Tồn kho thép muốn xuất cũng khó
Xu hướng bảo hộ thương mại khiến hàng rào kỹ thuật đối với thép nhập khẩu được dựng lên ở nhiều quốc gia. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, hàng loạt sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu ra các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… liên tiếp nhận được đơn kiện và cảnh báo điều tra tự vệ thương mại.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi lên Bộ Công Thương cảnh báo, nhiều DN ngành thép có khả năng phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, cũng như bị áp dụng biện pháp tự vệ của một số quốc gia nhập khẩu. Thừa nhận việc đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm thép là một giải pháp giúp các DN trong ngành giảm lượng hàng tồn kho, nhất là trong bối cảnh khó khăn của ngành xây dựng và hạ tầng hiện nay. Tuy nhiên, VSA cho rằng, “phản kháng” của các thị trường nhập khẩu đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho DN trong ngành.
Từ việc tiêu thụ toàn cầu giảm sút, ngành xây dựng ảm đạm tại nhiều quốc gia trên thế giới, câu chuyện tồn kho thép không chỉ có ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại khiến hàng rào kỹ thuật đối với thép nhập khẩu được dựng lên ở nhiều quốc gia. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, hàng loạt sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu ra các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… liên tiếp nhận được đơn kiện và cảnh báo điều tra tự vệ thương mại.
Theo quyết định của Ủy ban tự vệ thương mại Indonesia (KPPI), từ ngày 19/12/2012 cơ quan này sẽ điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn mạ hợp kim nhôm, kẽm của Việt Nam. Lý do được giải thích là có sự gia tăng mạnh về số lượng các sản phẩm nhập khẩu, dẫn tới một số dấu hiệu ban đầu về sự thiệt hại của ngành công nghiệp nội địa nước này. Trước đó ngày 18/12, VSA cũng nhận được thư của Hiệp hội Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu Thái Lan cảnh báo lần hai về sự gia tăng đột biến của mặt hàng tôn mạ kim loại, sơn phủ màu của Việt Nam xuất sang nước này…
Chưa hết, sau vụ kiện bán phá giá sản phẩm thép ống của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vừa kết thúc, nước này tiếp tục cảnh báo kiện sản phẩm ống thép tiêu chuẩn dẫn dầu. Thép cán nguội cũng vừa bị phía Indonesia áp thuế chống bán phá giá và trước đó bị Brazin khởi xướng điều tra chống bán phá giá... Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch VSA lưu ý: “Nếu các biện pháp trên được thực thi, sẽ đẩy các DN sản xuất thép của Việt Nam vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhất là với các DN xuất khẩu nhiều.
Giải thích cho quan điểm này, ông Nghi cho rằng, sản phẩm thép của Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh, ngoài giá cả. Nếu bị điều tra phòng vệ, và chịu áp các mức thuế cao thì chắc chắn, các chủng loại thép xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị "đánh bật" khỏi các thị trường này. Số liệu từ VSA cho biết, trong năm 2012 các sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước Đông Nam Á đạt khoảng 500.000 tấn. Mặc dù lượng thép xuất khẩu vào thị trường này tăng cao so với mức trung bình khoảng 100.000 tấn trước đây. Tuy nhiên, lượng thép mà các DN xuất khẩu vào từng thị trường chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ.
Điển hình như với sản phẩm thép cuộn cán nguội xuất khẩu vào Indonesia vừa bị nước này áp thuế chống bán phá giá, hiện chỉ có Công ty Posco Việt Nam xuất khẩu với số lượng không nhiều. Hay sản phẩm tôn cán mạ vừa bị điều tra chống bán phá giá cũng chủ yếu do Công ty Tôn Hoa Sen xuất khẩu. Lãnh đạo DN này khẳng định hoàn toàn có căn cứ để chứng minh sản phẩm tôn cán mạ không bán phá giá vào Indonesia.
Liên quan đến việc cảnh báo của Hiệp hội Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu Thái Lan, VSA cũng đã có công văn gửi đến các công ty tôn mạ trong nước đề nghị nâng cao trách nhiệm kiểm soát lượng và giá xuất khẩu, tránh làm phức tạp thêm tình hình…
Trong lúc nhiều quốc gia tỏ ra “cảnh giác” với thép xuất khẩu của Việt Nam, những quan điểm cho rằng, đầu tư quy mô lớn vào thép là để cạnh tranh với thế giới, để không chỉ nhắm đến thị trường trong nước dưới 90 triệu dân mà cả thị trường khu vực rộng lớn, giờ đây dường như không còn dễ thuyết phục như trước.
Những lo ngại phá vỡ quy hoạch ngành thép khi mà sản lượng thiết kế của các nhà máy thép Việt Nam đang gấp 2-3 lần mức tiêu thụ của thị trường nội địa, ít lâu nay nhiều chủ đầu tư “đại dự án” thép đã không còn lên tiếng phản kháng. Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná với vốn đầu tư 9,8 tỷ USD đã bị chính quyền địa phương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; Dự án thép Tata tại Vũng Áng có vốn 5 tỷ USD cũng trễ hẹn triển khai nhiều lần…
Hà Sơn
thời báo ngân hàng
|