Chủ Nhật, 03/02/2013 21:55

Thị trường bán lẻ: Kỳ vọng tăng trưởng năm 2013

Bước sang năm 2013 dù sức mua trên thị trường bán lẻ sụt giảm, nhiều khó khăn và thách thức được dự đoán tiếp tục chờ đợi các doanh nghiệp phía trước, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng.

Một năm khó khăn

Nhìn lại năm 2012 có thể thấy đây là năm đánh dấu sự tụt hạng chưa từng có của thị trường bán lẻ Việt Nam với kết quả công bố của hãng A.T. Kearney (Mỹ) vào giữa năm nay, từ vị trí số 1 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2008, năm 2012 Việt Nam rớt “thê thảm” xuống vị trí thứ 32.

Cùng với đó, diễn biến thị trường bán lẻ trong nước cũng nổi lên một vấn đề gay gắt là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong cuộc chiến giành lấy thị phần.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, năm 2012 mặc dù tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ bán lẻ theo báo cáo Bộ Công Thương đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011, nhưng loại trừ yếu tố giá chỉ còn 6,2%.

So sánh với giai đoạn hoàng kim 2001 – 2007 có thể thấy, mức này chỉ tăng khoảng 11% và thực tế khi trừ đi các yếu tố về giá chỉ tăng chưa đến một nửa.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt

Theo ông Phú, năm 2012 được nhận định là một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp bán lẻ, “dù các siêu thị nỗ lực đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi nhưng vẫn không kích thích được sức mua của người dân, doanh số bán hàng nhiều siêu thị chỉ bằng năm 2011 hoặc thấp hơn” – ông Phú cho biết.

Còn theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, ngành phân phối bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới ra đời khoảng chục năm nay nên phát triển còn sơ khai, trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đồng thời mở rộng các trung tâm thương mại hiện đại, các đại siêu thị, cửa hàng tiện ích… thực sự phù hợp và làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Ông Đoàn dự báo, trong một hai năm tới theo cam kết của WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường, lúc này các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã “yếu thế hơn” nay càng phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng với nguy cơ bị thâu tóm.

Hy vọng năm 2013

Đứng trước những thách thức như vậy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã nhanh chóng thay đổi chiến lược, chuyển hướng kinh doanh, mở rộng thị trường nhằm phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart), nhận định, “Trong bối cảnh hội nhập các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã vào Việt Nam và lớn mạnh hơn chúng ta rất nhiều, sang năm 2013 sẽ còn vào nhiều hơn nữa. Vì vậy mỗi doanh nghiệp bán lẻ cần có một chiến lược riêng”.

Để có được chỗ đứng vững chắc trong thời buổi khó khăn, theo bà Hậu, các siêu thị cần tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị phần, đồng thời liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp để có chiến lược đưa hàng hóa ra thị trường một cách hợp lý, giá cả cạnh tranh nhất.

Kế hoạch dự kiến trong năm 2013 của Fivimart bà Hậu cho biết, sẽ đưa vào sử dụng 5 siêu thị tại các vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Quách Cường - Giám đốc khu vực phía Bắc Saigon Co.op, kế hoạch đến năm 2015 Co.opMart sẽ phát triển chuỗi siêu thị lên con số 100 trên toàn quốc.

Dự kiến trong năm 2013 Saigon Co.op cũng sẽ chuyển hướng trọng tâm ra khu vực phía Bắc, từ đó liên kết với các nhà sản xuất để tung ra thị trường các mặt hàng mang nhãn hàng riêng của siêu thị.

Cũng không đứng ngoài cuộc, vừa bước sang năm 2013 các siêu thị điện máy, công nghệ cũng tăng tốc mở thêm hệ thống phân phối. Như Pico lần đầu “nam tiến” khai trương siêu thị điện máy phức hợp quy mô lớn tại Tp. Hồ Chí Minh; Nguyễn Kim tiếp tục mở thêm 6 siêu thị tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bình Dương, nâng số lượng trung tâm bán lẻ trên toàn quốc con số 21.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, sẽ phấn đấu để đưa mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ năm 2013 tăng lên so với năm 2012.

“Các thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong ngành sẽ nỗ lực để giữ được mức phát triển cao hơn so với năm 2012. Mục tiêu chúng tôi sẽ cố gắng đưa tổng lưu lượng hàng hóa bán lẻ đạt mức 6,5% và cao hơn là 7%” – bà Loan kỳ vọng.

Phan Ngọc

Tổ Quốc

Các tin tức khác

>   Quản DNNN: Những khoảng trống còn bỏ ngỏ (03/02/2013)

>   Nhà bán lẻ tận dụng cơ hội tăng doanh thu dịp Tết (03/02/2013)

>   Gian nan xuất khẩu phân bón (03/02/2013)

>   Thị trường Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ (02/02/2013)

>   Chống chuyển giá ở TPHCM gặp nhiều khó khăn (02/02/2013)

>   Người Việt chi tiêu Tết gấp đôi cho hàng tiêu dùng nhanh (02/02/2013)

>   Thủy sản Phương Nam sắp vượt qua 'sóng gió' (02/02/2013)

>   Hàng xa xỉ vẫn "hút khách" dù khủng hoảng kinh tế (02/02/2013)

>   Haprosimex bán cả nhà máy có trả hết nợ? (02/02/2013)

>   DN được xuất gạo thơm vào thị trường tập trung (01/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật