chương trình nhà ở mục tiêu, lấy nhà ở xã hội làm trọng tâm, đồng bộ với nhà ở chính sách, nhà cho thuê, chuyển nhượng dự án… để từng bước cải thiện khả năng thanh khoản của thị trường.
Các cơ chế tháo gỡ, chỉ đạo cũng sẽ tập trung xoay quanh mục tiêu này. Trên cơ sở thí điểm một số dự án chuyển đổi mục tiêu, Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện phân cấp cho địa phương áp dụng các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện phù hợp.
Phó Thủ tướng cho rằng, về lâu dài, hoạt động của Ban chỉ đạo và các Bộ, ngành trong lĩnh vực nhà ở, BĐS sẽ hướng đến việc tạo điều kiện cho thị trường thiết lập mối quan hệ cung cầu mới, bằng cách cung cấp thêm các mặt hàng phục vụ nhu cầu thực sự của người dân. Rà soát thu hồi dự án dang dở, các dự án nhà ở ít có tính khả thi, tồn đọng lớn. Đồng thời tạo cơ chế thông tin minh bạch, cụ thể những dự án được triển khai để người có nhu cầu phù hợp dễ dàng tiếp cận.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo thành lập các Đoàn công tác tới từng địa phương kiểm tra, đôn đốc và cùng xử lý những vướng mắc trong chủ trương chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường.
Nguyên Linh
Chính phủ
|