Thứ Hai, 04/02/2013 14:11

Tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp viễn thông

Sau một năm đầy biến động, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu trong năm nay.

Thắng lớn

FPT vừa chính thức công bố, doanh thu của Tập đoàn trong năm 2012 đạt 25.350 tỷ đồng (tương đương trên 1,2 tỷ USD), lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt tương ứng 2.405 tỷ đồng và 1.985 tỷ đồng. Những con số này tuy giảm nhẹ so với năm 2011, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần khép lại một năm 2012 đầy biến động, nhưng cũng không ít thành quả của khối doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin cả nước.

Tái cơ cấu MobiFone sẽ là một tâm điểm trong năm nay

Báo cáo của hai tập đoàn viễn thông chủ lực của Nhà nước là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho thấy, năm 2012, VNPT đạt doanh thu trên 130.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 8.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.500 tỷ đồng; còn Viettel đạt doanh thu 141.000 tỷ đồng, lợi nhuận 27.514 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 11.377 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) cũng đạt doanh thu tới 5.000 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 400 tỷ đồng.

Trao đổi với báo giới cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đánh giá cao kết quả trên. “Năm 2012, các doanh nghiệp viễn thông đã kinh doanh hiệu quả và đóng góp lớn cho ngân sách”, Bộ trưởng nói và cho biết, cùng với viễn thông, công nghiệp công nghệ thông tin trong năm qua cũng có bước tiến mạnh mẽ, đóng góp lớn cho xuất khẩu. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại và các loại linh kiện… đã đạt hơn 18 tỷ USD.

Trong số các doanh nghiệp công nghệ thông tin, FPT vẫn giữ vững ngôi đầu. Năm 2012, với doanh thu cao, lợi nhuận sau thuế cổ đông của công ty mẹ đạt 1.539 tỷ đồng. Năm qua, tập đoàn này cũng đã nộp ngân sách 3.717 tỷ đồng. Các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FPT trong mảng dịch vụ, như viễn thông, nội dung số, phần mềm… vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Năm 2012, doanh thu từ các lĩnh vực này tăng 25% và lợi nhuận trước thuế tăng 28%. Đặc biệt, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT đạt tốc độ tăng trưởng 34% nhờ chiến lược đầu tư đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài trong bối cảnh thị trường trong nước khó khăn.

Nhiều biến động

Năm 2012 có thể coi là một năm nhiều biến động trên thị trường viễn thông - công nghệ thông tin Việt Nam sau thời kỳ phát triển 10 năm êm ả. Đây là điều cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định vào cuối tuần trước.

Theo Bộ trưởng, năm qua, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông đã khiến một số doanh nghiệp viễn thông ra đi, như EVNTelecom (sáp nhập vào Viettel) và Vimpelcom (Nga - rút vốn đầu tư khỏi Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu Gtel). Đồng thời, Bộ cũng đã rút giấy phép một số doanh nghiệp viễn thông.

“Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do thị trường viễn thông đã rất cạnh tranh, kinh tế lại đang gặp khó khăn, nên một số doanh nghiệp không thể duy trì được hoạt động kinh doanh. Mặt khác, quản lý nhà nước về viễn thông nói riêng và quản lý đầu tư công của Nhà nước nói chung được tăng cường, nên không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp yếu kém, cho dù là doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói và khẳng định, những biến động này của thị trường phù hợp với định hướng phát triển bền vững thị trường viễn thông theo Quy hoạch Phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được ban hành.

Năm qua, việc Viettel đã “vượt mặt” VNPT về doanh thu cũng có thể được coi là một dấu ấn đáng ghi nhận.

Năm 2013: Tập trung tái cấu trúc

Năm 2012, một trong những câu chuyện nóng bỏng nhất trên thị trường viễn thông là việc tái cơ cấu VNPT, với tâm điểm cổ phần hóa hay hợp nhất MobiFone và VinaPhone. Đây cũng sẽ là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong năm 2013.

Trao đổi với báo giới liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực thông tin - truyền thông theo hướng mô hình tổ chức tinh gọn, phương thức quản trị tiên tiến, tạo cơ chế cho doanh nghiệp năng động và tự chủ trong sản xuất - kinh doanh. Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp viễn thông sẽ không được phép kinh doanh ngoài ngành, để nâng cao hiệu quả hoạt động đúng theo chuyên môn của mình.

“Năm 2013, sẽ tái cơ cấu doanh nghiệp viễn thông để bảo đảm thị trường sẽ chỉ còn doanh nghiệp mạnh theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng khẳng định và cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông cũng đồng nghĩa với việc cơ cấu lại phần lớn thị trường viễn thông.

“Việc tái cơ cấu sẽ bám sát mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh bằng nhiều biện pháp, trong đó có tạo điều kiện cho việc mua bán, sáp nhập, thu hồi giấy phép, tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả. Tôi cho rằng, trong năm 2013, xu hướng chủ đạo của thị trường viễn thông là phát triển bền vững, hướng tới hiệu quả, chất lượng, cạnh tranh lành mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Nhã Nam

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tồn kho thép giảm mạnh (04/02/2013)

>   2013, Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm 1 tỷ kWh điện (04/02/2013)

>   TKV phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu (04/02/2013)

>   Điều chỉnh quy mô dự án lọc dầu Vũng Rô (04/02/2013)

>   Sau một tháng của năm 2013: Những hy vọng tốt lành (03/02/2013)

>   Sản xuất công nghiệp giảm: Không bình thường (03/02/2013)

>   Thị trường bán lẻ: Kỳ vọng tăng trưởng năm 2013 (03/02/2013)

>   Quản DNNN: Những khoảng trống còn bỏ ngỏ (03/02/2013)

>   Nhà bán lẻ tận dụng cơ hội tăng doanh thu dịp Tết (03/02/2013)

>   Gian nan xuất khẩu phân bón (03/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật