Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha vẫn mức cao
Báo cáo của Hội các ngân hàng tiết kiệm Tây Ban Nha (Funcas) vừa đưa ra cho thấy thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2012 chiếm 7,3% GDP, cao hơn so với mức 6,3% GDP mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.
Tuy nhiên, Giám đốc bộ phận thống kê của Funcas Angel Laborda cho biết thâm hụt ngân sách trung ương, địa phương và các tỉnh của Tây Ban Nha lại giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2011.
Trong năm 2012, chính quyền trung ương thực hiện được mục tiêu thâm hụt ngân sách tương đương 4,5% GDP, trong khi chính quyền các vùng và quỹ an sinh xã hội đã không đạt được mục tiêu trên.
Ông Laborda dự đoán trong năm 2013, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha sẽ là 5,6% GDP, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 4,5% GDP của chính phủ nước này. Trong đó, thâm hụt ngân sách trung ương sẽ ở mức 3,5% GDP.
Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha (INE) cho biết trong năm 2012, tăng trưởng kinh tế nước này giảm 1,37%. GDP trong quý 4/2012 giảm 0,7% so với quý trước đó, đánh dấu mức giảm cao nhất kể từ quý 2/2009 khi kinh tế giảm 1,1%.
Trước đó, chính phủ và Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đều dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm.
INE cho hay các số liệu trên bắt nguồn từ hệ quả của nhu cầu trong nước thấp hơn so với nhu cầu ngoài nước. Tiêu dùng nội địa ở Tây Ban Nha thấp là do doanh thu từ các chủ cửa hàng nhỏ sụt giảm, ngay cả vào mùa mua sắm như Lễ Giáng sinh và Năm mới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo rằng kinh tế Tây Ban Nha năm 2013 sẽ giảm hơn 1,4%.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới diễn ra ở Davos (Thụy Sỹ), Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos bày tỏ hy vọng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế đang bị hạn chế bởi chương trình cắt giảm chi tiêu và t ăng thu ế của chính phủ nhằm tiết kiệm 150 tỷ euro (194 tỷ USD) trong giai đoạn 2012-2014.
Nhà kinh tế Raj Badiani ở IHS Global Insight nhận định nền kinh tế lớn thứ 4 Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ giảm 0,5% trong quý 1/2013, khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Ông cho rằng triển vọng năm 2013 và 2014 sẽ không khá hơn năm ngoái, với những trở ngại chính cho đà phục hồi của kinh tế nước này vẫn là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài dai dẳng, kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, dòng tín dụng bị gián đoạn và giá nhà tiếp tục giảm sâu./.
Nguyễn Linh
vietnam+
|